Cậu bé nghèo tha hương, bán giày dạo từ năm 12 tuổi trở thành tỉ phú giàu nhất Philippines: Khó khăn, cực nhọc là bài học quý giá về cần cù, tiết kiệm và làm việc có nguyên tắc!
“Cơ hội do ta tạo ra, cơ hội không tự tìm đến” – Đó là những lời nói truyền cảm hứng mạnh mẽ từ Henry Sy – người có khối tài sản đứng đầu đất nước Philippines.
Triệu phú ổ chuột, từ điện ảnh đến đời thực, luôn là những câu chuyện truyền cho ta rất nhiều cảm hứng, với những tấm gương từ nghèo khó trở nên giàu có và quyền lực, nhờ sự chăm chỉ và kiên trì, cùng sự mỉm cười của số phận. Đó là những con người dù có xuất thân thấp kém, nghèo khổ, nhưng đã mạnh mẽ vượt qua những thử thách của cuộc sống bằng ý chí và lòng quyết tâm đến cùng, để gặt hái thành quả xứng đáng.
Hãy cùng tìm hiểu câu chuyện của tỉ phú Henry Sy - người đàn ông đến Philippines và bươn chải từ những ngày đầu tiên với cửa hàng bán giày và cửa hàng tạp hóa, để rồi cuối cùng trở thành người giàu nhất đất nước — và giữ vững vị trí đó cho đến ngày nay.
Năm 12 tuổi, Henry Sy theo bố tới Philippines, nuôi hy vọng về một cuộc sống sung túc hơn. Để nuôi gia đình, bố ông mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ trên phố Carriedo (Manila).
Nhớ lại những ngày tháng vất vả đó, Henry Sy từng kể: “Tôi đã khóc khi chứng kiến sự vất vả của cha. Mỗi ngày, cha tôi đều phải dậy từ sớm để đi lấy hàng, sau đó mang về bán tại cửa hàng ven đường cho tới tận tối khuya rồi ngủ luôn ở đó. Những khó khăn và cực nhọc đó đã cho tôi bài học quý giá đầu tiên về đức tính cần cù, tiết kiệm và làm việc có nguyên tắc”.
Sinh năm 1924, trong một gia đình nghèo ở Tấn Giang, Tuyền Châu, Trung Quốc, khi 12 tuổi Sy cùng gia đình chuyển đến Philippines. Dù còn nhỏ, Sy phải làm việc tại cửa hàng tạp hóa nhỏ của cha hơn 12 tiếng mỗi ngày.
Cậu bé Sy mải mê với công việc đến mức không có tuổi thơ, không thường xuyên chơi với những đứa trẻ khác, hằng mong có điều kiện phụ giúp cha với công việc buôn bán được yên ổn.
Nhưng trời chẳng chiều lòng người. Trong Thế chiến 2, nền kinh tế Philippines sụp đổ và cửa hàng của họ bị đốt và cướp.Trong khoảng thời gian sau khi cửa hàng đóng cửa, Sy tiếp tục một mình bán hàng trên đường phố để nuôi sống bản thân, trong khi cha ông trở về Trung Quốc.
Một ngày nọ, ông bị một mảnh đạn bắn vào người và suýt chảy máu đến chết nếu không được một người bạn kịp thời đưa đến bệnh viện. Sy đã trả ơn bằng cách biến người bạn đó thành đối tác kinh doanh trong suốt phần còn lại trong sự nghiệp.
Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, Henry Sy bắt đầu bán lẻ giày. Công việc kinh doanh phát triển nhanh chóng cho phép ông mở cửa hàng giày đầu tiên với tên gọi Shoe Mart (SM). Cửa hàng đó cũng rất thành công và Sy tiếp tục mở thêm nhiều chi nhánh khác.
Sau đó, một thử thách mới nảy sinh - các nhà cung cấp phản đối hướng dẫn kinh doanh của Henry. Họ chỉ cung cấp lượng hàng hạn chế khiến việc kinh doanh của Shoe Mart đình trệ.
Không có đủ hàng để bán, Shoe Mart của Sy đối mặt với thách thức lớn. Không thuyết phục được đối tác, Sy quyết định đa dạng hóa mặt hàng. Ông nhập thêm hàng may mặc và các loại hàng hóa khác để thu hút khách hàng.
Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Khi Sy mở cửa hàng bách hóa đầu tiên năm 1972 trong chuỗi cửa hàng mà ông phát triển, đất nước Philippines áp đặt thời kỳ Thiết quân luật. Sau cùng, mọi thứ càng khó khăn hơn khi nền kinh tế suy thoái... Trước những khó khăn chồng chất, nhiều người đã tin rằng Sy sẽ thất bại.
Mặc dù vậy, Henry Sy không hề dao động. Ông sẵn sàng đối mặt với tất cả những lời dị nghị với thái độ tự tin và lạc quan, cùng sự động viên từ nhân viên, bạn bè, gia đình và cả khách hàng.
Trong quá trình xây dựng các megamall, Sy và cộng sự tiếp tục gặp phải những trì hoãn, và sau đó là cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997. Bất chấp khó khăn, Sy vẫn cố gắng phát triển số lượng cửa hàng, cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực bán lẻ. Vào ngày 8 tháng 11 năm 1985, ông khai trương SM Supermall đầu tiên, SM City North EDSA.
Những cố gắng không biết mệt mỏi cuối cùng cũng mang lại cho Henry Sy thành quả xứng đáng. Tập đoàn SM Prime Holdings của ông phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế bán lẻ số một Philippines, đưa Henry Sy lên vị trí người giàu nhất đất nước này. Bên cạnh đó Sy còn lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh thực phẩm và đồ uống, và cũng đạt những thành tựu đáng ngưỡng mộ.
Ông đã giành được nhiều giải thưởng trong suốt những năm hoạt động nhờ sự lạc quan, ý chí kiên cường và kiến thức về kinh doanh: Giải Nhân vật quản lý của năm bởi Hiệp hội quản lý Philippines năm 1999, Top 40 người Philippines giàu nhất năm 2008, có mặt trong Tạp chí "Các anh hùng từ thiện" của Forbes năm 2009, người Philippines gốc Hoa đầu tiên nhận Giải thưởng của Chủ tịch PRA năm 2005, …
Henry Sy đã cho chúng ta thấy rằng, bất chấp mọi nghịch cảnh, sự kiên trì cuối cùng sẽ được đền đáp. Ông từng tuyên bố "cơ hội do ta tạo ra, cơ hội không tự tìm đến." Đây cũng là bài học cho mỗi chúng ta – nơi nào có khủng hoảng, nơi đó có cơ hội, và biến khủng hoảng thành cơ hội sẽ mang lại những thành quả xứng đáng.
Kinh doanh trung tâm thương mại là một hoạt động kinh doanh lâu dài. Thậm chí có thể mất tới 8 năm để hoàn vốn. Nhưng Sy chọn duy trì hoạt động này vì ông nhận thức được người Philippines và thậm chí cả những du khách nước ngoài yêu thích mua sắm như thế nào. Công ty của ông cũng cố gắng đổi mới, luôn cung cấp những sản phẩm mới cho khách hàng. Đó là một bài học khác về khả năng đánh giá thị trường tiềm năng để nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Henry Sy đã trải qua nhiều nghịch cảnh, nhiều thăng trầm như rất nhiều người từng gặp phải, trước khi đạt được thành công. Điều khiến ông trở nên khác biệt chính là việc kiên định theo đuổi ước mơ đến cùng.
Sy luôn đón nhận những thử thách mới và đối mặt bằng nhiều năm kinh nghiệm. Với sự trợ giúp từ bạn bè và gia đình, cùng sự nỗ lực phi thường của bản thân, ông đã xây dựng đế chế kinh doanh lớn nhất Philippines từ một cửa hàng giày nhỏ bé. Và danh hiệu người giàu nhất Philippines chắc chắn là phần thưởng xứng đáng cho doanh nhân tài ba này.
“Tôi đã khóc khi chứng kiến sự vất vả của cha. Mỗi ngày, cha tôi đều phải dậy từ sớm để đi lấy hàng, sau đó mang về bán tại cửa hàng ven đường cho tới tận tối khuya rồi ngủ luôn ở đó. Những khó khăn và cực nhọc đó đã cho tôi bài học quý giá đầu tiên về đức tính cần cù, tiết kiệm và làm việc có nguyên tắc”.
Bên cạnh sự giàu có và óc kinh doanh xuất thần, Henry Sy còn được nhiều người ngưỡng mộ bởi cách giáo dục con cái. Có 6 người con, ông luôn dạy các con phải đề cao tính kiên trì và chăm chỉ lao động. Từ khi 13 tuổi, các con của vị tỷ phú này đã phải đến siêu thị xếp hàng hóa lên các quầy kệ và làm thu ngân. Giờ đây, các con và cháu của ông đều tham gia vào việc kinh doanh của gia đình.
Vị tỷ phú giàu nhất Philippines, đã qua đời vào năm 2019 và cho đến hiện tại, ông vẫn là một doanh nhân được nhiều người nhắc đến nhờ tầm ảnh hưởng của ông đối với cả ngành bán lẻ và cuộc sống của người dân nước này.
Theo Success story