Cậu bé 5 tuổi thắc mắc 1 bài toán nhỏ nhưng khiến người lớn "chột dạ" về cuộc đời: Thấy người khác chạy nhanh không có nghĩa bạn bị bỏ lại đằng sau

10/06/2019 09:30 AM | Sống

Chỉ cần nhìn xung quanh, chúng ta sẽ thấy những “con tàu” chạy nhanh hơn mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn luôn bị bỏ lại đằng sau hay giậm chân tại chỗ.

“Nhìn kìa mẹ,” Tavish gọi tôi khi thằng bé nhổm dậy từ chỗ ngồi cạnh cửa sổ.

“Một con tàu nữa lại đi qua chúng ta,” thằng bé hét lên trong vui sướng.

Chúng tôi đang ngồi trên một chuyến tàu hỏa địa phương. Tôi và chồng cắm mặt vào điện thoại để đọc tin tức trên mạng xã hội thay vì thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt đẹp ngoài cửa sổ.

Tôi cười lại với Tavish. Tôi buộc phải làm thế. Thằng bé lại đang cười cái điệu con mèo Cheshire không thể cưỡng lại được.

“Tại sao nó luôn chạy nhanh hơn chúng ta?” thằng bé phàn nàn khi một con tàu khác lại chạy qua. “Lần nào con cũng hy vọng chúng ta được đi chuyến tàu nhanh nhất, nhưng rốt cuộc lại lên chiếc chậm nhất.”

“Không, chuyện không phải như thế,” tôi bắt đầu. “Con tàu kia trông thì có vẻ chạy nhanh hơn chúng ta. Tuy nhiên, bất chấp những gì con thấy, tàu của chúng ta có khi lại chạy nhanh hơn.”

“Sao mà như thế được ạ?” Tavish thắc mắc. Thằng bé nhìn tôi với đôi mắt ngập tràn hy vọng rằng tôi sẽ cho nó một câu trả lời.

Chồng tôi mỉm cười, làm bộ “Chúc may mắn” với tôi.

“Mẹ sẽ nói khi chúng ta về nhà,” tôi hứa. Đây là cách tôi dùng để câu giờ. Tôi muốn chờ tới khi cậu bé nhỏ của mình sẵn sàng để hiểu sự kỳ diệu của toán học. Khi đó, tôi sẽ giải thích cho thằng bé nghe về tính tương đối của chuyển động.

Cảm thấy an tâm, Tavish quay trở lại tận hưởng từng cảnh đẹp bên ngoài khung cửa sổ của mình. Nơi chúng tôi đến chỉ còn cách vài phút nữa, vì vậy, tôi nhắm mặt lại và bắt đầu nghĩ về tính tương đối của chuyển động.  

 Cậu bé 5 tuổi thắc mắc 1 bài toán nhỏ nhưng khiến người lớn chột dạ về cuộc đời: Thấy người khác chạy nhanh không có nghĩa bạn bị bỏ lại đằng sau  - Ảnh 1.

Một lời giải thích toán học có vẻ là quá khó hiểu đối với một đứa trẻ 5 tuổi, nên tôi cố gắng tìm cách khác phù hợp hơn để thằng bé cảm thấy hứng thú với chủ đề này. Và tôi đã tìm được. Chỉ trong một khoảnh khắc ngẫu nhiên, tôi đã tìm ra.

Suốt bao lâu nay, chúng ta vẫn luôn là nạn nhân của chuyển động tương đối, không phải chỉ trong mỗi lĩnh vực toán học. Ở cơ quan, ở nhà, ở các bữa tiệc, hay trên mạng xã hội, chúng ta đều bị lừa một cách khéo léo.

Chúng ta nhìn người khác hân hoan kể lể về những thành tựu trong cuộc đời họ; chúng ta vỗ tay ngợi khen họ. Nhưng chúng ta không chỉ dừng lại ở đó. Chúng ta áp đặt thành công của riêng họ lên chính chúng ta. Để rồi, chúng ta cảm thấy cay đắng và tiếc nuối về cuộc sống mà định mệnh đã sắp đặt cho ta.

Dĩ nhiên là chúng ta không nên so sánh như vậy. Chúng ta hiểu điều này. Và chúng ta luôn đi rao giảng điều này. Nhưng bắt tay vào làm? Không, chúng ta không bao giờ làm.

Tôi tạm dừng dòng suy nghĩ vẩn vơ vì tàu đã bắt đầu giảm tốc để vào ga. Chúng ta đứng dậy và lóng ngóng đi về phía cửa. Ngồi giữa chồng và con trai, tôi lại cảm thấy điều đó. Rằng đã không biết bao lần chúng ta coi nhẹ những phước lành mà mình có sẵn trong tay, để rồi mất đi lòng tự trọng chỉ vì những gì nhìn thấy trên điện thoại hàng ngày.

Khi gia đình tôi bước xuống tàu, Tavish nhìn thấy một người đàn ông đang thổi bong bóng từ chiếc vòng kim loại. Thằng bé khăng khăng rằng mình cần phải có một cái như vậy, bởi lẽ, “Thật là thần kỳ khi có thể tạo ra bong bóng cầu vồng chỉ từ một nhúm không khí giản đơn.”

Chồng tôi mua cho thằng bé và tôi cảm thấy vô cùng hài lòng. Tính tương đối của vận tốc, ta sẽ không để mi làm con trai ta sợ hãi trước toán học hay cuộc đời!

* Bài chia sẻ của Tanima Das Mitra - cây bút chuyên về lối sống trên India Times.

Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM