Cầu 8.900 tỷ nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên: Chắp vá, như một bản sao tồi tàn của cầu thế kỷ 17, 18

17/09/2021 13:28 PM | Kinh doanh

Theo thiết kế, kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp, bờ Bắc khu vực phát triển mới Bắc sông Hồng.

Cầu 8.900 tỷ xây theo lối kiến trúc "xứ Đông Dương"

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên.

Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025.

 Cầu 8.900 tỷ nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên: Chắp vá, như một bản sao tồi tàn của cầu thế kỷ 17, 18 - Ảnh 1.

Kiến trúc cổ kính của cầu Trần Hưng Đạo đã được Hà Nội thống nhất lựa chọn (Ảnh: TEDI).

Về kiến trúc, sau khi nhận được 13/15 ý kiến đồng ý của thành viên Hội đồng chọn, đạt 1.261 điểm, là số điểm cao nhất trong 3 phương án, cây cầu này sẽ được thực hiện theo phương án làm cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển.

Kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp, bờ Bắc khu vực phát triển mới Bắc sông Hồng. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính.

Sơ đồ nhịp 102+4x156+102, chiều dài cầu 828 m, bề mặt cầu 31 m, với 6 làn xe, chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km. Điểm đầu của cầu là tại ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.

Nhiều ý kiến trái chiều về phương án kiến trúc cầu nghìn tỷ

Cây cầu Trần Hưng Đạo nằm trong chủ trương xây dựng 18 cây cầu bắc qua sông Hồng theo đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, cây cầu này có nhiều "hạt sạn" và mắc nhiều lỗi kiến trúc cơ bản.

 Cầu 8.900 tỷ nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên: Chắp vá, như một bản sao tồi tàn của cầu thế kỷ 17, 18 - Ảnh 2.

Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng - kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển "Xứ Đông Dương".

Cụ thể, tờ Dân trí cho biết, đánh giá của KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì kiến trúc của cây cầu này "rất không ổn. Bởi theo như thuyết minh của phương án, là hình thức mang phong cách kiến trúc "xứ Đông Dương" với các trụ tháp kiểu cổ điển, kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp".

"Tôi rất ngạc nhiên khi người ta lại lấy tên "xứ Đông Dương" cho kiến trúc một cây cầu hiện đại được xây dựng ở thế kỷ 21.

Là một KTS, nghiên cứu về kiến trúc đô thị, tôi không thấy có cái gọi là phong cách kiến trúc "xứ Đông Dương" mà chỉ có phong cách kiến trúc Đông Dương do KTS người Pháp Ernest Hebrard sáng lập, một hình thức kiến trúc giao thoa hai nền văn hóa Việt - Pháp truyền thống, được xây dựng tại Hà Nội những năm 1920 - 1930 của thế kỷ 20…", ông Tùng nói.

 Cầu 8.900 tỷ nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên: Chắp vá, như một bản sao tồi tàn của cầu thế kỷ 17, 18 - Ảnh 3.
 Cầu 8.900 tỷ nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên: Chắp vá, như một bản sao tồi tàn của cầu thế kỷ 17, 18 - Ảnh 4.

Trong khi đó, theo ông Trần Quốc Bảo là Kiến trúc sư, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội thì "những cụm từ "kiến trúc xứ Đông Dương", "dáng vẻ cổ điển", "công trình kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp và Đông Dương" là những cụm từ mù mờ, không có ý nghĩa về mặt khoa học nói chung và kiến trúc nói riêng".

Ông Bảo cũng khẳng định: "Đây là một thiết kế lộn xộn, một sự chắp vá tân cổ giao duyên, chẳng theo một phong cách nào, giống như bản sao tồi của một cây cầu xây dựng vào thế kỷ 17, 18 ở châu Âu chứ không phải được xây vào thế kỷ 21 ở Việt Nam", tờ Vnexpress dẫn lời.

Đồng quan điểm đó, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cũng cho rằng, có khá nhiều "hạt sạn". Đầu tiên là chiều cao của cây cầu Trần Hưng Đạo chỉ 4,75m trong khi đó các cây cầu bắc qua sông Hồng xây mới đều khoảng cách 11 m so với mặt nước.

"Cầu thấp thế thì sao đảm bảo lưu không để tàu lớn và các phương vận tải thủy đi lại? Cây cầu có giá trị nhiều mặt, trong đó yếu tố lưu thông giao thông thủy cũng rất quan trọng. Nếu được cầu đường bộ mà không ổn về đường thủy thì dễ lợi bất cập hại", ông Ánh bày tỏ sự băn khoăn với Dân trí.

Bên cạnh đó, về yếu tố thẩm mỹ của kiến trúc cây cầu. Cách thiết kế theo ông Ánh nhận xét, tạo cảm giác "chắp vá", giả cổ.

Các kiến trúc sư trên đều bày tỏ quan điểm, đây là một cây cầu không chỉ có giá trị kinh tế mà còn tác động tới kiến trúc cảnh quan trung tâm… nên Thành phố nên tổ chức thi tuyển kiến trúc, sau đó triển lãm lấy ý kiến của người dân chứ không phải là cuộc tuyển chọn với vài ba phương án do một đơn vị tư vấn lập.

"Ngoài việc thi tuyển phương án thiết kế theo quy định còn phải lấy ý kiến của cộng đồng. Cây cầu là biểu tượng của địa phương, của đất nước, là lợi ích chung của cả xã hội chứ không của riêng ai, nên không thể lựa chọn theo theo cách áp đặt.

Cho nên, chọn thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhận được sự đồng thuận từ đại đa số các chuyên gia và người dân", KTS.Đào Ngọc Nghiêm Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội bày tỏ trên Tiền Phong.

(tổng hợp)

Pha Lê

Từ khóa:  cầu , Long Biên
Cùng chuyên mục
XEM