CASA ngân hàng đồng loạt giảm trong 3 tháng đầu năm

02/05/2023 13:50 PM | Kinh doanh

Việc CASA giảm mạnh và lãi suất huy động tăng cao từ cuối năm 2022 đến nay đã gây áp lực đáng kể tới chi phí vốn các nhà băng.

CASA ngân hàng đồng loạt giảm trong 3 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, trong quý 1/2023, tiền gửi không kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh. Khách hàng có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn để lấy lãi cao thay vì để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán phục vụ cho nhu cầu đầu tư, tiêu dùng.

Theo báo cáo tài chính của MB, tổng tiền gửi không kỳ hạn (bao gồm cả tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi ký quỹ) vào cuối tháng 3/2023 ở mức 160.817 tỷ đồng, giảm 10,7% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng) giảm từ 40,6% xuống 35,5%.

Xu hướng này cũng không là ngoại lệ với Vietcombank trong quý 1/2023; dù năm ngoái CASA của ngân hàng này vẫn diễn biến khá tích cực, ngược chiều với thị trường. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank giảm 7,6% xuống 387.703 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA điều chỉnh từ 33,9% xuống 30,4%. Xét về số dư, Vietcombank vẫn là nhà băng có thị phần tiền gửi không kỳ hạn cao nhất. Tuy nhiên xét về tỷ trọng CASA, Vietcombank chỉ đứng thứ 3 thị trường, sau MB và Techcombank.

Tại MSB, tổng tiền gửi không kỳ hạn giảm tới 8.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tương đương giảm 22% xuống còn gần 28.500 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CASA giảm từ 31,1% hồi đầu năm xuống còn 22,6%.

Với ACB – ngân hàng có tỷ lệ CASA cao thứ 5 hệ thống cũng ghi nhận tỷ lệ này giảm từ 22,3% hồi đầu năm xuống còn 20,16% vào cuối tháng 3. Cơ cấu tiền gửi tại VietinBank cũng tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn. Tỷ lệ CASA của VietinBank điều chỉnh từ 20% xuống 18%.

Nhà băng sụt giảm CASA mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây phải kể đến Techcombank. Quý 1/2023 cũng là quý thứ 4 liên tiếp nhà băng này ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank cuối tháng 3 là 124 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA giảm từ 37% xuống 32%. So với kỷ lục từng đạt được hơn 50% đầu năm 2022, tỷ lệ CASA của Techcombank đã giảm tới 18 điểm %.

Theo ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp Techcombank, khi kinh tế khó khăn, cơ hội đầu tư ít đi thì khách hàng có xu hướng chuyển tiền vào tiền gửi có kỳ hạn để có lãi suất cao. Techcombank cũng không nằm ngoài xu hướng, tuy nhiên tốc độ giảm ít hơn so với thị trường và mức giảm trong quý 1 đã chậm lại so với các quý trước.

Ông Phan Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Giao dịch toàn cầu Techcombank cho rằng, tình hình hiện nay đã được cải thiện rất nhiều, như mặt bằng lãi suất, thanh khoản ổn định hơn, nhu cầu đầu tư phục hồi sẽ giúp CASA của nhà băng này sớm quay lại trạng thái từng có thời gian trước. Ngoài ra, việc đầu tư công nghệ cho chuyển đổi số, phát triển App khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp thời gian qua đang cho những kết quả ấn tượng. Lãnh đạo Techcombank cho rằng, điều này sẽ giúp ngân hàng có lượng khách hàng mới tăng trưởng ổn định thời gian tới và cũng góp phần nâng CASA trở lại.

Theo nhận định của các chuyên gia, CASA sẽ là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng năm 2023. Giữa bối cảnh thị trường nhiều biến động như vừa qua, nhà băng nào giữ được CASA ổn định và vượt trội sẽ có được lợi thế để vượt qua khó khăn, thách thức của thị trường. Bởi CASA càng cao thì chi phí vốn của ngân hàng đó càng thấp, giúp ngân hàng có lợi thế cạnh tranh với đối thủ. Trên thực tế, việc CASA giảm mạnh và lãi suất huy động tăng cao từ cuối năm 2022 đến nay đã gây áp lực đáng kể tới kết quả kinh doanh các nhà băng. Do đó, họ đang tích cực có nhiều biện pháp để thu hút nguồn vốn rẻ này trở lại.

Minh Vy

Từ khóa:  casa , ngân hàng
Cùng chuyên mục
XEM