Cặp vợ chồng U70 quê mùa đến mua 2,4kg vàng, nhân viên từ chối phục vụ, còn báo cảnh sát lại được khen thưởng

16/01/2025 21:40 PM | Sống

Vào tháng 12/2024, một cặp vợ chồng giá đều ngoài 60 tuổi đã mang lượng lớn tiền mặt đến ngân hàng để mua vàng 2,4 kg vàng, trị giá đúng bằng số tiền họ mang theo. Đây là một con số không hề nhỏ.

Cửa hàng vàng từ chối phục vụ khách sộp

Bắt đầu của vụ lừa đảo là từ việc ông Trương và vợ nhận được một cuộc gọi lạ. Đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên của một “sở công an”, thông báo rằng hai ông bà đang bị nghi ngờ liên quan đến một vụ án lớn, cần phải phối hợp điều tra.

Bên đó còn hù dọa rằng, tài khoản ngân hàng của ông bà có thể dính líu đến “tiền bẩn” và phải tiến hành kiểm tra tài sản. Nếu không hợp tác, tài khoản của ông bà có nguy cơ bị đóng băng, thậm chí có thể còn phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Để tăng độ thuyết phục, kẻ lừa đảo còn có "lòng tốt" giúp hai ông bà kết nối cuộc gọi với một cơ quan gọi là “Trung tâm Cảnh sát mạng Internet” và dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành để hù dọa hai vợ chồng. Cuối cùng, chúng đưa ra một giải pháp: Ông bà cần rút toàn bộ số tiền tiết kiệm 1.500.000 NDT (hơn 5 tỷ đồng), đến ngân hàng mua 2,4 kilogram vàng, sau đó giao số vàng này cho chúng để "kiểm tra".

Vì đây là lần đầu gặp phải tình huống như vậy, ông bà Trương tin ngay lời kẻ lừa đảo và lập tức làm theo hướng dẫn.

Một buổi chiều đầu tháng 12, ông bà Trương mang theo tiền mặt đến một ngân hàng ở thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) để mua vàng theo yêu cầu của bọn lừa đảo.

Cặp vợ chồng U70 quê mùa đến mua 2,4kg vàng, nhân viên từ chối phục vụ, còn báo cảnh sát lại được khen thưởng- Ảnh 1.

 Khi nghe yêu cầu này, nhân viên ngân hàng cảm thấy điều gì đó không ổn. Thông thường, người dân ít khi mua một lượng vàng lớn như vậy trong một lần, đặc biệt là hai ông bà trông không giống những người am hiểu đầu tư tài chính.

Với sự nhạy bén trong nghề, nhân viên ngân hàng liền hỏi dò: “Ông bà định đầu tư hay có mục đích gì đặc biệt ạ?”

Không ngờ, hai ông bà lại tỏ ra vô cùng căng thẳng trước câu hỏi này, trả lời ấp úng và không thống nhất. Lúc thì nói là “nhu cầu gia đình”, lúc lại bảo là “mua hộ người khác”. Biểu hiện bất thường này càng khiến nhân viên nghi ngờ, vì vậy họ đã âm thầm báo cảnh sát.

Cảnh sát vào cuộc

Rất nhanh, các cán bộ công an thành phố đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, trước những câu hỏi của cảnh sát, ông bà Trương lại tỏ ra rất chống đối, không muốn nói thêm gì và từ chối mọi sự giúp đỡ từ cảnh sát.

Sau khi rời ngân hàng trong sự vội vã, ông bà Trương trở về nhà riêng. Thế nhưng khi cảnh sát đến nơi, họ phát hiện cửa nhà đã khóa chặt. Dù gõ cửa liên tục nhưng không ai ra mở, hiển nhiên là hai ông bà không muốn gặp cảnh sát.

 

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lúc này là ngăn chặn ông bà Trương tiếp tục chuyển khoản hoặc rút tiền. Vì vậy, cảnh sát vừa liên hệ với ủy ban khu dân cư và người thân của hai ông bà, vừa khẩn cấp báo cáo trung tâm phòng chống lừa đảo để yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng của họ.

Song song đó, lực lượng công an tiếp tục điều tra. Chẳng mấy chốc, họ xác định được cuộc điện thoại mà ông bà Trương nhận là một vụ lừa đảo giả danh cơ quan chức năng. Những vụ lừa đảo kiểu này thường sử dụng chiêu bài “kiểm tra tài sản” để dụ dỗ nạn nhân làm theo chỉ dẫn, như chuyển tiền hoặc mua các loại kim loại quý. Sau khi nạn nhân mua vàng mang về, bọn lừa đảo sẽ viện lý do “kiểm tra tại nhà” để chiếm đoạt số vàng đó.

Không lâu sau, người thân của ông bà Trương đã đến nhà phối hợp cùng cảnh sát thuyết phục. Qua nhiều lời giải thích, cuối cùng ông bà Trương cũng nhận ra đó thực chất chỉ là một màn kịch do bọn lừa đảo dựng lên. Hóa ra, không chỉ gọi điện để gây áp lực, bọn chúng còn giả mạo lệnh truy nã và các tài liệu điều tra, khiến hai ông bà rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ.

Mãi đến lúc này, ông bà mới bừng tỉnh, nhận ra mình suýt nữa trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo. Nghĩ đến việc 1.500.000 NDT tiền dành dụm cả đời suýt bị lừa mất, cả hai không khỏi cảm thấy hối hận và sợ hãi.

Vụ việc cuối cùng đã kết thúc, số tiền dưỡng già của hai vợ chồng được bảo toàn. Cơ quan công an sau đó đã tiến hành điều tra sâu vụ án này, với hy vọng lần ra manh mối và triệt phá đường dây lừa đảo phía sau.

Cặp vợ chồng U70 quê mùa đến mua 2,4kg vàng, nhân viên từ chối phục vụ, còn báo cảnh sát lại được khen thưởng- Ảnh 2.

Sự tỉ mỉ của nhân viên ngân hàng đã được khen thưởng vì tinh thần làm việc trách nhiệm cao. Phản ứng kịp thời của cảnh sát đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Chính nhờ hai “hàng rào phòng thủ” này mà một thiệt hại nghiêm trọng đã được ngăn chặn. Về phía mình, ông Trương và vợ cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến ngân hàng và lực lượng công an.

Vụ việc này đã làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội

Người dùng A bình luận: “Bọn lừa đảo bây giờ đúng là không chừa một thủ đoạn nào, đến cả tiền dưỡng già của người già cũng không tha, thật quá thất đức.”

Người dùng B hài hước bình luận: “May mà nhân viên ngân hàng hỏi thêm một câu, nếu không hai bác này chắc đã ‘đổi vàng lấy không khí’ rồi.”

Trước những ý kiến này, có người đặt ra câu hỏi đầy sắc sảo: “Những người bị lừa quả thật đáng thương, nhưng tại sao những năm qua lừa đảo qua điện thoại vẫn không bị triệt để? Phải chăng là do công nghệ của chúng ta vẫn chưa theo kịp bọn lừa đảo?”

Vậy vấn đề đặt ra là: Tại sao bọn lừa đảo lại luôn chọn người già làm mục tiêu? Là vì họ thiếu thông tin, hay vì công tác giáo dục nâng cao ý thức phòng ngừa cho người lớn tuổi chưa đủ mạnh?

Lừa đảo qua điện thoại năm nào cũng có, nhưng số người bị hại vẫn chưa hề giảm. Lần này có thể tránh nhưng còn bao nhiêu người già khác vẫn đang trên con đường sập bẫy? Đây không chỉ là vấn đề của một gia đình, mà là điều cả xã hội cần phải suy ngẫm.

Theo Baidu


Theo Lưu Ly

Cùng chuyên mục
XEM