Cặp vợ chồng thu nhập 30 triệu đồng/tháng nhưng sống xa xỉ như triệu phú và bài học thấm thía: Sự thỏa mãn của hôm nay có thể là tương lai ngày mai sụp đổ
Người ta luôn nói, hãy sống hết mình cho hiện tại, nhưng đừng sống hết tiền. Sự xa xỉ sẽ biến thành thuốc độc giết chết tương lai.
Một cặp vợ chồng người Trung Quốc đã chia sẻ danh sách chi tiêu hàng tháng của gia đình với tổng thu nhập vào khoảng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng trên mạng xã hội. Xét trên mặt bằng chung cùng những gia đình khác, mức thu nhập này chỉ được coi là trung bình, chưa tính đến giàu có nhưng lối sống của họ lại cực kỳ xa xỉ, có so sánh với triệu phú cũng không khác gì nhiều.
Theo những gì cặp vợ chồng tiết lộ, cuộc sống của họ đặc biệt hạnh phúc khi thường xuyên ra nước ngoài du lịch hai năm một lần, điều kiện ăn uống và vui chơi thường ngày cũng cực kỳ thoải mái.
Cứ mỗi tuần, khi có thời gian rảnh, họ đưa nhau đi hẹn hò, xem phim, đặt bàn ăn tại những khách sạn 4-5 sao đắt đỏ. Khi mua đồ khi shopping, họ cũng không cần phải mặc cả trả giá mà luôn vào những trung tâm thương mại để mua sắm hàng hiệu. Khi đi ăn, họ mặc định gọi size lớn các món dù không cần biết mình có ăn hết hay không. Khi trời mưa, họ lập tức đi taxi cho dù phải bỏ xe cộ của mình ở lại, tốn tiền gửi cả ngày. Mùa hè nóng thì điều hòa bật cả ngày. Mùa đông lạnh, máy sưởi hoạt động hết công suất. Đặc biệt, cứ mỗi năm, cặp vợ chồng lại không ngừng cập nhật những mẫu điện thoại mới nhất của Iphone, Samsung...
Nhiều người phê bình lối sống xa xỉ này tuy nhiên cặp vợ chồng chia sẻ chỉ trả lời: "Tôi thích thì tôi làm, đó là quyền hạnh phúc của riêng tôi, ai có thể ngăn cấm?", "Cuộc đời là mấy đâu bạn ơi, chết có mang theo tiền đi được không vậy?".
Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn chiến lược OC&C (Anh), thanh thiếu niên thế hệ Z của Trung Quốc, tức là những người ra đời và trưởng thành trong bối cảnh chính sách một con và nền kinh tế phát triển trong giai đoạn thập niên 1990 - 2000, tiêu xài 15% trong tổng chi tiêu của gia đình họ so với 4% của thế hệ Z tại Mỹ và Anh.
Phần lớn giới trẻ từ khi chưa đi làm đã tiêu xài rất nhiều. Một sinh viên thuộc gia đình khá giả cũng có thể sở hữu cả chục lọ nước hoa với những thương hiệu khác nhau, từ trung bình cho tới cao cấp, với mỗi lọ có giá trị tương đương một phần ba, hoặc thậm chí một nửa mức lương trung bình. Hoặc như có người khác thì sở hữu cả tủ đồ hàng hiệu, từ quần áo, tới giày dép, hay đồ trang điểm...
Trong nghiên cứu riêng năm 2018, OC&C cũng nhận thấy hơn nửa tín đồ mua sắm thế hệ Z Trung Quốc chi hơn 50.000 nhân dân tệ mỗi người để mua xa xỉ phẩm. Đó là lý do vì sao các nhãn hiệu hàng hóa cao cấp phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế lớn nhất châu Á này. Nhưng đây cũng là tín hiệu cho thấy người trẻ đang có thói quen tiêu dùng cực kỳ hoang phí trên thành quả sức lao động của người khác.
Xét về mặt tài chính cá nhân, tất cả những đồ gì không thực sự cần thiết đều là đồ xa xỉ. Một cốc rượu, một điếu thuốc, một lon nước ngọt cũng là đồ xa xỉ. Mua điện thoại đời mới nhất thay vì mua một chiếc điện thoại chỉ đủ xài là xa xỉ. Rất nhiều người thành đạt, khá giả trên thế giới có mức lương thưởng hàng năm lên tới hàng triệu đô nhưng họ vẫn giữ thói quen chi tiêu cực kỳ đơn giản, chỉ phục vụ những nhu cầu cần thiết của mình. Ví dụ như, khi đi ăn tối cùng bạn bè, nếu không vì mục đích làm ăn và công việc yêu cầu, họ chẳng bao giờ chọn quán ăn đắt tiền dù thừa tiền để trả cho bữa ăn tối đó. Đừng bao giờ nghĩ mấy đồng bạc lẻ thì chẳng đáng là bao so với thu nhập của mình. Tích tiểu thành đại, sau 1 tháng, sau 1 năm, và sau 10 năm, số tiền tiết kiệm từ những bữa ăn xa xỉ có thể lên tới con số khổng lồ.
Lối sống chạy theo vật chất đang khiến nhiều ông bố bà mẹ đau đầu vì biến thành con nợ, thụ động đối phó với những đòi hỏi đôi khi thái quá của con cái. Đó đang là một thực tế trong xã hội, việc những người trẻ, nhất là sinh viên, học sinh tự đặt những "tiêu chuẩn tiêu dùng hiện đại" để phân biệt "đẳng cấp" trong các mối quan hệ bạn bè là một nhu cầu có thật.
Việc xài sang quá cỡ sẽ để lại nhiều hệ lụy khôn lường. Vì những đồng tiền đó không do mồ hôi công sức của mình bỏ ra nên giới trẻ không học được cách tôn trọng giá trị lao động của người khác, dễ nảy sinh lối sống hưởng thụ, đua đòi. Từ đó, họ chỉ chăm chăm thỏa mãn cho bản thân trong hiện tại mà không nghĩ đến tương lai sau này.
Thử nghĩ, với mức sống xa xỉ như thế, không có cha mẹ trợ cấp, dựa vào đồng lương của họ có thể trang trải cuộc sống hay không? Nếu có đủ, liệu họ có còn khả năng tiết kiệm tài chính hay không? Có đủ năng lực để dự phòng những trường hợp bất khả kháng xảy ra hay không? Nếu không thể, vậy tương lai làm thế nào để tồn tại?