Cáp treo vô tình khiến nhiều người "hoàn lương": Thế giới phát sốt vì ưu điểm khó cưỡng
Nếu trước đây cáp treo chỉ được dùng để thu hút khách du lịch, thì hiện tại nó đang chứng tỏ giá trị mới khi là một hình thức giao thông thân thiện với môi trường.
Năm 2004, thành phố Medellin của Colombia trở thành nơi đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống cáp treo và tích hợp với hệ thống tàu điện ngầm hiện có. Kể từ đó, ngày càng nhiều khu vực đô thị trên toàn cầu bắt đầu lắp đặt hệ thống cáp treo đô thị, điều này mang đến một phương pháp di chuyển sạch, tương đối rẻ và cũng đổi mới cho người dân địa phương.
Cáp treo thay đổi đời sống người dân
Trong nhiều thập kỷ, thành phố lớn thứ 2 của Colombia thường gắn liền với tội phạm. Tọa lạc dọc theo một thung lũng có sườn dốc và có các khu dân cư nghèo trên các sườn núi xa trung tâm, nhiều người dân vùng này khó có thể có được việc làm ổn định do tốn nhiều thời gian và công sức để đi làm.
Quang cảnh từ cáp treo ở Caracas, Venezuela. Nguồn: Getty Images
Tuy nhiên, kể từ năm 2004, thành phố đã đầu tư vào việc kết nối các khu dân cư vùng cao này với phần còn lại của thành phố thông qua hệ thống cáp treo MetroCable. Khoản đầu tư đã được công nhận là giúp giảm tỷ lệ tội phạm của thành phố.
Kể từ đó, các thành phố trên khắp thế giới bắt đầu noi gương Medellin. Từ Caracas ở Venezuela đến Constantine ở Algeria, New York ở Mỹ đến Nizhny Novgorod của Nga, chính quyền các địa phương đang chuyển sang cáp treo để làm phương tiện công cộng giúp người dân thoát khoeir cảnh tắc đường thông thường.
Hệ thống cáp treo thông thường vốn được dùng để vượt qua những địa hình thử thách như đồi dốc và sông suối. Tuy nhiên, đây không phải là những lợi ích duy nhất.
Cáp treo cũng mang lại những lợi ích khác. Chúng yên tĩnh, không gây ô nhiễm không khí trực tiếp và trái ngược với đường sắt, đường hầm hoặc xây cầu, giá xây dựng rẻ hơn đáng kể.
Khả năng kết nối các khu vực đồi núi và khó tiếp cận đang giúp cáp treo được công chúng đón nhận. Ở các thành phố kém phát triển, không đủ tiền xây hệ thống đường sắt, cáp treo cung cấp phương thức di chuyển đường dài nhanh hơn và thoải mái hơn so với xe buýt và cũng có thể giúp giảm tắc nghẽn. Ngoài ra, hành khách cũng có thể ngắm cảnh khi đi cáp treo.
Cáp treo ở phía đông London. Nguồn: Getty Images
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về cáp treo đô thị cho biết chiều dài hành trình trung bình của hệ thống cáp treo hiện tại là 2,7 km, các trạm cách nhau 800m trở lên. Chúng thường đạt tốc độ từ 10-20km/h và có thể chở tới 2.000 người mỗi giờ ở mỗi chiều.
Nhược điểm chưa thể giải quyết
Tùy thuộc vào thành phố và các khu vực lân cận, một tuyến cáp treo có thể chở 20.000 hành khách mỗi ngày. Một tuyến ở thủ đô La Paz của Bolivia chở tới 65.000 người mỗi 24 giờ.
Không phải tuyến cáp treo đô thị nào cũng đạt được thành công vang dội. Ở Brazil, hệ thống cáp treo của Rio de Janeiro bị chỉ trích vì chi phí xây dựng quá lớn (55 triệu USD) khi nó được hoàn thành vào năm 2012.
Hệ thống cáp treo tại Rio được thiết kế nhằm cung cấp phương thức di chuyển cho các cộng đồng chịu thiệt thòi ở các khu ổ chuột trên sườn đồi, tuy nhiên tuyến cáp treo đã bị chỉ trích là một dự án viển vông được xây dựng mà không hỏi tới như cầu của người dân. Nhiều người cho rằng số tiền nên được chi cho việc cải thiện điều kiện vệ sinh và các dịch vụ công cơ bản.
Hệ thống cáp treo đô thị dài nhất thế giới, với hơn 16 km, nằm ở La Paz, Bolivia. Nó hoạt động như hệ thống giao thông công cộng chính của La Paz và hiện có 25 ga và 6 tuyến riêng biệt chạy khắp thành phố. 4 tuyến bổ sung mở cửa vào năm 2019.
Kể từ năm 2016, du khách đến Vịnh Hạ Long của Việt Nam cũng có thể trải nghiệm cáp treo để rời thành phố Hạ Long để đến điểm ngắm cảnh trên núi Ba Đèo gần đó.
Theo BBC, cáp treo ở Hạ Long cũng đạt kỷ lục về số lượng hành khách mà mỗi cabin có thể chở được - toa hai tầng có thể vận chuyển tới 230 hành khách.
Hiện nay, kế hoạch cáp treo ngày càng đón nhận sự ưa chuộng của các đô thị trên thế giới, bao gồm Tasmania, Gothenburg (Thụy Điển), Jerusalem, Mombasa (Kenya) và Chicago.
Cáp treo tại Vịnh Hạ Long, Việt Nam. Nguồn: Doppelmayr
Đề xuất xây tuyến cáp treo ở Hà Nội đã có từ nhiều năm nay. Bàn luận về vấn đề này, TS Phan Lê Bình (Chuyên gia có kinh nghiệm giảng dạy 5 năm về quy hoạch giao thông tại trường Đại học Việt - Nhật) và GS.TS Từ Sỹ Sùa (Nhà giáo Ưu tú, Giảng viên Cao cấp trường Đại học Giao thông Vận tải) đã có một số đánh giá chuyên sâu.
Cụ thể, chi phí xây dựng nếu đúng như dự toán thì khá rẻ. Tuy nhiên, loại hình vận tải này có vướng mắc lớn nhất là sức chuyên chở thấp, không phù hợp với đô thị lớn như Hà Nội.
Ông Bình nhận định: "Bản chất ùn tắc giao thông là do quá nhiều phương tiện cùng đổ ra đường. Muốn giảm ùn tắc thì phải có một lượng lớn người chuyển từ đi xe cá nhân sang phương tiện khác như đường sắt đô thị hoặc cáp treo. Với năng lực thông qua 7.000 người/ giờ thì đóng góp của tuyến cáp treo trong việc giảm ùn tắc là không lớn và không thể so sánh với đường sắt đô thị".
Trong khi đó, GS.TS Từ Sỹ Sùa đã cho rằng đó là một phương án rất không khả thi.
"Cáp treo chỉ nên làm ở những nơi không có điều kiện thực hiện các hình thức giao thông khác, ví dụ băng qua biển, hay lên đỉnh núi chẳng hạn. Đa số cáp treo dùng để phục vụ du lịch vì khả năng thông qua của nó rất thấp, trong khi phí đầu tư lại rất lớn".
Theo vị GS này, cáp treo chỉ sử dụng cho người có điều kiện và chỉ dùng khi điểm đến là đích cuối cùng chứ không phải di chuyển tiếp. Ví dụ như cáp treo để đến các điểm du lịch như Bà Nà, chùa Hương, Tây Thiên…