Cao tốc đắt nhất Việt Nam, hơn 500 tỷ đồng cho mỗi km
Cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công vào năm 2014 với vốn đầu tư hơn 31.300 tỷ đồng. Hiện đây là tuyến cao tốc có mức đầu tư trên mỗi km lớn nhất cả nước.
Năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công xây dựng. Tuyến cao tốc dài hơn 57 km, đi qua địa phận các tỉnh: Long An, Đồng Nai và TP. HCM. Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư toàn dự án giai đoạn một là 1,6 tỷ USD (31.320 tỷ đồng), bình quân lên tới 28,2 triệu USD/km (542 tỷ đồng/km) .
Đây là cao tốc đắt nhất Việt Nam, cao hơn nhiều so với các cao tốc xếp ngay sau nó là TP. HCM - Mộc Bài (mức đầu tư 418 tỷ đồng/km), cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (mức đầu tư 370 tỷ đồng/km), cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (mức đầu tư 352 tỷ đồng/km)...
Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, suất đầu tư của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành cao là do tuyến phải đi qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp thuộc vùng ven biển, cửa sông ở khu vực Đông Nam Bộ. Trong ảnh là khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ, một trong những địa hình có địa chất phức tạp.
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành chia làm 3 phân đoạn: phân đoạn giữa, phân đoạn phía Tây và phân đoạn phía Đông, gồm 11 gói thầu xây lắp chính. Theo dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2019. Nhưng 4 năm sau dấu mốc trên, tiến độ đã thi công của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn chỉ đạt trên 81% khối lượng. Hiện dự án có 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành, 3 gói thầu đang thi công, 4 gói thầu bị các nhà thầu chấm dứt hợp đồng.
Nguyên nhân của sự chậm tiến độ là do vốn của dự án được hợp từ 3 nguồn: ngân hàng phát triển châu Á (ADB), cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nguồn đối ứng trong nước. Nhưng từ năm 2019, VEC - chủ đầu tư của dự án - chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên VEC phải tự bố trí vốn đối ứng chứ không được cấp vốn đối ứng như trước.
Phân đoạn phía Tây d ài 21,1km, gồm 5 gói thầu. Trong đó, 2 gói thầu đã hoàn thành, 3 gói thầu đang chờ giải quyết khó khăn về vốn và chính sách để tiếp tục được thi công. Trong ảnh là cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua huyện Bình Chánh (TP. HCM). Hiện phần cao tốc thuộc huyện này còn nhiều đoạn đang trong quá trình thi công dang dở.
Phân đoạn giữa của dự án, dài 10,7 km, gồm 3 gói thầu: J1, J2 và J3 đã đạt 85% khối lượng. Tuy nhiên, vì chưa phân bổ được nguồn vốn nước ngoài nên công trình đã ngừng thi công hơn 3 năm qua. Trong ảnh là công trình cầu Bình Khánh (huyện Nhà Bè, TP. HCM) - gói thầu J1, đã thi công khoảng 70% tiến độ, nhưng bị ngưng từ cuối năm 2018. Vào tháng 07/2023, sau khi được Chính phủ khai thông vốn và thủ tục pháp lý, hiện tuyến cao tốc này đang dần được thi công trở lại.
Ở phân đoạn phía Đông, sau khi được Chính phủ khai thông vốn và thủ tục pháp lý, các gói thầu qua địa bàn Đồng Nai đang thi công nước rút. Trong đó, hạng mục quan trọng và khó thi công nhất là cầu Thị Vải, thuộc gói thầu A7.
Khi hoàn thành, dự án này sẽ giúp hoàn thiện giao thông liên vùng trở thành trục đường huyết mạch nối hai vùng Đông - Tây Nam Bộ. Cụ thể, từ huyện Bến Lức (Long An) đến huyện Long Thành (Đồng Nai), rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh. Bên cạnh đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51. Ngoài ra, tuyến đường còn kết nối trực tiếp với các mạng lưới cao tốc, quốc lộ cũng như hệ thống cảng biển Thị Vải - Cái Mép, Sao Mai - Bến Đình và sân bay quốc tế Long Thành. Những thuận lợi này, tạo đà phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.