Cao tốc Bến Lức - Long Thành: Nhà thầu đòi bồi thường hơn 1.600 tỷ đồng
Sau nửa năm được Quốc hội đồng ý tái cơ cấu vốn cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn chưa thể tái khởi động do vướng nguồn. Trong khi các nhà thầu khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư bồi thường hơn 1.600 tỷ đồng do chờ tiền về quá lâu.
VEC bị kiện ra trọng tài kinh tế
Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ phương án bố trí vốn đối ứng cho Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, với đề xuất cho phép VEC sử dụng vốn tự có thay vì dùng ngân sách nhà nước. Nếu được Chính phủ chấp thuận, giải pháp này có thể khơi thông vốn để tái thi công dự án (hầu hết gói thầu đã tạm dừng thi công từ đầu năm 2019 do thiếu vốn).
Thông tin từ VEC cho hay, tính tới nay, tổng thể Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã thi công đạt gần 80% giá trị theo hợp đồng (hơn 10.900 tỷ đồng). Trong 14 gói thầu của dự án, có 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành. Các gói thầu còn lại (10 gói thầu), hầu hết đều dở dang. Có 4 gói thầu (gói A1, A4, A6, J3), VEC đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu, đang thực hiện thủ tục đánh giá phần việc còn lại, phát hành hồ sơ mời thầu để chọn nhà thầu mới thay thế. Với các gói thầu phải tìm nhà thầu mới, VEC dự kiến sẽ khởi công hầu hết trong quý 1/2023.
Cũng theo VEC, hiện chủ đầu tư bị một số nhà thầu khiếu nại, đưa tranh chấp ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore (SIAC). Có 3 nhà thầu khiếu nại (gói A3, A6, J1) và nhà thầu của 2 gói thầu (gói A1, J3) kiện VEC ra SIAC. Các nhà thầu này đòi VEC bồi thường hơn 1.656 tỷ đồng thiệt hại do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. VEC đã thuê tư vấn luật bảo vệ quyền lợi trước Trung tâm Trọng tài quốc tế. Với phần chi phí bồi thường các nhà thầu (nếu có), do không có trong tổng mức đầu tư dự án, nên VEC kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho chủ đầu tư thanh toán nếu Trung tâm Trọng tài quốc tế tuyên phải bồi thường.
Đề xuất VEC tự bố trí vốn đối ứng còn lại
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 31.300 tỷ đồng, thi công dở dang tới năm 2019 phải tạm dừng do “tắc” vốn khi quy định thay đổi. Cùng với việc VEC được chuyển cơ quan đại diện vốn từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, tại doanh nghiệp số vốn đối ứng còn lại hơn 1.800 tỷ đồng chưa được bố trí.
Để gỡ vướng và tái khởi công cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ KH&ĐT vừa kiến nghị Chính phủ giao VEC tự bố trí vốn đối ứng còn lại. Bộ này cho rằng, phương án VEC tự bố trí phần vốn đối ứng còn lại phù hợp quy định hiện hành, không phải phân bổ vốn ngân sách qua Bộ GTVT, giúp dự án triển khai lại được ngay. VEC cũng có văn bản khẳng định đảm bảo đầy đủ tài chính cho dự án cũng như trả các khoản nợ liên quan. Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều thống nhất phương án này khả thi.
Lãnh đạo VEC cho hay, sau khi rà soát lại theo khối lượng công việc đã triển khai, phần việc cần thực hiện để hoàn thành dự án, nhu cầu vốn đối ứng cập nhật giảm còn khoảng 758 tỷ đồng (cho giải phóng mặt bằng, tư vấn, thuế, dự phòng…).