Cảnh tượng "lạ" khi cả nghìn cây xanh mọc lên từ những mảnh đất cằn hoang phế, điều gì làm nên kỳ tích?

11/11/2024 11:15 AM | Sống

Forest Symphony - Giao hưởng rừng xanh - là dự án của Hạnh phúc xanh tập trung vào việc phục hồi rừng, chú trọng các khu rừng phòng hộ nhằm nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai và biến đổi khí hậu.

Khi rừng chẳng còn màu xanh...

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu với những tác động ngày càng rõ rệt. Nhiệt độ trung bình của nước ta đã tăng từ 0,5 - 1 độ C trong vòng 50 năm qua, gây ra nhiều hệ lụy cho nông nghiệp, sức khỏe và an ninh lương thực.

Bên cạnh những tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng mất rừng ở Việt Nam cũng diễn ra một cách nghiêm trọng, với khoảng 1 triệu ha rừng bị mất mỗi năm do khai thác bừa bãi và đô thị hóa. Các khu rừng tự nhiên đã bị chặt phá để phục vụ nhu cầu gỗ và phát triển hạ tầng, trong khi các yếu tố khí hậu cực đoan đã làm cho các khu rừng dễ bị tổn thương hơn.

Cảnh tượng "lạ" khi cả nghìn cây xanh mọc lên từ những mảnh đất cằn hoang phế, điều gì làm nên kỳ tích?- Ảnh 1.

Trước bối cảnh này, dự án Forest Symphony (Giao hưởng rừng xanh) - một phần của chương trình Hạnh Phúc Xanh được Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng Sống bền vững (gọi tắt là Quỹ Sống bền vững) ra đời vào năm 2018, nhằm thúc đẩy việc trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ đời sống và sinh kế bền vững của cộng đồng trước tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Và những nơi đầu tiên dự án lựa chọn chính là Ninh Thuận và Sóc Trăng. Lý do là bởi đây là hai địa phương đang đối mặt trực tiếp với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và thiên tai, làm cho cuộc sống của hàng trăm nghìn người dân trở nên bấp bênh. 

Ở Ninh Thuận, tình trạng khô hạn kéo dài đã khiến khoảng 130.000 người dân rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng, Gần 80% diện tích đất canh tác trong tỉnh bị khô hạn, dẫn đến hàng nghìn hecta đất bị bỏ hoang vì không thể trồng trọt. Theo thống kê, có đến 20% dân số trong tỉnh phải dựa vào nguồn nước chở từ nơi khác về, tạo áp lực lớn lên cuộc sống và sinh kế.

Cảnh tượng "lạ" khi cả nghìn cây xanh mọc lên từ những mảnh đất cằn hoang phế, điều gì làm nên kỳ tích?- Ảnh 2.

Tại Sóc Trăng, tình trạng ngập mặn ngày càng gia tăng ở các vùng ven biển, làm suy giảm 50.000 ha đất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hơn 50.000 hộ dân. Nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt là ở vùng ven sông và ven biển, cùng với sự suy giảm diện tích rừng phòng hộ, làm gia tăng khả năng thiệt hại do bão và lũ quét.

Dự án Giao hưởng rừng xanh bắt đầu từ năm 2020 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2025, với các mục tiêu cụ thể được đặt ra cho từng năm. Không chỉ tập trung vào việc trồng rừng và phục hồi các khu rừng đã mất, mà còn đào tạo năng lực và nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của rừng trong cuộc sống.

Sự gắn kết của cộng đồng là giá trị cốt lõi

Forest Symphony - Giao hưởng rừng xanh sẽ tiến hành trồng rừng ngập mặn tại Sóc Trăng và rừng phòng hộ trên núi đá tại Ninh Thuận trong vòng 5 năm, từ 2020 đến 2025, nhằm tăng cường độ che phủ rừng và bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương sống phụ thuộc vào rừng.

Không chỉ trồng và chăm sóc rừng, dự án Giao hưởng rừng xanh của Hạnh Phúc Xanh còn thúc đẩy sự tham gia của các bên. Đây là phương pháp tiếp cận cốt lõi của dự án, được áp dụng xuyên suốt quá trình thực hiện và từ đó, các kết quả của dự án sẽ được cộng đồng duy trì, phát triển bền vững sau khi dự án kết thúc.

Tính đến thời điểm thời điểm hiện tại, tổng chi phí thực hiện dự án ở Sóc Trăng là 14.034.369.810 đồng và tại Ninh Thuận là 21.836.325.802 đồng. 

Trong đó, chi phí thực hiện dự án bao gồm:
- Trồng chăm sóc rừng và các hoạt động liên quan: 81%
- Giám sát đánh giá rừng: 4,5%
- Thu thập câu chuyện tác động, thay đổi: 4,5%
- Dự phòng rủi ro: 5%
- Hoạt động quản lý quỹ: 5%

Một trong những trọng tâm quan trọng của dự án là tạo sự kết nối chặt chẽ giữa rừng với cộng đồng địa phương. Dự án đã thiết lập các buổi tập huấn, hội thảo và làm việc trực tiếp với người dân, tập trung vào việc cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc cây và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. 

Cùng với đó, để thúc đẩy sự tham gia bền vững, dự án đã triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người dân thông qua việc tạo công ăn việc làm trong quá trình trồng và chăm sóc rừng, phát triển sinh kế dưới tán rừng, khai thác bền vững nguồn lợi tài nguyên mà rừng mang lại. 

Cảnh tượng "lạ" khi cả nghìn cây xanh mọc lên từ những mảnh đất cằn hoang phế, điều gì làm nên kỳ tích?- Ảnh 3.

Cảnh tượng "lạ" khi cả nghìn cây xanh mọc lên từ những mảnh đất cằn hoang phế, điều gì làm nên kỳ tích?- Ảnh 4.

Cảnh tượng "lạ" khi cả nghìn cây xanh mọc lên từ những mảnh đất cằn hoang phế, điều gì làm nên kỳ tích?- Ảnh 5.

Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân mà còn tạo ra sự gắn bó lâu dài giữa họ và các hoạt động bảo vệ rừng. Nhờ vậy, khi dự án được chuyển giao cho chính quyền địa phương quản lý và chăm sóc, cộng đồng địa phương đã có đủ kiến thức, kỹ năng và động lực để tiếp tục quản lý và phát triển khu rừng.

Không chỉ vậy, tri thức bản địa của cộng đồng là một nguồn lực dồi dào và quý giá đối với các hoạt động của dự án. Các hoạt động thực hiện tại địa phương, đặc biệt là việc trồng và chăm sóc rừng đều được tham vấn và thực hiện bởi người dân địa phương. Trong quá trình thực hiện, họ chính là người đưa ra các sáng kiến và tối ưu giải pháp liên tục.

Các chiến dịch truyền thông của Giao hưởng rừng xanh cũng được thiết kế sáng tạo và chuyên nghiệp, nhằm tạo sức hút lớn đối với cộng đồng và người theo dõi. Một trong những chiến dịch tiêu biểu là "KâyOL" - chiến dịch gây quỹ được lan tỏa mạnh mẽ nhờ sự tham gia của hơn 100 KOLs đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Với thông điệp rõ ràng và mục tiêu cụ thể, các KOLs đã kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram.

Dự án cũng nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực từ các đại sứ quán, đặc biệt là Đại sứ quán Anh và New Zealand. Những đóng góp này không chỉ dừng lại ở việc ủng hộ cây trồng mà còn gắn liền với các sự kiện ngoại giao quan trọng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến dự án.

Cảnh tượng "lạ" khi cả nghìn cây xanh mọc lên từ những mảnh đất cằn hoang phế, điều gì làm nên kỳ tích?- Ảnh 6.

Giao hưởng rừng xanh đồng thời mở rộng cách thức hợp tác để các doanh nghiệp có thể tích cực tham gia vào quá trình gây quỹ bằng nhiều cách. Không chỉ giúp tạo ra nguồn quỹ ổn định mà còn lan tỏa thông điệp môi trường đến người tiêu dùng, tạo nên một nền tảng cộng đồng chung cùng đóng góp vào mục tiêu chung vì môi trường.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp dự án thu hút và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng là sự minh bạch và cập nhật thông tin liên tục. Dự án luôn cung cấp cho cộng đồng những thông tin mới nhất về tiến độ trồng rừng, số lượng cây trồng, những thách thức mà đội ngũ gặp phải và cả những tác động tích cực mà rừng mang lại cho đời sống của người dân. 

Các kênh truyền thông của dự án đã tạo điều kiện cho cộng đồng và các nhà tài trợ theo dõi hành trình trồng rừng từ những ngày đầu đến khi cây trưởng thành. Sự kết nối liên tục này đã tạo động lực để cộng đồng và các doanh nghiệp tiếp tục tham gia, đóng góp thêm vào dự án. Những câu chuyện thực tế từ các hộ dân hưởng lợi, hình ảnh rừng cây ngày càng xanh tốt, và tác động tích cực của rừng đến sinh kế và nguồn nước đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, giúp tạo ra mối gắn kết bền vững giữa dự án và cộng đồng.

"Cảm ơn bà con mỗi lần đi ngang đều dựng giúp một cái cây"

"Chỉ sau 3 năm thực hiện, chúng tôi nhận ra vẫn những con người ấy, họ vẫn ở nơi ấy, nhưng nhận thức của họ về tầm quan trọng của rừng đã gia tăng rất nhiều", Chị Nguyễn Thị Thu Lành - giám đốc chương trình Hạnh phúc xanh của Quỹ Sống chia sẻ "Lần nào đi về rừng, chúng tôi cũng rất xúc động. Cứ vài tháng chúng tôi lại về một lần nhưng rừng thay đổi nhanh quá. Cảm ơn rất nhiều người đã cùng Hạnh Phúc Xanh tạo nên những cánh rừng này. Cảm ơn bà con mỗi lần đi ngang đều dựng giúp một cái cây. Rất nhiều tình yêu ở trong những cánh rừng để nó có thể ngày càng lớn lên như vậy".

Dự án Forest Symphony - Giao hưởng rừng xanh không chỉ đơn thuần là một chương trình trồng rừng, mà còn là một hành trình kết nối sâu sắc giữa cộng đồng và thiên nhiên. 

Tầm nhìn 70 năm của Giao hưởng rừng xanh là kiến tạo một hệ sinh thái rừng bền vững, nơi các cánh rừng được phục hồi và mở rộng, góp phần bảo vệ cộng đồng trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Dự án không chỉ dừng lại ở việc trồng cây, mà còn hướng đến phát triển sinh kế bền vững từ rừng, giúp người dân địa phương cải thiện cuộc sống, đồng thời giữ gìn di sản thiên nhiên quý báu cho thế hệ mai sau.

Cảnh tượng "lạ" khi cả nghìn cây xanh mọc lên từ những mảnh đất cằn hoang phế, điều gì làm nên kỳ tích?- Ảnh 7.

Chị Thu Lành cũng không khỏi xúc động trước sự thay đổi nhận thức của các em trong vấn đề bảo vệ rừng thông quan dự án:

"Hạnh Phúc Xanh thật sự được truyền thêm rất nhiều động lực từ các em, từ thầy cô. Sau buổi chia sẻ với các em vào tháng 10/2022, khi trên đường về, các thành viên đã nhìn thấy hình ảnh tự vẽ của một em học sinh lớp 4 trường Tiểu học Lạc Hòa đã dán lên tủ kính bán đồ của nhà mình với nội dung “không được chặt cây, "không được xả rác trong rừng…”. Đó như là một kết quả ngoài mong đợi mà Hạnh Phúc Xanh nhận được sau khi tổ chức hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân tại địa phương, đặc biệt là các em học sinh"

Bên cạnh việc thay đổi nhận thức của người dân cũng như các em nhỏ địa phương, đến thời điểm hiện tại, Giao hưởng rừng xanh đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận.

28,5 ha rừng ngập mặn tại Sóc Trăng

84 ha rừng phòng hộ tại Ninh Thuận

10.000 lượt nhân công trồng và chăm sóc rừng

15.000 cá nhân tham gia đóng góp

40 doanh nghiệp tài trợ dự án

234.000 cây rừng các loại

54.000 người dân hưởng lợi gián tiếp từ lợi ích của rừng

440 hộ dân hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động sinh kế dưới tán rừng

Có thể nói, với cách thức hoạt động của mình, dự án Forest Symphony - Giao hưởng rừng xanh có tiềm năng nhân rộng mô hình khá lớn. 

Dự án đã xây dựng mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng, các nhà tài trợ, người dân địa phương và chuyên gia, dự án một cách bền vững. Điều này giúp tối ưu hóa các nguồn lực và kiến thức sẵn có, từ đó nâng cao hiệu quả trong việc trồng rừng, bảo vệ môi trường, và cải thiện sinh kế cho người dân. 

Cảnh tượng "lạ" khi cả nghìn cây xanh mọc lên từ những mảnh đất cằn hoang phế, điều gì làm nên kỳ tích?- Ảnh 8.


Giao hưởng rừng xanh chính là một giải pháp mà nhiều khu vực, từ ven biển đến miền núi cao ở Việt Nam, có thể áp dụng. Với mô hình này, không chỉ giúp phục hồi rừng mà còn tạo ra không gian xanh cho tương lai, đồng thời mang lại lợi ích sinh kế và tăng cường khả năng chống chịu thiên tai cho các cộng đồng địa phương.

Việc hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan không chỉ đảm bảo tính bền vững cho dự án mà còn tạo nền tảng để mô hình này nhân rộng ra nhiều tỉnh thành khác. Sự nhân rộng này không chỉ mang lại lợi ích cho địa phương mà còn đóng góp vào nỗ lực quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau.

Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:

1. Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.

2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:

PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.

Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.

Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực

Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok

Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây

Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Cảnh tượng "lạ" khi cả nghìn cây xanh mọc lên từ những mảnh đất cằn hoang phế, điều gì làm nên kỳ tích?- Ảnh 9.



Theo Phạm Trang

Cùng chuyên mục
XEM