Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo vay tiền qua app, thực hiện các bước sau để lấy lại tiền bị mất

12/06/2022 09:58 AM | Xã hội

Hiện nay, thủ tục cho vay đơn giản hơn rất nhiều, mọi người có thể ở nhà thông qua các app vay tiền là có thể hoàn tất hồ sơ cho vay. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lợi dụng sự thuận tiện này để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Mọi người cần biết 2 thủ đoạn lừa đảo phổ biến dưới đây để phòng tránh.

1. Cảnh giác chiêu trò lừa đảo vay tiền online không cần thế chấp

Vay tiền qua app là hình thức cho phép vay tiền nhanh qua các app được cài đặt trên điện thoại mà không cần tài sản đảm bảo. Người vay chỉ cần tạo tài khoản trên app và yêu cầu vay trực tuyến, sau khi khoản vay được phê duyệt, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của ngân hàng.

Với hình thức vay này, khách hàng phải cung cấp ảnh chụp Chứng minh thư/Căn cước công dân hoặc Sổ hộ khẩu để bên cho vay xác thực thông tin người vay.

Hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng sự thuận tiện này để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Dưới đây là 2 thủ đoạn lừa đảo được cảnh báo gần đây

Đăng ký vay nhưng không nhận được tiền mà vẫn mắc nợ

Các đối tượng mời chào vay vốn với nhiều ưu đãi như hỗ trợ cho vay ngay cả trường hợp đang có nợ xấu, thủ tục đơn giản không cần nhiều giấy tờ, giải ngân chỉ trong 1 giờ, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp… để thu hút khách hàng.

Sau đó, yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay online để đăng ký hồ sơ khoản vay và gửi thông báo phê duyệt khoản vay (sử dụng con dấu giả của các ngân hàng). Tuy nhiên, sau khi khách hàng đăng ký khoản vay, các đối tượng này sẽ thông báo lỗi giải ngân và yêu cầu nộp tiền để xử lý khoản vay.

Hoặc, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để nộp phí hồ sơ hoặc bảo hiểm của khoản vay. Nhưng sau khi đã đóng thì khách hàng không nhận được giải ngân khoản vay còn các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền này và chặn mọi liên lạc.

Dụ dỗ vay tiên trên nhiều app

Các đối tượng lừa đảo lấy thông tin của khách hàng sau đó liên hệ để giới thiệu về những app vay tiền khác với nhiều lời mời hấp dẫn. Người vay sẽ được miễn lãi suất trong lần đầu vay, vay tiền không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp...

Tuy nhiên, sau khi giải ngân, khách hàng sẽ không nhận được toàn bộ số tiền vay mà chỉ nhận được một phần hoặc không nhận được đồng nào. Khi khách hàng đã không thể chi trả thì chúng sẽ gửi link tải app khác để tiếp tục vay tiền trả nợ. Cứ thế, khách hàng vướng vào vòng luẩn quẩn và ôm một khoản nợ lớn hơn ban đầu rất nhiều...

2. Cần làm gì khi bị lừa vay tiền online

Khi bị lừa đảo, người bị hại nên làm đơn tố giác đến cơ quan chức năng để được hướng dẫn và giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Bước 01: Thu thập chứng cứ bị lừa đảo

Trước khi làm đơn tố giác đến cơ quan chức năng để yêu cầu giải quyết, người bị hại cần đảm bảo có thể thu thập được chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo và thông tin của app lừa đảo.

Theo đó, chứng cứ có thể bao gồm: Vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; các tài liệu, đồ vật khác... Như vậy, người bị hại có thể chụp lại tin nhắn trao đổi liên quan đến giao dịch cho vay tiền, biên lai chuyển tiền...

Bước 02: Tố giác đến cơ quan chức năng

Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an... nơi nạn nhân cư trú sẽ có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm.

Bước 03: Cơ quan chức năng xác minh vụ việc

Sau khi nhận được tin tố giác thì cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận và lấy lời khai, lời trình bày ban đầu. Sau đó, tiến hành xác minh vụ việc xem có dấu hiệu của tội phạm hay không để có căn cứ quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án đó.

Nếu có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ khởi tố hoặc kiến nghị khởi tố trong phạm vi quyền hạn, thẩm quyền của mình.

Bước 04: Tiến hành điều tra

Điều tra vụ án hình sự là quá trình cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của mình để điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, vật chứng có liên quan đến vụ án.

Bước 05: Truy tố, xét xử vụ án lừa đảo

Sau khi có được tài liệu, chứng cứ, vật chứng có liên quan đến vụ việc lừa đảo vay tiền qua app, cơ quan điều tra sẽ có biên bản kết luận điều tra, sau đó chuyển hồ sơ và kết luận điều tra sang Viện kiểm sát nhân dân để truy tố bị can. Sau khi nhận được kết quả điều tra và kết luận điều tra thì Viện kiểm sát sẽ truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử.

Bước 06: Thi hành án, thu hồi tiền bị lừa đảo

Sau khi xét xử vụ án thì sẽ được chuyển hồ sơ sang cơ quan thi hành án hình sự để áp dụng biện pháp nhằm thu hồi tài sản cho bị hại. Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình lấy lại tiền đối với người bị lừa đảo vay tiền online qua app. Thời gian từ khi nộp đơn tố cáo cho đến thi hành án có thể mất ít hoặc nhiều thời gian tùy thuộc vào từng tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc.

3. Khuyến nghị của các cơ quan chức năng

Trong khi chờ hành lang pháp lý, các chuyên gia kinh tế và người vay kiến nghị cần có biện pháp để sớm dẹp nạn cho vay qua app.

Trường hợp buộc phải sử dụng loại hình vay tiền qua mạng, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NSCS) khuyến nghị người vay cần tìm hiểu ứng dụng cho vay uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả...) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch. Đặc biệt, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.

Trước tình trạng các vụ lừa đảo vay tiền qua app đang ngày một gia tăng hiện nay, để người dân không bị dính bẫy lừa đảo, Bộ Công an cũng đưa ra khuyến cáo.

Theo đó, nếu người dân có nhu cầu vay tiền thì hãy đến các ngân hàng, công ty tài chính uy tín để được hỗ trợ làm thủ tục vay theo đúng quy định pháp luật nhằm tránh bị kẻ xấu lừa đảo. Khi thấy có dấu hiệu lừa đảo, trình báo nay đến cơ quan Công an để được giải quyết, xử lý kịp thời.

Hoàng Tùng

Từ khóa:  trò lừa đảo
Cùng chuyên mục
XEM