Cảnh báo sốc của Bộ trưởng Y tế Đức: Tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh hoặc chết

24/11/2021 10:28 AM | Xã hội

Ngày 22/11, Bộ trưởng Y tế Đức đã đưa ra một cảnh báo gây sốc, nói với người dân rằng tiêm chủng là chìa khóa cho sự sống còn của họ.

"Một số người sẽ hoài nghi điều này nhưng có lẽ vào cuối mùa đông này, hầu hết mọi người ở Đức sẽ được tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh hoặc chết... Đó là thực tế", Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói trong một cuộc họp báo ở Berlin hôm 22/11.

Đổ lỗi cho biến thể Delta rất dễ lây lan là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng số ca bệnh trong làn sóng thứ 4 này, ông Spahn nói "đó là lý do tại sao chúng tôi khẩn cấp đề nghị tiêm phòng".

 Cảnh báo sốc của Bộ trưởng Y tế Đức: Tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh hoặc chết - Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn

Đức đang xem xét áp dụng các biện pháp COVID-19 chặt chẽ hơn và thậm chí là phong tỏa một phần như nước láng giềng Hà Lan. Hôm 22/11, Viện Robert Koch về các bệnh truyền nhiễm của Đức đã báo cáo hơn 30.000 ca nhiễm COVID-19 mới.

Trong khi đó, Đức là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp ở Tây Âu, với 68% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, nhưng chỉ có 7% được tiêm liều tăng cường. Liều tăng cường là cần thiết vì các nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch do vaccine cung cấp sẽ suy yếu sau khoảng sáu tháng.

Ông Spahn nói người Đức không nên kén chọn vaccine, nói rằng "một số bác sĩ tiêm chủng đã nói rằng BioNTech giống như xe Mercedes và Moderna là Rolls-Royce".

Nhưng ông Spahn nói: "Có đủ vaccine cho tất cả các lần tiêm chủng sắp tới. Và cả hai loại vaccine này đều hiệu quả".

Đức triển khai tiêm cả vaccine Pfizer-BioNTech, vaccine Moderna, vaccine AstraZeneca-Oxford và vaccine Johnson & Johnson.

Vaccine COVID-19 giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Nhưng một số quốc gia ở châu Âu đã phải đối phó với tình trạng do dự tiêm chủng.

Geert Molenberghs, giáo sư Thống kê sinh học tại Đại học Hasselt ở Bỉ, nói với CNBC rằng điều quan trọng là phải triển khai tiêm các liều tăng cường, cũng như cải thiện tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 nói chung.

Ông nói: "Triển khai tiêm liều tăng cường càng nhanh càng tốt cùng với việc tăng tỷ lệ tiêm chủng cơ bản là rất quan trọng. Ở quá nhiều quốc gia châu Âu và đặc biệt là ở phương Đông, tỷ lệ tiêm chủng cơ bản vẫn còn quá thấp".

(Nguồn: CNBC)

Trà My

Cùng chuyên mục
XEM