Cảnh báo người dùng Facebook: Đây là 2 ngày trong tuần dễ bị lừa nhất, cảnh giác cao độ nếu không muốn ‘tiền mất tật mang’
Với hàng tỷ người dùng trên toàn cầu, Facebook được coi là mảnh đất màu mỡ để tội phạm mạng tiếp cận và lừa đảo người dùng với quy mô lớn.
Trong báo cáo mới đây của công ty an ninh mạng toàn cầu Vade, các vụ lừa đảo mạo danh ngày càng xảy ra nhiều và có xu hướng ngày càng tinh vi hơn, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực mạng xã hội, dịch vụ tài chính, điện toán đám mây và dịch vụ Internet.
Dịch vụ tài chính là lĩnh vực mà người dùng bị lừa đảo nhiều nhất. Với 6 thương hiệu trong top 20, đây là ngành bị mạo danh nhiều nhất vào năm 2021, chiếm 35% tổng số các trang lừa đảo, tăng mạnh so với mức 28% vào năm 2020. Chase, PayPal và Wells Fargo là những thương hiệu dịch vụ tài chính bị mạo danh nhiều nhất.
Đứng ở vị trí thứ hai là lĩnh vực truyền thông xã hội, chiếm 24% số trang lừa đảo, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ 13% năm 2020. Vị trí thứ ba thuộc về dịch vụ đám mây với tỷ lệ 19%.
Kết quả phân tích gần 185.000 trang web lừa đảo năm 2021 của Vade cho thấy Facebook là thương hiệu bị lợi dụng nhiều nhất với tỷ lệ 14%. Đứng ở vị trí thứ hai là Microsoft với 13%.
Theo New York Post, hãy để ý xem thời gian gần đây bạn có truy cập vào một trang tự xưng là của Facebook hay không bởi nó hiện là thương hiệu bị tin tặc sử dụng nhiều nhất để lừa đảo mọi người.
Đáng chú ý, theo Vade, người dùng Facebook bị tấn công vào tất cả các ngày trong tuần nhưng nguy cơ bị lừa cao nhất là thứ 2 và thứ 5. Trong khi thứ 5 và thứ 6 là thời điểm người dùng Microsoft bị "tấn công" nhiều nhất.
Theo thống kê, có tới 8/10 cuộc tấn công lừa đảo xảy ra vào các ngày trong tuần. Các chuyên gia cho biết, cuối tuần là thời điểm mọi người nghỉ ngơi nên sẽ tỉnh táo và có khả năng xác định nguy cơ cao hơn, dẫn đến việc lừa đảo khó thành hơn.
Những tên tuổi lớn bao gồm Amazon, DHL, Netflix, LinkedIn và Apple cũng lọt vào danh sách 20 công ty bị mạo danh để lừa đảo nhiều nhất.
Lừa đảo mạo danh là hành vi lập ra những trang web có giao diện hoặc tên miền gần giống với trang chủ của thương hiệu lớn với mục đích dụ người dùng truy cập để cài mã độc hay lừa chiếm đoạt tài khoản, thông tin cá nhân. Khi chiếm được tài khoản, tội phạm tiếp tục dùng những tài khoản này để phát tán các trang lừa đảo, dẫn tới việc càng nhiều người bị lừa.
Ảnh minh họa: Internet.
Một chuyên gia an ninh mạng nhận xét: "Tội phạm mạng là những kẻ cơ hội. Chúng thích trục lợi từ các thương hiệu trong giai đoạn bất ổn của họ". Rõ ràng là với hàng tỷ người dùng trên toàn cầu, Facebook được coi là mảnh đất màu mỡ để tội phạm mạng tiếp cận và lừa đảo người dùng với quy mô lớn.
Các chuyên gia khuyến cáo hình thức lừa đảo bằng trang web giả mạo không quá mới mẻ nhưng vẫn không ít người sập bẫy của kẻ gian. Chính vì vậy, họ khuyến cáo mọi người nên kiểm tra thật kỹ và cảnh giác trước bất cứ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nào để tránh "tiền mất tật mang".
Về Vade, đây là công ty an ninh mạng toàn cầu chuyên phát triển công nghệ phát hiện và ứng phó các mối đe dọa bằng trí tuệ nhân tạo. Sản phẩm và giải pháp của họ bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp và tổ chức khỏi các cuộc tấn công mạng qua email, bao gồm phần mềm độc hại, lừa đảo trực tuyến hay xâm nhập email doanh nghiệp.
Nguồn: Vade, Yahoo!