Cảnh báo: Hơn 2 tỷ người có thể phải sống trong điều kiện nắng nóng chưa từng thấy
Các nhà nghiên cứu vừa lên tiếng cảnh báo hơn 2 tỷ người trên thế giới phải chịu mức nóng nguy hiểm, có khả năng đe dọa đến tính mạng vào năm 2100.
Theo nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Nature Sustainability, nhiệt độ bề mặt Trái Đất hiện đang trên đà tăng 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100. Điều này sẽ đẩy hơn 2 tỷ người (khoảng 22% dân số thế giới) ra ngoài vùng khí hậu dễ chịu.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng, các quốc gia có nhiều người nhất phải đối mặt với nắng nóng nguy hiểm là Ấn Độ (600 triệu), Nigeria (300 triệu), Indonesia (100 triệu), Philippines (80 triệu) và Pakistan (80 triệu).
Theo các chuyên gia, hạn chế nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C (theo mục tiêu của Hiệp định Paris vào năm 2015) sẽ giúp giảm đáng kể số người gặp nguy hiểm xuống dưới nửa tỷ, tương đương với khoảng 5% trong số 9,5 tỷ người có khả năng sinh sống dự kiến trong vòng 6 hoặc 7 thập kỷ tới.
Trên thực tế, mức nóng lên hiện nay dưới 1,2 độ C nhưng đã là gia tăng cường độ hoặc thời gian của những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng. Tám năm qua chính là những năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Ông Tim Lenton, giám đốc cả Viện Hệ thống toàn cầu tại ĐH Exeter, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết, cái giá của sự ấm lên toàn cầu thường được thể hiện bằng giá trị tài chính. Tuy nhiên, nghiên cứu này lại nêu bật cái giá mà con người phải trả khi không giải quyết được tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
"Cứ mỗi 0,1 độ C tăng so với mức nhiệt hiện tại thì sẽ có thêm khoảng 140 triệu người phải tiếp xúc với nắng nóng nguy hiểm", ông Tim Lenton nhấn mạnh.
Nhiệt độ càng tăng, nguy cơ tiếp xúc với năng nóng nguy hiểm càng cao
Theo nghiên cứu mới, ngưỡng nắng nóng nguy hiểm là khi nhiệt độ trung bình hàng năm (MAT) đạt 29 độ C. Thực tế xuyên suốt trong lịch sử, những cộng đồng người phân bố dày đặc nhất xung quanh 2 ngưỡng MAT là 13 độ C với khu vực ôn đới, và 27 độ C với khu vực nhiệt đới.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự ấm lên toàn cầu hiện đang đẩy mức nhiệt độ tăng cao khắp nơi, nhưng đáng quan ngại là nguy cơ đạt tới mức nhiệt chết người cao hơn ở các khu vực vốn đã gần với ngưỡng nhiệt là 29 độ C. Việc nhiệt độ cao kéo dài bằng hoặc trên ngưỡng 29 độ C có liên quan chặt chẽ tới tỷ lệ tử vong cao hơn. Điều này cũng khiến năng suất lao động và sản lượng nông nghiệp bị sụt giảm, trong khi những xung đột và bệnh truyền nhiễm lại gia tăng.
Gần đây nhất là 40 năm trước, chỉ 12 triệu người dân trên thế giới phải đối mặt với những điều kiện thời tiết cực đoan như vậy. Tuy nhiên, theo nghiên cứu này, con số trên sẽ tăng gấp 5 lần và sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong các thập kỷ tới.
Theo các nhà nghiên cứu, rủi ro tập trung tại các khu vực nằm xung quanh đường xích đạo, nơi dân số đang gia tăng nhanh nhất. Mặt khác, khí hậu nhiệt đới có thể trở nên nguy hiểm ngay cả ở mức nhiệt độ thấp hơn, bởi vì độ ẩm cao ngăn cơ thể tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi.
Nhóm tác giả của nghiên cứu cho biết, những người phải tiếp xúc nhiều nhất với nắng nóng khắc nghiệt chủ yếu sống tại các nước nghèo hơn, với lượng phát thải carbon trên đầu người nhỏ nhất.
Theo Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ thải ra trung bình khoảng 2 tấn CO2 theo bình quân đầu người mỗi năm, Nigeria là khoảng nửa tấn. Con số này ở Liên minh châu Âu là gần 7 tấn và tại Mỹ là 15 tấn.
Việc cam kết cắt giảm carbon của các chính phủ và những công ty sẽ ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, giúp hàng trăm triệu người tránh được mức nóng thảm họa.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, khả năng nhiệt độ bề mặt của Trái Đất tăng vượt mức 2,7 độ C cũng có thể xảy ra. Thậm chí, nếu sự phát thải dẫn tới việc giải phóng những kho dự trữ carbon tự nhiên như trong băng vĩnh cửu, hoặc là ấm bầu khí quyển nhanh hơn dự kiến, nhiệt độ có thể thể tăng tới gần 4 độ C so với mức ở giữa thế kỷ 19. Điều này đương nhiên sẽ dẫn tới nhiều hậu quả khôn lường.
Vào tháng 12/2015, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra ở Paris (Pháp). Thỏa thuận này trở thành một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế để kiềm chế sự ấm lên toàn cầu.
Nội dung chính của thỏa thuận này là hạn chế tình trạng ấm lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C và quan trọng là nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
Bài viết tham khảo nguồn: AFP, UN