Cận Tết, cuộc gọi rác, tin nhắn lừa đảo tấn công người dùng di động Việt
Liên tục nhận tin nhắn lừa tới website giả mạo, bị làm phiền bởi cuộc gọi rác mời chào game cờ bạc, thực trạng này khiến người dùng di động không khỏi bất bình.
Cận tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng lừa đảo và phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo thường xuyên hoạt động mạnh.
Một chuyên gia thuộc tổ chức phi lợi nhuận Chống lừa đảo cho biết, thời gian gần đây, nhóm này liên tục phát hiện nhiều trang web giả mạo được tạo lập với mục đích lừa lấy thông tin thẻ của người dùng. Phát tán tin nhắn rác chính là cách tiếp cận người dùng của những kẻ lừa đảo. Khoảng 60 website giả mạo sau đó đã bị triệt phá.
Không chỉ vậy, chia sẻ với VietNamNet, chị Thúy Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây chị liên tục trở thành nạn nhân của một loạt các cuộc gọi và tin nhắn quảng cáo.
“Phía đầu dây bên kia khẳng định số điện thoại của tôi đã đăng ký tham gia một tựa game nào đó, sau đó yêu cầu tôi phải nộp phí đăng ký tài khoản. Nghĩ họ gọi nhầm số, tôi từ chối và lịch sự cúp máy nhưng vẫn liên tục bị gọi điện làm phiền bằng nhiều số máy khác nhau”, chị Hà bức xúc nói.
Chưa dừng lại ở đây, sau một loạt cuộc gọi không thành công, chị Hà lại nhận được các tin nhắn từ những số máy lạ có nội dung mời chào dịch vụ.
“Nội dung tin nhắn cho biết tôi có tài khoản ở cổng game ***88. Khi thử tìm kiếm, kết quả trả về cho thấy đây là một website có nội dung cờ bạc, cá độ. Sợ có ai đó trong gia đình dính líu đến website này, tôi đã dò hỏi nhưng tất cả mọi người đều nói không biết”, chị Hà chia sẻ.
Trước việc liên tục bị quấy rối, người phụ nữ này đã liên hệ phản ánh, đồng thời chuyển nội dung các tin nhắn rác tới đầu số 156. Sau khi tiếp nhận, nhân viên tổng đài hướng dẫn chị liên tục chặn các số lạ, vấn đề sau đó đã phần nào được giải quyết.
Đầu số 156 là số điện thoại của kênh tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo do Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông triển khai từ ngày 1/11/2022. Khi nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể phản ánh tới đầu số 156 thông qua 2 hình thức nhắn tin và gọi điện.
Sau một thời gian triển khai, tính đến hết ngày 20/11/2022, hai đầu số 156 và 5656 (Tổng đài phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn) đã tiếp nhận hơn 97.000 lượt phản ánh, tương đương khoảng 4.855 phản ánh/ngày. Trong đó, số báo cáo về tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm xấp xỉ 20,7% lượt phản ánh.
Trước đây, Bộ TT&TT từng đưa vào vận hành Tổng đài 5656 nhằm ghi nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn. Đầu số 156 sau đó đã được đưa vào hoạt động nhằm có một kênh thống nhất tiếp nhận phản ánh thông qua cả hai hình thức nhắn tin và gọi điện.
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), với khả năng tiếp nhận cuộc gọi, lượng phản ánh bình quân hàng ngày tới cơ quan chức năng thông qua đầu số 156 chỉ trong một thời gian ngắn triển khai đã tăng gấp 6 lần so với 10 tháng đầu năm 2022, khi Tổng đài 5656 hoạt động.
Việc đưa vào vận hành đầu số 156 (hiện hoạt động song song với Tổng đài 5656) được xem là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể phản ánh thông qua 2 hình thức:
Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) theo cú pháp:
V [số điện thoại phát tán cuộc gọi rác][nội dung cuộc gọi rác] gửi 156 hoặc 5656.
Hoặc V (số điện thoại phát tán cuộc gọi rác)(nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 hoặc 5656.
Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin theo hướng dẫn của điện thoại viên.