Cần khoảng 485.000 lao động, ngành này dự kiến "sáng đầu ra" trong 10 năm tới: NEU và HANU đều tuyển sinh mức điểm cao
Sau giai đoạn “chững” vì Covid-19, hiện nay, ngành này đang chứng kiến sự tăng trưởng đều đặn hàng năm, kéo theo đó là nhu cầu nhân lực chất lượng cao với nhiều mức thu nhập hấp dẫn.
Thị trường lao động hấp dẫn trở lại, nhu cầu tuyển dụng tăng cao
Với sự phong phú về văn hóa và nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn, Việt Nam đang chứng kiến dự báo tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách quốc tế. Sự phát triển này đồng thời tạo ra nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có tay nghề cao trong ngành du lịch.
Theo Báo Lao động và Xã hội, ngành du lịch hiện cần khoảng 485.000 lao động tại các cơ sở lưu trú, trong đó 45.000 người cần có kỹ năng quản trị. Dự báo cho thấy, trong vòng 10 năm tới, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng lạc quan. Đến năm 2025, số lao động tại các cơ sở lưu trú cần thiết sẽ vào khoảng 800.000 người và đến năm 2030, con số này có thể vượt hơn 1 triệu. Như vậy, trong giai đoạn 2022 - 2030, mỗi năm trung bình cần bổ sung thêm hơn 60.000 lao động.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tốc độ tăng trưởng lao động trong ngành này dự kiến đạt từ 10 - 12% mỗi năm, yêu cầu sự đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Mức lương hấp dẫn, có thể lên tới 30 triệu đồng/tháng
Cơ hội việc làm và mức lương luôn là những tiêu chí hàng đầu mà các thí sinh cân nhắc khi lựa chọn ngành học. Một trong những câu hỏi được nhiều sinh viên quan tâm là mức thu nhập của cử nhân ngành du lịch sau khi tốt nghiệp là bao nhiêu?
Trao đổi với truyền thông, ông Trầm Nguyễn Cát Tường, nhân viên Công ty TNHH Du lịch Thiên Niên Kỷ, nhận định rằng mức lương khởi điểm trong lĩnh vực này khá cạnh tranh. "Mức lương cho sinh viên mới tốt nghiệp làm hướng dẫn viên du lịch dao động từ 8 - 9 triệu đồng/tháng. Nếu đảm nhiệm các vị trí quản lý tour hay chuyên viên kinh doanh, mức lương có thể từ 15 - 20 triệu đồng/tháng," ông Cát Tường chia sẻ.
Cùng bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: "Không chỉ riêng ngành du lịch, ở bất kỳ lĩnh vực nào, người lao động cũng mong muốn nhận được mức lương xứng đáng. Tuy nhiên, thu nhập sẽ phụ thuộc vào chất lượng và năng lực của nguồn nhân lực. Nhiều doanh nghiệp du lịch sẵn sàng trả mức lương cao cho những nhân viên có chuyên môn vững."
Thậm chí, một số hướng dẫn viên nội địa tiết lộ thu nhập của mình rơi vào khoảng 25-30 triệu đồng mỗi tháng. Nếu dẫn khách đi nước ngoài, con số này có thể lên tới 40-60 triệu đồng.
Anh N.Q.K, hướng dẫn viên ở Hà Nội, cho hay nhận thù lao khoảng 600.000-700.000 đồng một ngày với các tour nội địa. Nếu dẫn các tuyến trekking (leo núi), thù lao sẽ là một triệu đồng. "Cộng cả thu nhập ngoài, mỗi tháng, người dẫn đoàn nội địa có thể kiếm 25-30 triệu đồng", anh nói.
Chú trọng nâng cao chất lượng nhân sự, nhiều trường tuyển sinh đầu vào với điểm cao
Theo báo cáo từ Cục Du lịch quốc gia, Việt Nam dự kiến sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025, tạo ra nhu cầu tuyển dụng khoảng 5,5 triệu lao động trong ngành du lịch. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn cho những ai đang theo đuổi con đường sự nghiệp trong lĩnh vực này. Do đó, để đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cao, sinh viên cần phải không ngừng trau dồi kiến thức và cập nhật các kỹ năng mới.
Vì du lịch là lĩnh vực luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo các thí sinh, các hoạt động tuyển sinh, đào tạo liên quan đến ngành này cũng được các trường đại học triển khai tương đối đa dạng. Điều này giúp thí sinh có nhiều lựa chọn cũng như gia tăng khả năng trúng tuyển. Tại các trường top đầu trong ngành, điểm chuẩn vẫn nằm ở mức khá cao với nhiều tổ hợp môn thi như A01, D01, D07, D09. Một số trường cũng tuyển sinh cả khối C cho các ngành riêng biệt.
Theo thống kê của Cổng tra cứu tuyển sinh VnExpress, nhiều trường lấy điểm chuẩn trên 30 điểm (do có môn tính hệ số 2). Trong đó, tại Đại học Kinh tế quốc dân NEU, ngành Quản trị khách sạn với điểm chuẩn là 35,8 xếp cao nhất, ngành Quản trị lữ hành xếp thứ 2 với điểm chuẩn 35,75. Đại học Văn hóa Hà Nội có ngành Du lịch - Hướng dẫn du lịch quốc tế lấy điểm 33,33, còn Đại học Hà Nội cũng có ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành lấy điểm 33,04.
Điều quan trọng nhất đối với sinh viên ngành du lịch là phải nắm vững kiến thức chuyên môn, đồng thời tích cực rèn luyện thực tế tại các doanh nghiệp du lịch – lữ hành. Khi các bạn có kiến thức sâu rộng và trải nghiệm thực tiễn trong ngành, các bạn sẽ có khả năng xử lý các tình huống linh hoạt, đáp ứng tốt yêu cầu của cả doanh nghiệp lẫn khách hàng.
Ngoài ra, kỹ năng thuyết minh, giao tiếp và trình độ ngoại ngữ cũng là những yếu tố mà sinh viên cần phải cải thiện. Khi hội tụ đầy đủ những yếu tố này, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ vô cùng rộng mở.
(Tổng hợp / Ảnh: Internet)