Cận cảnh tảng đá ở vực sâu Yên Tử mà người phụ nữ U60 trú ẩn 7 ngày: Nhiều dấu vết sót lại

08/05/2022 10:31 AM | Xã hội

Nhiều chai nhựa, túi nilon, thức ăn còn sót lại tại nơi du khách U60 rơi xuống suốt 7 ngày ở Yên Tử.

Sau sự việc bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, trú Hà Nội) bị rơi xuống vực trên đỉnh núi Yên Tử ngày 27/4 rồi được cứu ngày 3/5, nhiều ý kiến trái chiều cho răng đó là câu chuyện bịa đặt, không có thật nên ngày 7/5, Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử quyết định vào cuộc xác minh lại.

BQL cho báo Vietnamnet hay đã cử lực lượng đu dây xuống khu vực bà Liên mắc kẹt trong 7 ngày để ghi nhận hình ảnh thực tế hiện trường còn sót lại để so sánh với lời kể của người phụ nữ này.

 Cận cảnh tảng đá ở vực sâu Yên Tử mà người phụ nữ U60 trú ẩn 7 ngày: Nhiều dấu vết sót lại - Ảnh 1.

Nơi bà Liên trú ngụ suốt 7 ngày. Ảnh: Vietnamnet

Khi xuống lại nơi bà Liên mắc kẹt 7 ngày, cán bộ BQL xác định ở đây có phiến đá đúng với lời kể của bà khi tại đây vẫn còn dấu vết sinh hoạt của con người.

Mỏm đá này cách chùa Đồng 40m, đây cũng là nơi bà Liên trú ngụ để tránh mưa, gió trong thời gian mắc kẹt. Bà Liên kể bà trụ vững suốt 7 ngày là nhờ miếng cơm cháy, bánh gạo còn sót lại khi đi lễ, cùng với nhiều khóm trúc, dương xỉ và lạc tiên.

Quả thực, cạnh phiến đá có các loài cây trên mọc nhiều, bên cạnh đó là bãi rác nơi có nhiều chai nhựa, túi nilon, áo mưa rách du khách vứt xuống còn vương vãi. Bà Liên đã quấn áo mưa cũ và túi nilon ở bãi rác này để tránh mất nhiệt trong những ngày mưa, gió.

Theo một nhân viên thuộc Phòng Bảo vệ di tích, thuộc Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, người trực tiếp tham gia tìm kiếm, phát hiện và cứu hộ bà Nguyễn Thị Bích Liên đã lý giải với báo Dân Trí một phần lý do tại sao bà Liên rơi xuống vực mà vẫn sống sót.

 Cận cảnh tảng đá ở vực sâu Yên Tử mà người phụ nữ U60 trú ẩn 7 ngày: Nhiều dấu vết sót lại - Ảnh 2.

Từ địa điểm bà Liên mắc kẹt nhìn lên chỗ lan can đường lên chùa Đồng. Ảnh: Vietnamnet

Thứ nhất là các loại cây mọc trên bề mặt như cây tre, trúc, lạc tiên, gai mê... nên phần nào hạn chế bớt lực rơi. Bên cạnh đó, khi bị rơi xuống bà Liên đã rơi trúng vào một bụi cây lau, sau đó lăn chéo vào một hõm núi.

Hiện trường cho thấy bên dưới bụi cây lau đó có một lớp mùn rất dày, khá êm được hình thành từ nilon, áo mưa du khách vứt xuống cùng các loại cây đã chết khô, mục lâu ngày dồn về, nên đã đỡ cho bà Liên một lực lớn nên bà chỉ bị xây xát nhẹ.

Ở lần rơi tiếp theo, bà Liên lại may mắn rơi trúng vào một đống rác bên cạnh phiến đá, do đó không bị thương tích nặng.

Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên tử cũng cung cấp những hình ảnh hiện trường còn sót lại nơi bà Liên tá túc 7 ngày với như sau: trên bụi trúc còn vương lại khẩu trang, dưới đất có một số chai nước đã uống hết cùng nhiều mảnh áo mưa giấy bà Liên dùng để che mưa, chắn gió, nhiều bụi dương xỉ, lạc tiên, ngải cứu rừng…trong đó có một số bụi đã được hái ngọn hoặc nhổ lên để lấy củ.... trùng khớp với những gì bà Liên kể.

 Cận cảnh tảng đá ở vực sâu Yên Tử mà người phụ nữ U60 trú ẩn 7 ngày: Nhiều dấu vết sót lại - Ảnh 3.

Củ lạc tiên,dương xỉ ở hiện trường. Ảnh: Dân Trí

"Chúng tôi đã trực tiếp đi xuống lại khu vực bà Liên mắc kẹt xem có đúng không, tất cả đều trùng khớp với lời kể của nạn nhân", Trưởng ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử Lê Tiến Dũng cho Vietnamnet biết.

Bên cạnh đó, ông Lê Tiến Dũng cho Dân Trí hay khu vực bà Liên rơi xuống có địa hình phức tạp và cũng là một trong các vực sâu xung quanh chùa Đồng nên lực lượng chức năng phải dựng lan can sắt, đặt biển cảnh báo nguy hiểm.

Tôi không dại gì tự mình bịa chuyện rơi xuống vực

bà Liên vẻ mặt buồn bã vì từ hôm qua đến nay có nhiều thông tin nói bà bịa chuyện bị rơi xuống vực.

Người đàn bà 60 tuổi vén quần để lộ vết thâm ở đùi, đầu gối và đôi bàn tay đầy vết dăm đá đâm vào. Bà khẽ nói bản thân bà ở tuổi này bịa chuyện ra chẳng được lợi lộc gì.

Theo bà Liên, đây là lần đầu bà đi chùa Yên Tử, vé cáp treo bà vẫn còn giữ, lịch trình nó thể hiện hết trên vé, bà có muốn nói dối cũng không được.

photo-3

Bà Liên khóc kể lại khoảng thời gian mình bị mắc kẹt tại vách đá.

"Sai lầm lớn nhất của tôi là đi mà không báo cho người nhà, nên lúc mất tích người thân không tìm được sớm, để mọi người nghĩ là tôi bịa chuyện ra", bà Liên khóc chia sẻ.

Bà Liên cho biết vẫn hay đi lấy thuốc, nên cũng như các lần trước nghĩ đi về trong ngày. Chẳng may bà gặp nạn rơi xuống vách đá, điện thoại và đồ dùng văng đi đâu không biết, lại không thể cầu cứu ai vì những ngày đấy khu vực chùa mưa gió, người qua lại ít nên đành cố đào rác, tìm đồ ăn sống sót được ngày nào hay ngày ấy.

"Tôi lúc đấy sợ chứ, sợ ma, sợ rắn rết trong vách đá, sợ chết nữa, nhưng vẫn phải động viên mình cố gắng sống chờ người đến cứu", bà Liên nói.

Người phụ nữ 60 tuổi cho biết bản thân mình sống sót được là một điều thần kỳ, ba lần leo lên rồi rơi xuống, may mắn bà tìm được lại túi đồ ăn và nước uống của mình. Nơi bà rơi có nhiều rác thải du khách vứt xuống nên đào bới tìm được ít nước uống.

Tìm được một mõm đá rộng bằng cái bàn, bà Liên quyết định nghỉ ngơi tại đấy chờ người đến cứu, vì ngay bên dưới là vực sâu, rơi xuống chỉ có chết.

Để có chỗ trú ngủ, tránh mưa gió, bà Liên bới trong đống rác áo mưa, túi ni lông che chắn. Bà chia nhỏ số lương thực có được thành từng mẩu bé như ngón tay cái, khi nào đói, bụng quặn lên thì ăn một miếng kết hợp với ăn củ lạc tiên, lá cây dương xỉ.

Tổng hợp

Theo Chi Chi

Cùng chuyên mục
XEM