Căn bệnh gì khiến huyền thoại bóng đá Pele qua đời?
Huyền thoại bóng đá Pele người Brazil đã qua đời ở tuổi 82 sau một thời gian điều trị ung thư đại tràng không thành công. Đây là căn bệnh thế nào và phòng ngừa ra sao?
Pele trong ảnh chụp tại Manchester, Anh, năm 1998 - Ảnh: REUTERS
Bệnh viện Albert Einstein ở Sao Paulo, nơi huyền thoại bóng đá Pele điều trị, cho biết ông qua đời lúc 15h27 ngày 29-12, giờ địa phương, "do suy nhiều cơ quan, kết quả từ sự tiến triển của bệnh ung thư đại tràng liên quan đến tình trạng bệnh lý trước đây của ông ấy".
Theo thống kê của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (GLOBOCAN 2020), mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng (hay còn gọi là ung thư đại tràng) mới, đây là ung thư gây tử vong và có số ca mắc mới đứng thứ 5, sau ung thư gan, phổi, vú và dạ dày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Bá Trung - trưởng khoa điều trị tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho biết ung thư đại trực tràng có xu hướng trẻ hóa, nếu như trước kia độ tuổi mắc bệnh thường từ 40-50 trở đi, thì hiện nay nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cũng đã bị.
Tại Bệnh viện Ung bướu các bác sĩ đã từng phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân trẻ nhất mắc bệnh ung thư đại trực tràng là 18 tuổi. Ở Hà Nội mới đây ghi nhận bệnh nhân 15 tuổi, là bệnh nhân ung thư đại tràng trẻ nhất ghi nhận tại Việt Nam.
Theo bác sĩ Bá Trung, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng như: yếu tố di truyền từ gia đình, liên quan đến lối sống hằng ngày (ít tập thể dục, thừa cân, béo phì, ăn ít chất xơ, uống rượu bia, hút thuốc lá)...
Bệnh nhân nếu phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1) có thể chữa trị thành công đến 90%, tuy nhiên ở giai đoạn muộn đã di căn đến các bộ phận khác dẫn đến suy đa cơ quan, tỉ lệ điều trị thành công rất thấp.
TS Lâm Việt Trung - phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy trung bình mỗi năm thực hiện khoảng 1.200 ca phẫu thuật ung thư đại trực tràng. Đa số người bệnh đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn kém.
Giai đoạn đầu mắc ung thư đại trực tràng có thể không gây ra các triệu chứng ngay lập tức. Một số dấu hiệu có thể gặp là hay đau bụng ngấm ngầm, đầy bụng, thay đổi thói quen đi tiêu như tiêu chảy, táo bón, tiêu chảy xen lẫn táo bón.
Phân nhỏ lại, phân dính máu, tiêu ra máu. Bệnh nhân thường mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu không lý do. Nếu sờ thấy u bụng mới đi khám, thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Bác sĩ Việt Trung khuyến cáo để phòng bệnh ung thư đại tràng, người dân nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế dầu mỡ và thịt đỏ, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, ăn nhiều rau xanh và trái cây...
Ngoài ra, cần duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh các mối nguy hiểm môi trường, tránh hóa chất... Người 40-50 tuổi nên tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ.
Cẩn trọng với Polyp
Theo thông tin từ Bệnh viện K (Hà Nội), ung thư đại trực tràng thường bắt đầu lành tính (gọi là polyp). Polyp không phải là u nhưng là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành.
Polyp không phải là ung thư, nhưng chúng có thể phát triển thành ung thư sau một thời gian dài.
Kiểm tra đại trực tràng thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư. Polyp tiền ung thư thường không biểu hiện triệu chứng, có thể được tìm thấy qua nội soi đại tràng vài năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển.
Kiểm tra sàng lọc cũng tìm thấy được polyp tiền ung thư và cắt bỏ trước khi nó trở thành ung thư. Đây được xem là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.