Cảm xúc người được tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên ở Hải Dương
Chị Phạm Thị Tuyết Nhung (41 tuổi), nhân viên TTYT thành phố Hải Dương chia sẻ, khi nhận tin là người đầu tiên tiêm vắc xin COVID-19 chị khá hồi hộp lo lắng. Tuy nhiên, chị được nhân viên y tế tư vấn, khám sàng lọc kỹ nên rất yên tâm.
Yên tâm tiêm vắc xin COVID-19
Sáng 8/3, tỉnh Hải Dương tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho những người trên tuyến đầu chống dịch, gồm lực lượng y tế, công an, quân đội, đoàn viên... Hai điểm tiêm chủng đầu tiên tại TTYT thành phố Hải Dương và huyện Kim Thành.
Là người đầu tiên được tiêm chủng, chị Phạm Thị Tuyết Nhung (41 tuổi), nhân viên sức khỏe sinh sản thuộc TTYT thành phố Hải Dương tới từ sớm khám sàng lọc, đo thân nhiệt. Chị chia sẻ, khi nhận thông tin được tiêm đầu tiên chị khá hồi hộp và lo lắng. Tuy nhiên, tới điểm tiêm chị được đồng nghiệp tư vấn, khám sàng lọc và hướng dẫn rất kỹ nên chị rất yên tâm, tự tin bước vào phòng tiêm chủng.
Trong phòng tiêm, chị Nhung được chị Phạm Hải Châu (nhân viên VNVC) hướng dẫn tiêm bắp tay và quy định tiêm chủng của Bộ Y tế. Ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Y tế và lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng hàng chục phóng viên báo đài chứng kiến, theo dõi.
Tại phòng theo dõi sau tiêm 30 phút, chị Tuyết Nhung chia sẻ, chị cùng nhiều đồng nghiệp tham gia công tác phòng chống COVID-19 từ những ngày đầu. Do đó, ngày 6/3 khi nhận thông báo được ưu tiên tiêm đầu tiên nhân ngày 8/3, chị không bất ngờ.
Chị tỏ ra vui mừng khi là những người đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19. Là nhân viên y tế, việc tiêm vắc xin cho bệnh nhân chị chứng kiến hằng ngày nên không hồi hộp hay lo lắng. Bởi theo chị, quy trình tiêm được hướng dẫn kỹ, đồng nghiệp đều là những cán bộ có nghiệp vụ giỏi. Vắc xin cũng được sử dụng tại nhiều quốc gia trước nên chị rất yên tâm.
Nữ nhân viên y tế chia sẻ, sáng chị dậy sớm rồi rời khỏi nhà đến TTYT thành phố. Trước khi đi tiêm chủng, chị đã được chồng và người thân tặng quà, gửi lời chúc mừng ngày 8/3.
“Sau tiêm, tôi cảm thấy sức khỏe ổn định, không có gì bất thường. Được tặng quà, chúc mừng ngày 8/3 tôi rất vui và vinh dự. Tôi mong vắc xin sẽ được tiêm cho toàn thể người dân Hải Dương và các vùng khác để đẩy lùi dịch bệnh, mọi người sớm được trở lại cuộc sống bình thường”, chị Nhung nói.
Mừng kỷ niệm 8/3 sau tiêm vắc xin cũng không muộn
Còn chị Nguyễn Diệu Thúy (21 tuổi), đoàn viên Thành đoàn Hải Dương chia sẻ, đây là lần thứ 3 tham gia công tác phòng chống dịch tại huyện Nam Sách. Chị Thúy cho biết, bản thân là đoàn viên nên luôn sẵn sàn xung phong tuyến đầu trên mọi hoạt động.
“Tiêm vắc xin cũng không ngoại lệ, tôi xung phong trong đợt này. Vắc xin được kiểm tra, thử nghiệm tại nhiều quốc gia và được những cán bộ y tế đầu ngành thực hiện nên tôi rất yên tâm. Tiêm xong, tôi sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà. Mọi thứ xong xuôi, tôi và người thân sẽ mừng kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3 cũng không muộn”, chị Thúy nói.
Là cán bộ tiêm chủng được tăng cường, chị Phạm Hải Châu (nhân viên VNVC Cầu Giấy) cho biết, chị cùng đoàn của Bộ Y tế về trực tiếp tiêm, cùng các đồng nghiệp tại Hải Dương triển khai kế hoạch tiêm vắc xin trên diện rộng.
Chị Châu chia sẻ, vắc xin COVID-19 cũng giống các vắc xin khác, đều có thể xảy ra phản ứng tùy vào cơ địa từng người. Tuy nhiên, quy trình thực hiện có nhiều điểm khác vì hiện đang trong điều kiện phòng dịch.
Do đó, các quy tắc, quy trình tiêm vắc xin COVID-19 có nhiều điểm khác. Đặc biệt phải thực hiện 5K cộng với vắc xin, đảm bảo khoảng cách, tư vấn kỹ trước và sau tiêm. Rác thải y tế phải được xử lý theo quy trình tương tự rác thải trong công tác phòng dịch.
Không quá dựa vào vắc xin COVID-19
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Y tế yêu cầu ngành y tế Hải Dương cần vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn khu vực tiêm đồng thời thực hiện đúng hướng dẫn 5K cộng tiêm vắc xin. Bởi, tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong điều kiện phòng dịch khác với tiêm chủng khác.
Tất cả các chất thải, rác thải y tế sau tiêm chủng phải được xử lý như là chất thải trong phòng chống COVID-19 mà Bộ Y tế đã hướng dẫn.
Ông cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng, Cục Khám chữa bệnh hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ từ khâu vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản, sử dụng và xử lý các vấn đề sau tiêm.
“Lực lượng làm nhiệm vụ cần thực hiện 5K cộng vắc xin, không quá dựa vắc xin mà chủ quan lơ là. Ưu tiên tiêm chủng vùng có nhiều ca mắc trong cộng đồng và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đơn vị cung cấp vắc xin cần phối hợp tốt với địa phương để vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản thật tốt”, ông Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Sau khi tuyên bố khai mạc tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Hải Dương, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Y tế cũng trực tiếp cùng cán bộ, nhân viên y tế tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Sau khi thực hiện các bước theo quy trình, ông Tuyên trực tiếp tiêm vắc xin cho chị Đỗ Thị Nhài, nhân viên tại Trạm y tế phường Tân Hưng.