Cấm rẽ trái được quay đầu, đường một chiều cho vượt phải
Theo Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ mà Bộ GTVT ban hành theo thông tư 6/2016, bắt đầu từ ngày 1-11-2016, nhiều biển báo giao thông thay đổi so với trước.
1. Xe bán tải được xem là xe con
QCVN 41:2016/BGTVT đã sửa đổi, giải thích cụ thể, rõ ràng hơn về khái niệm ôtô con (hay còn gọi là xe con), đồng thời bổ sung thêm khái niệm xe bán tải. Trong khái niệm này, xe bán tải được xem là xe con. Cụ thể:
- Xe con (ôtô con): là ôtô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (GCN) để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe hoặc ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg;
Ôtô con bao gồm cả các loại xe có kết cấu như xe máy 3 bánh nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400 kg và tải trọng toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1.500 kg.
- Xe bán tải (xe pickup): nếu kết cấu thùng chở hàng đi liền với thân xe, có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo GCN nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống thì được xem là xe con.
2. Cho phép vượt phải trên đường 1 chiều
Theo QCVN 41:2016/BGTVT: vượt phải là tình huống một phương tiện vượt phương tiện khác về phía bên phải của phương tiện bị vượt trên cùng một chiều đường tại các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều.
Các phương tiện không được phép vượt phải nhau trừ một số trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Điểm quan trọng nhất trong định nghĩa này là làm rõ “vượt ở các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều”. Như vậy ở đường mà một chiều có từ hai làn đường trở lên thì không thể bắt lỗi vượt phải.
Bên cạnh đó, để tránh những hiểu nhầm khác, quy chuẩn này còn chỉ ra cách vượt xe đúng luật như sau:
Xe trên các làn chạy nhanh hơn nhau là tình huống giao thông mà các phương tiện trên các làn theo cùng một chiều đường của các đường có nhiều hơn hai làn đường mỗi chiều có thể chạy nhanh hơn nhau miễn là tuân thủ quy định về tốc độ và loại phương tiện sử dụng làn đường.
Khi chuyển làn phải tuân thủ theo quy tắc giao thông đường bộ.
3. Nhiều biển báo thay đổi
- Cấm ôtô chở khách: Để báo cấm ôtô chở khách đi qua trừ các xe ưu tiên, Quy chuẩn 41 bổ sung thêm biển số P.107a “Cấm xe ôtô khách”. Biển này không cấm xe buýt.
Trường hợp cấm xe khách theo số chỗ ngồi thì sử dụng biển phụ ghi số chỗ ngồi đối với các xe cần cấm.
- Cấm taxi: Quy chuẩn 41 bổ sung thêm biển P.107b cấm taxi như dưới. Trường hợp cấm taxi theo giờ thì đặt biển phụ ghi giờ cấm.
- Thêm biển tốc độ tối đa ban đêm: biển số P.127a cho một số trường hợp qua khu đông dân cư vào ban đêm nhằm mục đích nâng cao tốc độ vận hành khi đường ít xe chạy.
Số ghi trên biển tốc độ tối đa cho phép lớn nhất về ban đêm tính bằng km/giờ và không lớn hơn 80 km/giờ. Người tham gia giao thông về ban đêm không được vượt quá giá trị tốc độ ghi trên biển trừ một số trường hợp ưu tiên được quy định.
Trong phạm vi hiệu lực của biển “Tốc độ tối đa cho phép về ban đêm”, nếu gặp biển ghi “Tốc độ tối đa cho phép” thì người lái phải tuân thủ theo giá trị tốc độ tối đa quy định ghi trên biển “Tốc độ tối đa cho phép”.
- Biển ghép tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường:
Biển số P.127b là biển hình chữ nhật nền màu xanh, trên đó thể hiện tốc độ tối đa trên các làn đường.
Biển đặt bên đường hoặc treo trên giá long môn, cột cần vươn. Xe chạy trên làn nào phải tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên làn đường đó.
- Biển hết hạn chế tốc độ tối đa cho phép theo biển ghép:
Biển có giá trị báo cho người tham gia giao thông biết hiệu lực của biển hạn chế tốc độ tối đa. Kể từ biển này, các xe được phép chạy với tốc độ tối đa đã quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
- Điều chỉnh nhóm Biển chỉ dẫn sang nhóm Biển hiệu lệnh
Để chỉ dẫn bắt đầu đường dành cho các loại ô tô đi lại phải đặt biển số 403a “Đường dành cho ôtô” và để chỉ dẫn bắt đầu đường dành cho các loại ôtô, xe máy (kể cả xe gắn máy) đi lại phải đặt biển số 403b “Đường dành cho ôtô, xe máy”.
Điểm khác biệt là Quy chuẩn 41 thay đổi về hình dạng ôtô trên biển báo.
Đồng thời, sẽ bổ sung thêm biển số R.403c “Đường dành cho xe buýt” để báo hiệu bắt đầu đường dành cho xe buýt; biển số R.403d “Đường dành cho ôtô con” để báo hiệu bắt đầu đường dành cho xe ôtô con; biển số R.403f “Đường dành cho xe máy và xe đạp” để báo hiệu bắt đầu đường dành cho xe máy (kể cả xe gắn máy) và xe đạp (kể cả xe thô sơ).
- Thêm biển báo chỗ ngoặt nguy hiểm có nguy cơ lật xe
Biển số W.201c chỗ ngoặt nguy hiểm có nguy cơ lật xe bên phải khi đường cong vòng sang trái; Biển số W.201d chỗ ngoặt nguy hiểm có nguy cơ lật xe bên trái khi đường cong vòng bên phải.
- Thêm biển Nơi đỗ xe một phần trên hè phố
- Biển báo hiệu nơi cắm trại, nhà nghỉ lưu động:
- Điều chỉnh biển “Dừng lại” từ nhóm Biển báo cấm sang nhóm Biển hiệu lệnh:
Biển này có ý nghĩa bắt buộc lái xe phải chấp hành khi tham gia giao thông trên đường
- Biển cấm rẽ nhưng không cấm quay đầu xe
Theo quy chuẩn cũ năm 2012, khi có biển “Cấm rẽ trái” thì các loại xe (cơ giới và thô sơ) cũng không được phép quay đầu xe.
Biển cấm quay đầu và cấm rẽ trái trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM. Biển như thế này mới có giá trị vừa cấm rẽ trái vừa cấm quay đầu - Ảnh: HỮU THUẬN
Tuy nhiên, theo quy chuẩn 41:2016, biển P.123a “Cấm rẽ trái” hoặc biển số P.123b “Cấm rẽ phải” biển không có giá trị cấm quay đầu xe.
4. Thay đổi trong vạch chỉ dẫn đường
Vạch phân chia các làn xe cùng chiều gồm 2 loại vạch: Dạng vạch đơn, liền nét và dạng vạch đơn, đứt nét.
- Vạch đơn, đứt nét: xe được phép thực hiện việc chuyển làn đường qua vạch
- Vạch đơn, liền nét: dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác. Xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.
Gắn 1.147 biển báo cấm rẽ
Ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM cho biết bắt đầu từ ngày 1-11, các khu quản lý giao thông đô thị sẽ cho lắp đặt khoảng hơn 1.147 biển báo mới cấm rẽ trái, phải.
Theo đó, cho phép ôtô quay đầu ở những nơi có biển báo này, trừ những nơi có gắn thêm biển báo cấm quay đầu xe. Riêng việc sơn vạch sơn vàng ở giữa tim đường sẽ thực hiện từ nay đến cuối năm 2016.
Chưa xử phạt theo biển báo mới
Theo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, để nội dung mới được triển khai rộng rải đến người dân, phòng sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền, báo cáo chuyên đề, giải thích những thắc mắc của người tham gia giao thông trong mọi trường hợp.
Trong ngày 1-11 và những ngày tới, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bình thường.
Tuy thông tư có hiệu lực nhưng khi biển báo được sửa đổi, lắp đặt trên đoạn đường nào thì lực lượng CSGT mới áp dụng hình thức xử phạt (nếu người điều khiển phương tiện vi phạm) theo nội dung thông tư mới.