Cầm đồ mùa World Cup: Lén mang nhẫn cưới, bằng cấp của vợ đi cầm cố
rước trận tứ kết World Cup, vì khát tiền, nhiều con bạc gãy kèo cá độ bóng đá chấp nhận cảnh bị tiệm cầm đồ chèn giá, vay nóng với mức lãi cao hơn rất nhiều.
Cần gấp tiền để cá độ bóng đá hay trả nợ trước khi các trận đấu của vòng tứ kết World Cup 2018 diễn ra, nhiều con bạc túng quẫn đã tìm đến tiệm cầm đ ồ với những tài sản còn sót lại, mong gỡ gạc khoản đã mất.
Chiều 5/7, tại tiệm cầm đồ trên đường Láng (Hà Nội), một vị khách dẫn theo chú chó Ngao Tây Tạng đến để vay tiền. Khách này cho rằng, giá hiện tại của thú cưng là 150 triệu đồng, nên muốn cầm tạm chú chó để lấy 70 triệu đồng trong hai ngày. Tuy nhiên, vì chưa bao giờ nhận loại "hàng" cầm cố kiểu này, nên chủ tiệm đã từ chối khách.
Sau khi khách đi khỏi, chủ tiệm này cho biết, đây là khách quen, từng cắm 2 chiếc xe máy. "Lần này thấy mang cả chó đi cắm, chắc là thua đậm", chủ tiệm nói.
Đây không phải lần đầu cửa hàng xuất hiện những vị khách mang hàng "đặc biệt" đi cầm cố. Anh này kể lại, bi hài hơn, nhiều khách vì bí tiền đã lén mang nhẫn cưới, nữ trang và bằng cấp của vợ để đi cắm lấy tiền.
"Cũng có lần khách đang trả giá thì người nhà đến làm ầm ĩ, cuối cùng phải mang đồ về. Không chỉ có vậy, nhiều lần người ta chụp ảnh cả bể cá, tủ lạnh rồi sofa, lò vi sóng, mang ra đây, nếu được giá thì mới lén người nhà chở đến quán", chủ tiệm nhớ lại.
Nhận định thị trường cầm cố tài sản nhộn nhịp trở lại sau hai ngày World Cup tạm ngừng để chuẩn bị cho các trận đấu vòng tứ kết, anh Nguyễn Minh T. (chủ tiệm cầm đồ trên phố Lương Thế Vinh) cho biết, tiệm anh này có nhiều khách mang tất cả tài sản đến cầm cố, "đánh trận lớn".
"Chỉ trong sáng nay (6/7), có tới 5 khách mang đủ cả điện thoại, máy tính, xe máy và tivi đến cửa hàng để vay tiền. Thậm chí, có khách kỳ kèo vay nóng nhanh vì chỉ còn đúng chiếc xe máy để tất tay trận cuối. Sinh viên đến tiệm với 3-4 cái điện thoại, hỏi ra mới biết là gom của cả phòng, mang đi cắm", anh T. cho hay.
Tuy nhiên, theo anh này, vào các trận ở vòng cuối, tiệm không cho vay ồ ạt, số lượng lớn mà số tiền vay chỉ bằng 30-40% giá trị tài sản (trước đây là 80%) để tránh rủi ro khách "bùng" tiền nợ. Ngoài ra, tiệm cũng sẽ sàng lọc những mặt hàng có giá trị để nhận chứ không "ôm" tất cả của khách, tránh tình trạng nhận đồ cũ, đồ ăn cắp hoặc tranh chấp.
"Một số mặt hàng lớn như ô tô, cửa hàng nhỏ như của tôi cũng hạn chế nhận vì còn phải lo sân bãi đỗ xe", anh T nói.
Nhiều tài sản "đội nón ra đi" vì con bạc thua cá độ bóng đá.
Theo khảo sát, tình trạng chủ tiệm cầm đồ nhân cơ hội chèn ép giá thành của khách hàng không hiếm. Hiện tại, lãi suất cho vay đã không còn ở mức cũ của vòng 1/8.
Ngày thường với ô tô chính chủ, giấy tờ đầy đủ, lãi suất vay nóng rơi vào khoảng 2.000 đồng/1 triệu/ngày, thì chỉ hai ngày nay đã tăng lên 3.000 - 4.000 đồng/1 triệu/ngày.
Với xe đang mua trả góp hay thế chấp vay vốn ngân hàng, xe không chính chủ, không giấy tờ,... thì mức lãi thậm chí tăng lên giá "cắt cổ" 7.000 đồng/triệu/ngày.
"Các xe đời thấp sẽ bị "dìm" giá xuống thấp. Nhưng đến nước này rồi, khách không chấp nhận thì cũng không có tiền", chủ một tiệm cầm đồ trên phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) vừa định giá tài sản của khách và cho hay.
Trên chợ mạng cầm đồ World Cup, không chỉ nhận cầm cố tài sản, các trang này xuất hiện nhiều bảng soi kèo, mini game để thu hút con bạc.
Nhiều người rao bán nhà vì thua cá độ bóng đá mùa World Cup.
Bằng nhiều cách khác nhau cá độ bóng đã vẫn đang diễn ra hàng ngày hàng giờ nhất là trong mùa World Cup. Dù đã được cảnh báo về những hệ lụy cho bản thân và gia đình, song những con bạc vẫn bất chấp, để rồi rơi vào nợ nần chồng chất
"Vấn đề chính là lòng tham, chơi không có điểm dừng. Thắng nhưng vẫn muốn đánh trận lớn để ăn đậm hơn và cho rằng vận may đang đến. Đến khi thua, muốn gỡ gạc và có tiền ăn thêm nên rơi vào vòng luẩn quẩn nợ nần khi nào không hay.
Họ không chỉ làm hại bản thân mà liên lụy tới gia đình, xã hội. Những bài học về cảnh gia đình tan nát, thậm chí mất mạng vì cá độ bóng đá rất nhiều, tại sao lại không nhìn nhận thấy?", Ths. Nguyễn Thu Trang, một chuyên gia xã hội học tại Hà Nội lên tiếng.