Cách xử lý khi đèn xe khác làm chói mắt, gây 'mù tạm thời'

12/07/2023 10:31 AM | Sống

Vào ban đêm, tầm nhìn của người lái sẽ bị hạn chế nhiều hơn và ánh sáng chói từ đèn pha của xe khác có thể khiến tài xế không nhìn thấy tạm thời.

Lái xe vào ban đêm có thể là một nhiệm vụ khó khăn đối với người mới lái xe hoặc thậm chí là cả người có kinh nghiệm. Đèn pha từ các xe hướng đối diện gây chói là tình huống nguy hiểm và có thể gây tai nạn nếu tài xế không làm chủ được vô-lăng.

Vậy khi gặp tình huống này, tài xế phải xử lý như thế nào để không gây ra sự cố đáng tiếc?

Giảm tốc độ

Chói mắt khiến tầm quan sát bị ảnh hưởng tạm thời và làm giảm tốc độ phản ứng của tài xế. Vì thế giảm tốc độ sẽ hạn chế khả năng xảy ra tai nạn.

Giảm tốc độ, tránh nhìn thẳng vào đèn xe đối diện là cách để tài xế không bị "mù tạm thời" khi di chuyển trong đêm.

Ngoài ra, tài xế nên giữ khoảng cách hơn với xe đi phía trước, để có nhiều thời gian phản ứng hơn nếu xe phía trước phanh đột ngột.

Cách xử lý khi đèn xe khác làm chói mắt, gây 'mù tạm thời' - Ảnh 1.

Đèn pha gây chói mắt tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. (Ảnh minh họa).

Song song với giảm tốc, tài xế nên cố đưa xe bám về phía bên phải, nhưng cần đảm bảo không cản đường xe khác. Hướng sang phải sẽ giúp tài xế có thêm không gian xử lý, tránh xa xe ngược chiều.

Không nhìn trực tiếp vào đèn xe hướng đối diện

Một cách vô thức, tài xế thường có xu hướng nhìn vào nguồn sáng gây chói, khiến tình trạng càng trở nên nghiêm trọng. Lúc này, hãnh tỉnh táo để ngay lập tức đánh mắt chếch sang phải, phần đường đèn xe không chiếu tới để giảm chói. Một mẹo nhỏ là hãy để ý vạch kẻ đường bên phải, hoặc lề đường với những con đường nhỏ. Với cách này, tài xế không bị chói mắt và vẫn đảm bảo xe di chuyển trong đúng làn đường.

Vệ sinh kính và cần gạt nước

Các phần cần vệ sinh bao gồm kính lái, kính cửa (vệ sinh bên trong lẫn bên ngoài), gương chiếu hậu. Khi ánh sáng từ đèn xe truyền qua lớp kính chắn gió bẩn, tia sáng bị khúc xạ bởi lớp bụi trên xe, qua đó tăng độ chói của đèn.

Phần lưỡi cao su cần gạt nước trên kính lái có thể được vệ sinh bằng cách làm ẩm khăn sạch hoặc khăn giấy bằng dung dịch lau kính, sau đó lau cho đến khi sạch. Nếu phần lưỡi cao su cũ hoặc lão hóa, ví dụ như bị rách hay cao su cứng lại, hãy thay thế.

Cách hạn chế đèn chói từ xe phía sau

Bên cạnh nguồn chói từ xe đối diện, tài xế còn phải đối mặt với những xe đi ngay phía sau và bật đèn chế độ chiếu xa. Khi ấy, tài xế sẽ bị chói ở cả gương chiếu hậu trong và ngoài xe.

Xe có gương chiếu hậu chống chói tự động là phương án giải quyết hữu hiệu nhất trong tình huống này. Nhưng nếu xe không có thiết bị này, tài xế có thể tránh chói ở gương hậu trong xe bằng cách gạt lẫy cơ nằm ở mép dưới của gương.

Điều chỉnh gương xe đúng cách

Với gương hậu bên ngoài, Hiệp hội ô tô Mỹ (American Automobile Association - AAA) hướng dẫn cách chỉnh đúng như sau: tài xế áp đầu vào phần cửa xe bên trái đã đóng, chỉnh gương cho đến khi còn thấy một chút thân xe. Sau đó hướng người một khoảng cách tương đương về bên phải và thực hiện chỉnh gương bên phải tương tự.

Kiểm tra tầm nhìn thường xuyên

Theo Hiệp hội thị lực Mỹ, tất cả mọi người dưới 60 tuổi nên đi khám mắt ít nhất hai năm một lần và mỗi năm một lần sau tuổi 60. Càng lớn tuổi thì mắt càng nhạy cảm hơn. Nếu phát hiện vấn đề sớm có thể điều trị khỏi. Nếu người lái xe có sử dụng kính thường hoặc kính áp tròng, hãy nhớ phải giữ kính sạch sẽ và không bị xước. Kính bị bẩn trầy xước và bẩn sẽ làm cho vấn đề chói trở nên tồi tệ hơn.

Nghỉ ngơi thường xuyên khi phải lái xe vào ban đêm trong thời gian dài

Điều này sẽ làm giảm mệt mỏi và có thời gian để phục hồi trạng thái tốt nhất của đôi mắt. Thậm chí người lái cũng nên có một giấc ngủ ngắn hoặc đi bộ nhanh để giữ tỉnh táo.


Theo Phạm Duy/VTCNewss

Cùng chuyên mục
XEM