Cách Vinahud thu xếp khoản nợ 1.700 tỷ

02/08/2023 11:15 AM | Kinh doanh

Bóng dáng của một thương vụ tái cấu trúc nợ nghìn tỷ cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa nhóm TPBank - TPS và nhà chủ Vinahud.

Cách Vinahud thu xếp khoản nợ 1.700 tỷ - Ảnh 1.

Toà nhà 105 Nguyễn Bá Khoản, Cầu Giấy, Hà Nội, cũng chính là trụ sở của R&H Group. Ảnh: KHÁNH AN

Mời đọc:

Trợ lực của TPS

            Đằng sau 'mỏ vàng' FVTPL của TPS

            Lô trái phiếu chậm lãi hé mở loạt thương vụ kín tiếng của TPS

CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (UpCOM: VHD) sáng 1/8/2023 đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, chậm 2 ngày so với hạn cuối theo quy định về công bố thông tin.

Báo cáo tài chính lần đầu được lập theo hình thức công ty mẹ - con của Vinahud mang tới nhiều thông tin đáng lưu ý.

Theo đó, chi phí tài chính tăng cao là nguyên nhân chính khiến công ty mẹ lỗ 94,5 tỷ đồng, hợp nhất lỗ 60,3 tỷ đồng.

Tổng tài sản hợp nhất tăng mạnh hơn 4.000 tỷ đồng, lên 4.669 tỷ đồng, nhờ hợp nhất 2 công ty con (sở hữu 100%) là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends và Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng.

Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends sở hữu 50,99% cổ phần CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải - chủ đầu tư dự án Grand Mercure Quảng Nam. Cùng với phần 49% mua từ nă 2021, Vinahud hiện trực tiếp và gián tiếp sở hữu 99,99% cổ phần Xuân Phú Hải.

Vinahud đánh giá dự án này sẽ là cơ hội đầu tư trong tương lai gần. Trong năm 2023, dự kiến khu biệt thự được bàn giao sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận, nên Vinahud muốn nâng tỉ lệ sở hữu tại Xuân Phú Hải lên quá bán nhằm chủ động các phương án đầu tư kinh doanh.

Còn thông tin về Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng không được Vinahud thuyết minh cụ thể. Tuy nhiên dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện doanh nghiệp này sở hữu 27,8 triệu cổ phần, tương đương khoảng 40% CTCP Đầu tư Bất động sản Prime Land - chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong quy mô 40ha tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Bên cạnh đó, Prime Land năm 2021 đã mua lại cổ phần chi phối (99%) trong CTCP Bất động sản AIC từ nhóm cổ đông Nguyễn Thị Thanh Nhàn, qua đó sở hữu 2 dự án tại Hà Nội, là dự án trụ sở văn phòng kết hợp bãi đỗ xe trên khu đất 4.065m2 tại phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm), và dự án KĐT AIC quy mô 94ha tại Mê Linh.

Tất cả các pháp nhân đề cập ở trên, cần nhấn mạnh, đều nằm trong hệ sinh thái CTCP Tập đoàn R&H (R&H Group).

Theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên ngày 12/4/2023 thông qua, Vinahud mua 83% phần vốn trong Công ty Friends với giá phí 987,5 tỷ đồng, mua 100% Mê Linh Thịnh Vượng với giá 950 tỷ đồng, tổng giá phí 1.937,5 tỷ đồng. Trong đó, 80% nguồn vốn, tương đương 1.710 tỷ đồng sẽ được thu xếp bởi Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HSX: TPB), gấp 2,9 lần tổng tài sản và 4,2 lần vốn chủ sở hữu của Vinahud tại thời điểm đầu năm.

1.937,5 tỷ đồng cũng là khoản tiền mà bên bán, là R&H Group nhận được qua 2 thương vụ này. Số tiền khổng lồ này càng có ý nghĩa trong bối cảnh R&H Group đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu rất lớn, với 2.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 4-5/2023, gồm gồm lô RHGCH2123002 (1.000 tỷ đồng) đáo hạn ngày 14/4, lô RHGCH2123003 (1.000 tỷ đồng) đáo hạn ngày 25/4 và lô RHGCH2123004 (500 tỷ đồng) đáo hạn ngày 3/5.

2.500 tỷ đồng này nằm trong số 8.150 tỷ đồng trái phiếu mà R&H Group dồn dập phát hành vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, mà bên thu xếp phát hành, không ai khác, lại chính là nhóm TPBank và công ty chứng khoán thành viên Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HSX: ORS).

Tới cuối năm ngoái, TPS sở hữu 263 tỷ đồng trái phiếu R&H, và có khoản phải thu dịch vụ 290 tỷ đồng với tập đoàn này; ngoài ra còn khoản doanh thu chưa thực hiện 174 tỷ đồng với R&H Group, lớn nhất trong số các khách hàng của TPS. Trong nửa đầu năm ngoái, tự doanh TPS đã bán ra khoảng 6.500 tỷ đồng trái phiếu các loại của R&H Group.

Báo cáo tài chính quý II/2023 vừa công bố của Vinahud cho biết, TPBank trong kỳ đã hoàn tất giải ngân 950 tỷ đồng để Vinahud mua phần vốn trong Công ty Friends, và 760 tỷ đồng để mua Công ty Mê Linh Thịnh Vượng. Cả 2 khoản vay đều có kỳ hạn lên tới 7 năm, lãi suất 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/ năm.

Với khoản vay 950 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là cổ phần Xuân Phú Hải, phần vốn trong Friends và quyền tài sản phát sinh từ dự án Grand Mercure Hội An. Đây cũng chính là tài sản đảm bảo của 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng vừa đáo hạn của R&H Group.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay 760 tỷ đồng còn có phần còn thú vị hơn. Cùng thời điểm TPBank giải ngân số tiền này, Vinahud và các bên liên quan đã thế chấp phần vốn trong Mê Linh Thịnh Vượng, cổ phần trong Prime Land và dự án Làng Hoa Tiền Phong tại TPBank.

Trong đó, quyền tài sản, quyền sử dụng đất tại dự án Làng Hoa Tiền Phong vốn là 1 trong 6 tài sản đảm bảo cho 2 lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm RHGCH2124005 (3.000 tỷ đồng) và RHGCH2124006 (2.000 tỷ đồng) được phát hành từ cuối năm 2021.

Ngày 10/5/2023 vừa qua, Nghị quyết người sở hữu 2 lô trái phiếu này đã chấp thuận cho rút bớt dự án Làng hoa Tiền Phong, tài sản đảm bảo theo đó giảm mạnh 1.962 tỷ đồng, từ 7.540 tỷ đồng về còn 5.578 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu chịu nhiều áp lực, thì việc R&H Group được rút bớt tài sản đảm bảo, với tỷ lệ tài sản đảm bảo/ dư nợ giảm mạnh từ 150% về còn 110% là diễn biến đáng chú ý, cho thấy sự tin tưởng rất lớn của các trái chủ đối với R&H Group, trong đó có TPS.

Một phần dự án Làng hoa Tiền Phong sau khi rút ra, như đã biết, được tái cấu trúc thông qua pháp nhân Mê Linh Thịnh Vượng để tiếp tục vay vốn từ TPBank.

Nên biết, cùng thời điểm với Mê Linh Thịnh Vượng (ngày 3/3/2023), nhóm R&H Group cũng đã thành lập 2 pháp nhân khác để chia nhau sở hữu gần như 100% cổ phần Prime Land, là Công ty TNHH Giverny Hà Nội và Công ty TNHH Mê Linh Star, với tỉ lệ sở hữu lần lượt 34,7% và 24,8%. Toàn bộ số cổ phần này ngay lập tức được thế chấp tại TPBank.

Bóng dáng của một thương vụ tái cấu trúc nợ nghìn tỷ thông qua Vinahud cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa nhà chủ TPBank - TPS và tập đoàn tư nhân mới nổi R&H Group, sẽ được Nhadautu.vn đề cập trong một dịp khác.

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Thông tư 06/2023, với quy định nổi bật là tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCOM.

Giải thích cho quy định siết chặt này, Ngân hàng Nhà nước cho biết việc tổ chức tín dụng cho vay đối với nhu cầu vốn này trong nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro. Đây là nhu cầu vốn khó kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay, do TCTD không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không có cơ sở để đánh giá thường xuyên đối với tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp. Đặc biệt, đây cũng là một trong những hình thức mà khách hàng có thể sử dụng để che giấu hình thức sở hữu lẫn nhau.

Theo Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM