Cách nào ngăn người dân đổ tiền vào vàng?
Thời gian qua, nhiều kênh đầu tư khác không thật sự hấp dẫn, khiến vàng trở thành kênh trú ẩn của tiền nhàn rỗi. Theo các chuyên gia, nên lập sàn vàng để người dân giảm nắm giữ vàng vật chất và huy động vàng trong dân tốt hơn.
Tại nghị trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, các giải pháp đưa ra sẽ khiến vàng không trở thành mặt hàng hấp dẫn khiến đầu cơ tăng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khi người dân nắm giữ vàng, số tiền đó trở thành “tiền chết”, nhưng nếu chuyển hóa sang VNĐ sẽ có cơ hội để kinh doanh, đầu tư.
Nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm, vàng là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến tỷ giá, lạm phát nên không thể quản lý như những hàng hóa thông thường. Nói cách khác, không thể để tự do hóa thị trường vàng mà cần có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, nếu không sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính cho biết, trong Nghị định 24 về kinh doanh vàng được đề cập chủ yếu là vàng vật chất gồm: Vàng miếng , vàng trang sức và vàng nguyên liệu. Nghị định không quy định về vàng tài khoản hay chứng chỉ vàng (nói cách khác là “vàng giấy”). “Vàng giấy” là vàng mua theo tài khoản, giao dịch thông qua sàn vàng và không phải vàng vật chất.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay chưa có sàn vàng. Vì vậy, theo ông Long, khi sửa đổi Nghị định 24 cần xem xét việc mở sàn vàng.
“Hiện nay, tại Việt Nam chưa có thị trường tập trung, chưa có nơi giao dịch tập trung vàng. Giá vàng biến động theo giá thế giới, nhưng khi giá thế giới tăng 1 thì giá vàng trong nước tăng 2 và giảm cũng tương tự. Hiện tại, giá vàng chưa rõ ràng, các cửa hàng nhỏ lẻ nhiều, điều đó cho thấy sự manh mún và thị trường chưa được minh bạch. Thị trường không minh bạch sẽ dễ dẫn đến việc làm giá, thao túng, đầu cơ… Vì vậy, tôi cho rằng, mở sàn vàng là cần thiết để tạo ra thị trường tập trung, minh bạch”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi - phân tích một trong những mục tiêu chủ đạo của Nghị định 24 là chống vàng hóa. Lý do chính là đầu tư vào vàng không tạo ra giá trị gia tăng, GDP cho nền kinh tế.
Theo ông Huy, sự phát triển của thị trường vàng một mặt sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, vì Việt Nam vẫn là nước đang phát triển và thiếu vốn đầu tư, sản xuất. Mặt khác, khi giao dịch mua, bán vàng mang tính đầu cơ đạt quy mô lớn, điều hành lãi suất, tỷ giá sẽ khó khăn hơn, khi dòng tiền luôn luân chuyển giữa các thị trường.
“Tôi cho rằng, chống vàng hóa vẫn nên được coi là quan điểm chủ đạo trong quản lý thị trường vàng. Vì vậy, chính sách của Nhà nước không nên khuyến khích thị trường vàng phát triển, cần hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo ra GDP. Ngân hàng Nhà nước vẫn nên độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng SJC nhằm hạn chế nhập khẩu tràn lan, nhà điều hành chỉ thực hiện can thiệp khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao”, ông Huy nói.
Cũng theo chuyên gia đến từ Trường Đại học Nguyễn Trãi, kinh doanh vàng phi vật chất qua tài khoản tại các sàn giao dịch vàng là hình thức kinh doanh phù hợp với xu hướng quốc tế, làm giảm nhu cầu kinh doanh vàng vật chất và tạo kênh lưu thông hiệu quả giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới. Việc thực hiện giao dịch vàng thông qua một cơ chế tập trung sẽ khiến thị trường vàng trở nên công khai, minh bạch và hiệu quả hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý của Nhà nước.