Trở lại thị trường một cách có dấu ấn vào năm 2015, CTCK Techcom Securities (TCBS) tuyên bố mô hình hoạt động không có môi giới chứng khoán. Họ tìm kiếm khách hàng thông qua kênh quảng cáo online và tư vấn đầu tư online. TCBS cũng là CTCK đầu tiên tại Việt Nam phát triển robot advisor (robot tư vấn) để tư vấn kế hoạch tài chính cho khách hàng. Robot này mô tả dòng tiền chi tiết và đưa ra các kế hoạch phân bổ đầu tư (gửi tiết kiệm, mua trái phiếu, mua chứng chỉ quỹ…) cho mỗi cá nhân dựa trên dữ liệu đầu vào về thu nhập và nhu cầu.
Một công ty chứng khoán nhỏ vừa mới thay chủ là CTCK Mekong cũng cho biết sẽ đi theo mô hình chứng khoán giá rẻ, không sử dụng môi giới và cung cấp robot trading cho khách hàng. Họ dùng chiến lược cạnh tranh bằng lãi suất cho vay ký quỹ siêu thấp.
Thực tế TCBS và MekongSc không phải là công ty mạnh trong lĩnh vực môi giới. Nhưng trong một diễn biến khác, tại hầu hết các công ty chứng khoán hiện nay, nhà đầu tư có thể đặt lệnh trực tuyến, mở tài khoản chứng khoán trực tuyến, nộp và rút tiền trực tuyến mà không cần biết môi giới nào tại CTCK đó cả.
Việc sử dụng robot thay cho môi giới tư vấn cũng càng lúc càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư mặc dù các robot hiện nay ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc ra tín hiệu mua bán, chứ chưa thể đặt lệnh trực tiếp thay cho khách hàng. Ưu điểm của nó là tuân thủ tuyệt đối kỷ luật, phát tín hiệu với xác suất chính xác lớn và đang có nhiều robot được cung cấp miễn phí.
Vài tháng trước, VNDIRECT cho ra mắt mạng xã hội stockbook dành riêng cho "dân chứng khoán". Đây là nơi bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể chia sẻ danh mục, trading, kinh nghiệm đầu tư … và cùng nhau thảo luận. Những người có danh mục tốt đã được chứng minh trên thị trường sẽ được nhiều người theo dõi, xin ý kiến tư vấn, hành động theo.
Nhưng từ trước khi mạng xã hội này ra đời, trên nền tảng của Facebook vĩ đại, rất nhiều Hội, nhóm đã được lập nên và thu hút hàng chục nghìn người tham gia như Bụi đời chợ chứng, Cổ phiếu Việt Nam… Admin của Group cũng có thể gọi là các KOLs trong giới đầu tư khi các nhận định thị trường và khuyến nghị cổ phiếu được nhiều NĐT hành động theo.
Họ có phải là môi giới của công ty chứng khoán nào đó không? Có thể có, có thể không và điều đó không quan trọng bằng việc các khuyến nghị của họ bám sát thị trường và độ chính xác cao. Đối với những người này, họ không gắn lợi ích với CTCK nào mà thậm chí quản lý những quỹ đầu tư riêng của mình, họ trở thành fund manager và huy động vốn, chia sẻ lợi nhuận với các nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ của họ. Mặc dù là một hình thức chưa được pháp luật thừa nhận, hàng trăm quỹ như vậy đã được thành lập bởi nhu cầu của thị trường.
Robot advisor, robot trading, stockbook… Đó là những dấu hiệu thay đổi đầu tiên của ngành chứng khoán Việt Nam theo xu hướng cách mạng công nghệ 4.0 trên thế giới. Đối với chứng khoán nước ta, còn xa để nói rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ấy đã ập đến dù thị trường đã có bước tiến mạnh mẽ so với thuở ghi lệnh bằng tay. Cũng còn quá xa để xảy ra cảnh các môi giới bị thay thế bởi robot, giống như đã thay thế công nhân ngành dệt may, da giày, bánh pía… nhưng một điều mà người ta có thể nhận ra là vai trò của các môi giới chứng khoán đối với khách hàng chắc chắn sẽ giảm đi.
Loài người đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp. Nói đơn giản, nếu như cuộc cách mạng lần 1, lần 2 giải phóng sức lao động của con người về chân tay và lần 3 giải phóng khỏi sự tính toán thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industrie 4.0) là cuộc cách mạng giải phóng con người về trí tuệ.
Cách mạng công nghệ 4.0 được nhắc đến với cốt lõi là trí tuệ nhân tạo (AI) - Vạn vật kết nối (Internet of Things, IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Với AI, máy tính có thể mô phỏng lại cách thức hoạt động của não người và từ đó nó có thể học tập, suy nghĩ và tư duy như con người. Do lượng dữ liệu và thông tin vô cùng lớn, máy tính không thể chia sẻ "kết quả tư duy" theo cách thức "thô sơ" như thầy giảng cho trò, nó sẽ chia sẻ trên mạng internet. Vì thế, cuộc cách mạng này gắn liền với sự chia sẻ thông tin, chia sẻ nguồn lực. Một khái niệm mới ra đời là sharing economy – nền kinh tế chia sẻ.
Một ví dụ tiêu biểu cho sharing economy trong ngành tài chính chính là bitcoin. Đồng tiền này ra đời dựa trên cơ sở mọi người dùng máy tính của mình chia sẻ thao tác xử lý của máy tính để tạo ra một đồng tiền mới.
Nhiều khái niệm như vậy nhưng nếu nói về cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành chứng khoán, theo ông Trần Nhật Nam – Phó Tổng giám đốc của TCBS, có thể nhìn theo 2 xu hướng lớn là AI (trí tuệ nhân tạo) và social invest (xã hội hóa đầu tư).
AI biểu hiện đơn giản nhất ở dạng robot đầu tư (robot trading). Máy tính vốn được phát minh ra để xử lý các dữ liệu lớn và ngày nay các chuyên gia công nghệ còn có thể "dạy" cho máy tính học một số phương pháp đầu tư chứng khoản vì về bản chất các phương pháp đều được tạo thành từ những công thức toán học và quy tắc logic. Các robot được tạo ra có khả năng lọc dữ liệu và tín hiệu giao dịch của hàng nghìn mã chứng khoán để chỉ ra cho nhà đầu tư biết cần mua bán cổ phiếu nào, vào thời điểm nào, với xác suất thành công bao nhiêu và cũng có thể tự giao dịch thay cho khách hàng.
Một biểu hiện khác của AI là robot tư vấn (advisor) khi người ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay thế vai trò của những người tư vấn tài chính truyền thống. AI có thể lên kế hoạch phân bổ tài sản vào các sản phẩm đầu tư phù hợp cho khách hàng dựa trên kỳ vọng và mức độ chấp nhận rủi ro của họ. Khi đó, máy tính đã thay thế wealth advisor - nghề tư vấn cá nhân truyền thống.
Ở Việt Nam, loại hình nổi nhất hiện nay là robot đầu tư, được tạo nên bởi những người am hiểu về chứng khoán và lập trình. Còn robot advisor được sử dụng đầu tiên tại TCBS. Như đã nói đến ở trên, những robot này đang chứng tỏ khả năng tư vấn đầu tư cho khách hàng không kém gì các môi giới kinh nghiệm.
Xu hướng thứ 2 của Cách mạng công nghệ 4.0 trong chứng khoán là xã hội hóa đầu tư (Social invest hay social trading). Nền tảng giống như một mạng xã hội mà ở đó, người dùng công khai chia sẻ danh mục đầu tư cũng như các lần đặt lệnh mua/bán cổ phiếu. Những người đã chứng minh được hiệu quả đầu tư của mình trở thành leader được nhiều người "theo dõi" (follower) và copy danh mục/các lần đặt lệnh. Leader được hưởng phí giao dịch từ những người follow đó.
Trên thế giới đã có những công ty tạo ra ứng dụng cho nhà đầu tư với 2 mô hình social invest phổ biến.
Điều đặc biệt của các mô hình social invest là các thông tin đều minh bạch và được xác nhận là các giao dịch thực sự bởi chúng được thực hiện trên các ứng dụng Covestor, Motif, eToro, ZuluTrade… nói trên. Các mô hình này đã làm thay đổi cách thức hoạt động của môi giới truyền thống. Họ không cần tìm kiếm khách hàng và gọi điện chăm sóc từng khách hàng nữa mà lên mạng xã hội tự giao dịch, tự chia sẻ thông tin với những người dùng khác. Chứng minh được năng lực, họ tự khắc có khách hàng và thu nhập.
Ông Trần Nhật Nam nhấn mạnh, cách mạng công nghệ 4.0 không chỉ đơn thuần là máy tính, công nghệ mà là sự kết hợp giữa AI và Sharing economy, tức giữa tư duy và sự chấp nhận chia sẻ thông tin của con người với nhau.
Stockbook của VNDIRECT là một dạng social invest nhưng chỉ ở bước sơ khai khi nó mới chỉ giống như diễn đàn F319 hay các hội nhóm trên Facebook của giới đầu tư - nơi mà các nhà đầu tư, môi giới chứng khoán lên "phím hàng", nhận định nhưng danh mục đầu tư hay việc giao dịch của họ không được chứng minh có thực hay không.
Nói tóm lại, theo sự vận động không thể cưỡng lại của sự phát triển công nghệ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tiếp thu và bước đầu xuất hiện những hình thái tiên tiến ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, bà Hồ Huyền – Trưởng phòng tư vấn của VNDIRECT nhận xét, TTCK Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ chứ chưa thể hiện được tính chất cách mạng công nghiệp 4.0 đúng nghĩa khi mà các điều kiện về pháp lý, hệ thống giao dịch vẫn còn đi sau thế giới vài chục năm.
Từ phía góc nhìn của nhà đầu tư, phải thừa nhận rằng robot hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc mà thực hiện đầu tư cực kỳ kỷ luật theo thuật toán viết sẵn. Nó cũng không tạo ra xung đột lợi ích như môi giới truyền thống và khách hàng. Robot có thể thay thế phần lớn công việc của các môi giới truyền thống và nhà đầu tư tất nhiên sẽ hưởng ứng tích cực.
Nếu social invest phát triển mạnh mẽ hơn ở Việt Nam, nghề môi giới sẽ chứng kiến sự thay đổi sâu sắc. Không cần chứng chỉ hành nghề, không chịu sự quản lý của công ty chứng khoán cụ thể nào cả, bất cứ ai có đủ trình độ và kinh nghiệm cũng trở thành chuyên gia tư vấn đầu tư, họ không nhất thiết phải mang một chức danh là "môi giới chứng khoán". Còn giữa các môi giới, những người giỏi sẽ trở thành leader trên mạng xã hội, thu hút nhiều người follow, những người kém hơn sẽ rời cuộc chơi. Hay nói cách khác, sự đào thải sẽ diễn ra.
"Gần 5 ngàn nhân viên môi giới của gần 100 công ty chứng khoán với tổng quy mô gần 200 triệu USD doanh thu năm 2017 sẽ phải thay đổi để chuyển sang brokerage consultant/ personal finance consultants đúng nghĩa thay vì "bơm vá" và đơn thuần giúp đặt lệnh cho khách hàng" – ông Nguyễn Thuân, Tổng giám đốc của Stoxplus nêu ý kiến.
Tuy nhiên, bà Hồ Huyền cho rằng, khi nhắc đến phân tích đầu tư người ta nói đến FA (phân tích cơ bản) rồi TA (phân tích kỹ thuật), nhưng MA (metal Analysis – phân tích tâm lý) mới là đỉnh cao và cũng là vẻ đẹp của chứng khoán. Có sự xuất hiện của AI, việc đầu tư sẽ trở nên tẻ nhạt, vì vậy nên áp dụng cả hai: công nghệ hỗ trợ và tương tác con người – con người.
Theo ông Trần Nhật Nam, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đến với ngành chứng khoán Việt Nam thì các môi giới có thể bị thay thế nhưng họ có thể kết hợp cùng máy móc để tạo ra nhiều giá trị hơn. Họ cũng có thể hoạt động ở chế độ lai: vừa là môi giới vừa là một nhà đầu tư khi thích hợp. Nói tóm lại, nó thay đổi cách thức làm việc của môi giới và khiến họ hoạt động độc lập hơn.
Mặt khác, cách mạng công nghiệp 4.0 rõ ràng sẽ giúp cho các môi giới hoạt động tốt hơn trong nghề của mình. Với hàng trăm nghìn người follow trên mạng xã hội, môi giới sẽ được hưởng phí giao dịch từ những người đó. Chỉ cần tập trung vào việc đầu tư hiệu quả, còn lại mọi thứ máy móc sẽ quản lý.
Trí Thức Trẻ