Cách làm sầu riêng không giống ai của ông chủ vựa sầu riêng chín tự nhiên đắt nhất nhì Việt Nam
Mặc dù sầu riêng "lao dốc" về giá nhưng sầu riêng chín tự nhiên của Hà Duy Trung vẫn ở mức 225.000 – 252.000 đồng/kg và đắt khách nhờ cách làm riêng của ông chủ được mệnh danh "thánh sầu".
Từ Singapore trở về Việt Nam, từng buông bỏ dự án đưa cua Cà Mau xuất khẩu, ở tuổi ngoài 40, anh Hà Duy Trung chuyển sang làm sầu riêng .
Sau 5 năm, công ty của Hà Duy Trung đang trực tiếp đầu tư 6ha nông trại sầu riêng và hợp tác cùng 250 chủ vườn sầu tại các vùng chuyên canh sầu riêng nổi tiếng Việt Nam như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng, đưa thương hiệu sầu riêng 9 Phẻ thành cái tên nổi tiếng bậc nhất miền Nam và tấn công ra thị trường Hà Nội.
Giữa tháng 6, trong cơn biến động giá sầu riêng vì hạn mặn và đại dịch Covid-19, sầu riêng tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị giảm kỷ lục xuống còn 70.000 đồng/kg đối với Ri6, nhưng trên kệ hàng, sầu riêng 9 Phẻ vẫn cố định mức giá từ 225.000 – 252.000 đồng/kg và đắt khách.
Đi ngược dòng với việc chỉ bán sầu riêng chín tự nhiên với giá cao gấp 2 -3 lần giá thị trường, Hà Duy Trung đã có những trải lòng về nghịch lý trong nghề trồng sầu và trăn trở để đưa trái cây ngon đến tay người tiêu dùng nội địa.
"Chiêu" độc đáo cải thiện doanh số sau dịch Covid-19
Anh Hà Duy Trung (áo nâu) cùng mẫu nam sầu riêng '6 múi' và khách hàng trong cuộc thi ăn sầu riêng "Thánh Sầu 2020".
Dịch Covid-19 khiến nhiều nông sản gặp khó khăn về đường tiêu thụ, việc kinh doanh của sầu riêng 9 Phẻ thì sao thưa anh?
Năm nay hạn mặn khiến chúng tôi gặp 1 số khó khăn, sản lượng thu hoạch trái chín tự nhiên chất lượng ngon giảm còn 30%, cộng với sau dịch Covid-19, người tiêu dùng thắt chặt hơn chi tiêu khiến doanh số của 9 Phẻ giảm còn 35%. Một vài dự định của công ty cũng phải tạm lùi lại sang năm 2021 mới triển khai.
Các anh đã có cách gì cải thiện tình hình chưa?
Gần đây, 9 Phẻ có tổ chức cuộc thi "Thánh sầu" khá vui vẻ để kích cầu. Ở đó có các bạn nam nhân viên được body painting hình trái sầu riêng "6 múi" tạo hiệu ứng truyền thông bán hàng khá tốt, giúp tăng 150% doanh số trong và vài ngày sau sự kiện.
Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung duy trì các cửa hàng, giữ nhịp để phục vụ khách, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nhân sự và quy trình quản lý, canh tác.
Ví dụ ở mảng bán hàng, phải làm sao để mỗi nhân viên của 9 Phẻ thật sự am hiểu về sầu riêng chín tự nhiên, để biết thời điểm sầu chín ngon, giải thích được cho khách từng thời điểm trái sẽ có những chi tiết nhỏ khác biệt về hương vị, làm sao đảm bảo uy tín "bao ngon" của thương hiệu.
Còn về dài hạn thì từ khi xác định làm thương hiệu sầu riêng chín tự nhiên, chúng tôi biết rất nhiều trở ngại phải vượt qua. Quan trọng nhất để giữ chân khách hàng vẫn là chất lượng của sầu riêng chín tự nhiên phải ngon.
Các nam nhân viên "6 múi" vẽ hình trái sầu riêng lên người trong cuộc thi "Thánh sầu" gây chú ý của 9 Phẻ.
Sầu riêng chín tự nhiên có giá từ 225.000 – 252.000 đồng/kg.
Tức là còn phải quay ngược lại từ khâu chăm sóc và thu hoạch tại vườn?
Đúng rồi. Sầu riêng 9 Phẻ đắt hơn thông thường vì chúng tôi cam kết trái ngon, không cắt sớm và cũng không nhúng thuốc, quy trình trồng và thu hoạch và kiểm soát chất lượng khắt khe hơn.
Đơn cử, mỗi trái sầu riêng mà chúng tôi canh tác đều có mã số riêng để theo dõi phản hồi của khách hàng về chất lượng. Nếu quả đó khi bổ cho khách có vấn đề thì nhân viên ở vườn sẽ phải "rút kinh nghiệm". Hay khi thu hoạch phải xem cây mẹ có khỏe không. Nếu lá cây xác xơ, cây thiếu sức sống thì rõ ràng quả sẽ không đảm bảo và phải cắt bỏ.
Ngược dòng với trái sầu riêng Việt Nam
Sầu riêng tự nhiên bán được giá lại ngon, tại sao người ta ngại làm sầu riêng chín tự nhiên?
Tiêu thụ sầu riêng ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thương lái thu mua số lượng lớn nhưng lại chỉ chọn trái non 7 – 7,5 tuổi (độ chín của sầu riêng) để còn công đoạn xử lý chất bảo quản, vận chuyển quãng đường dài xuất tiểu ngạch đường bộ và phân phối tiêu thụ qua nhiều cấp đại lý.
Giá sầu riêng non được lái thương thu mua lại cao hơn so với trái để già (sầu riêng già chỉ còn 60-70% so với giá trái non), vậy nên rất ít nhà vườn chờ được đến lúc sầu riêng đủ 9-10 tuổi mới cắt bán.
Trái chín tự nhiên thì đâu theo ý mình, cũng không thể thu hoạch số lượng lớn cùng một lúc, chưa kể, để chín tự nhiên, cây phải tốn sức nuôi thêm trái, đến vụ mới người nông dân lại phải mất thêm 20% chi phí mua phân bón cho cây lấy lại sức nên không ai hào hứng.
Anh Hà Duy Trung cùng đối tác kiểm tra chất lượng trái sầu riêng tại vườn.
Tôi sang Malaysia tìm hiểu giống sầu riêng Musaking, thấy họ cũng để chín tự nhiên rồi bán. Vì sao họ làm được thương hiệu sầu riêng ngon nhất thế giới mà mình không làm được trong khi chúng ta có nhiều loại hoa quả ngon không kém.
Có thể là do phụ thuộc vào văn hóa sản xuất và tiêu dùng. Ở nước họ, ai làm sầu riêng kém chất lượng là bị phê bình. Nhưng đáng buồn ở là ta, còn có những nhà vườn chạy theo lợi nhuận, dùng thuốc kích thích để trái giữ nước, nặng hơn để bán được giá. Đáng lý là hành vi đó phải bị tẩy chay thì họ lại được cộng đồng của họ chúc mừng, học theo để nhanh làm giàu.
Nói vậy để thấy, cuối cùng thì nếu văn hóa sản xuất, văn hóa tiêu dùng thay đổi tích cực, cả xã hội cùng làm sầu riêng chất lượng thì cái xấu chắc chắn sẽ bị đẩy ra và bị loại trừ. Vẫn là phải cùng nhau đồng hành làm sầu riêng chất lượng thì mới có thể đẩy được lên tầm thương hiệu.
Nếu vậy thì đi "ngược dòng" như anh có thấy khi nào cô đơn và quá khó khăn không?
Có đôi khi cũng thấy cô đơn và khó khăn, nhưng đó là thời kỳ đầu thôi. Tôi tin rằng cốt rễ kinh doanh thật vẫn còn ở rất nhiều người Việt. Nhiều nhà vườn vẫn chọn đồng hành cùng chúng tôi và 9 Phẻ cũng giúp họ chống đỡ lại những quan niệm, văn hóa sản xuất sai lệch còn tồn tại trong cộng đồng để cùng phát triển.
Cảm ơn anh về những chia sẻ!