Cách giới tài phiệt tiêu tiền trong The Glory: 6 tuổi đã nói về cổ phiếu, túi Hermes chỉ như giỏ hoa quả và 1 thứ tiền không được phép tiếc!
Quan điểm tài chính độc đáo của giới siêu giàu thông qua bộ phim The Glory.
The Glory (Vinh Quang Trong Hận Thù) là bộ phim đang làm mưa làm gió thời gian gần đây. Với sự xuất sắc của các diễn viên, bàn tay tài tình của biên kịch và đạo diễn cũng như nội dung hấp dẫn, bộ phim đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem. Đặc biệt , loạt câu thoại của giới tài phiệt trong phim đã gây ấn tượng mạnh với người xem khi ẩn chứa những bài học về cách dùng tiền đặc biệt của giới siêu giàu.
1. Không tiếc tiền thuê luật sư giỏi
“Hãy thuê luật sư giỏi. Trên đời này cái gì cũng có thể tiết kiệm, trừ phí luật sư”, Ha Do Young nói với Park Yeon Jin khi hoàn tất thủ tục ly hôn.
Trên thực tế, những người siêu giàu thường có một đội ngũ luật sư khá hùng hậu. Họ thường phụ trách nhiều đầu mục công việc hơn những gì mọi người thường nghĩ, giải đáp thắc mắc của bạn trên khía cạnh pháp luật liên quan đến tài sản cá nhân, công việc kinh doanh, cũng như giải quyết các thủ tục pháp lý.
Người giàu không ngần ngại chi nhiều tiền để thuê những luật sư giỏi vì điều đó giúp họ tiết kiệm thời gian và có thể đưa về rất nhiều lợi ích. Bạn đã bao giờ gặp một vấn đề mà bản thân đã xem xét hàng giờ đồng hồ mà không thể hiểu được gì, sau đó bạn hỏi người khác và trong vòng vài phút, họ đã đưa ra cho bạn một giải pháp tuyệt vời? Luật sư chính là những người như vậy.
Bên cạnh đó, giới siêu giàu thường xuyên đối mặt với những rắc rối như tranh chấp tài sản, vấn đề kinh doanh. Một luật sư giỏi giúp bạn thắng kiện cũng như kéo lại các ưu thế về cho mình sẽ đưa lại khoản lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với chi phí thuê luật sư đưa ra.
Taylor Swift cũng đã có phát ngôn tương tự được hỏi có lời khuyên nào cho những người muốn trở thành ca sĩ không. Cô nàng đã không ngần ngại trả lời rằng: "Nhớ thuê luật sư giỏi". Luật sư của Taylor Swift đã giúp cô giải quyết rất nhiều vụ kiện tụng và phần lớn đều đem lại chiến thắng.
2. Biết cổ phiếu từ nhỏ
“Ye Sol thích gì? Máy chơi trò điện tử à? Búp bê?
Cháu thích cổ phiếu ạ. Samsung Electronic hoặc Kakao”.
Phần lớn những đứa trẻ bằng tuổi với nhân vật Ye Sol (6 tuổi) chỉ thích mua đồ chơi hoặc đồ ăn vặt, và thậm chí không có từ cổ phiếu trong đầu. Tuy nhiên, Ye Sol - cô bé đã lớn lên trong một gia đình giàu có với bố là Giám đốc điều hành của một công ty xây dựng đã trả lời thích cổ phiếu của những công ty hàng đầu ở Hàn Quốc.
Trong phim, cô bé đã lý giải rằng mẹ dặn phải trả lời như vậy. Nhưng nhìn ra thực tế, đây là tư duy tài chính độc đáo của những đứa trẻ sinh ra từ vạch đích. Họ thường được bố mẹ chỉ dạy về tài chính ngay khi còn bé, từ đó xây dựng tư duy đúng đắn về tiền bạc. Thay vì tập trung vào tiết kiệm tiền, chi tiêu có kiểm soát hay giúp con nhận mặt từng tờ tiền, họ đã nói cho con về những khái niệm tài chính phức tạp hơn.
Điều này cũng đã khiến cho các gia đình tài phiệt giữ vững sự giàu có xuyên suốt các thế hệ, giúp khối tài sản ngày càng phát triển. Những đứa trẻ này có tư duy kiếm tiền, “tiền đẻ ra tiền” ngay từ khi còn nhỏ. Họ thường rất nhạy cảm trước tình hình kinh tế qua từng thời kỳ, tránh được những rủi ro hay thậm chí nhạy bén nắm bắt cơ hội kiếm tiền ngay cả trong khủng hoảng.
3. Đặt công việc kinh doanh lên hàng đầu
“Anh muốn chia tay à?
Chưa, vì anh đang bảo vệ cổ phiếu vào nửa cuối năm”, Ha Do Young trả lời Park Yeon Jin
Trong bộ phim The Glory, khi được hỏi liệu có muốn ly hôn ngay bây giờ không, nhân vật Ha Do Young đã muốn là bảo vệ giá cổ phiếu của công ty. Thị trường chứng khoán thường bị tác động rất nhiều bởi tin tức, đặc biệt những tin như ly hôn của giám đốc có thể khiến giá cổ phiếu bị giảm sút nhanh chóng. Đó cũng là lý do tại sao nhiều tài phiệt dù đã ly hôn cũng sẽ giấu kín hay phải chuẩn bị rất kỹ càng trước khi đưa ra thông báo chính thức.
Mặt khác, dù nhân vật Ha Do Young đã không còn muốn tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân này, anh vẫn rất tỉnh táo để bảo vệ công việc kinh doanh của mình. Đây là một trong những tố chất cần có của người lãnh đạo, người thuộc giới siêu giàu. Họ luôn đặt lợi nhuận của mình lên hàng đầu, có sự kiên nhẫn cũng như chuẩn bị kỹ càng. Ha Do Young đã chọn giải quyết những vấn đề khác trước và ly hôn là câu chuyện cuối cùng.
4. Đồ dùng đắt tiền cũng chỉ để phục vụ con người
“Trên đời này, màu sắc không quan trọng bằng việc nó có giá bao nhiêu”.
“Sao lại mua cái túi mà phải nâng niu thế”.
Đây là câu thoại của Park Yeon Jin về những chiếc túi hiệu đắt tiền. Đối với cô, người đang là vợ của giám đốc 1 công ty xây dựng, có cuộc sống giàu có, những chiếc túi hiệu chỉ là để phục vụ bản thân chứ không phải nâng niu. Không chỉ Yeon Jin, chồng cô - Ha Do Young cũng đã so sánh chiếc túi Hermes chỉ như “giỏ hoa quả" - quà gặp mặt khi nói chuyện với bạn của vợ mình.
Đây có thể được coi là quan điểm hoàn toàn khác so với phần lớn những người mua túi hiệu ngoài kia, họ thường trưng bày nó ở góc đẹp nhất trong nhà và giữ gìn rất cẩn thận.
Bên cạnh đó, giá trị của một vật không phải ở vẻ ngoài, mà chính là ở giá tiền của nó. Những người giàu thường quan tâm đến giá trị thật so với sự hào nhoáng. Họ cũng là những người chi tiền để mua sự thoải mái cho bản thân chứ không phải đi làm “con sen” cho từng món đồ bản thân mua. Họ không ngại chi mạnh tay và cũng không tiếc khi đồ vật hỏng hóc, tuy nhiên điều này không có nghĩa là người giàu chi tiêu hoang phí. Những người siêu giàu đơn giản chỉ là có ngân sách lớn hơn để chi tiêu thoải mái hơn những người khác, giá trị họ hướng đến cũng khác biệt.