Các nước rủ nhau áp 'luật ngầm', Facebook, Google 'méo mặt’

24/02/2022 13:40 PM | Kinh doanh

Google và Facebook sẽ phải tham gia đàm phán với các nhà xuất bản để đạt thỏa thuận cấp phép tin bài.

Google và Facebook
Google và Facebook

Anh vừa tuyên bố có thể ban hành dự luật buộc các công ty công nghệ như Meta và Google phải trả tiền cho các hãng truyền thông để chia sẻ tin tức.

Tờ Sunday Times trích lời Bộ trưởng Văn hóa Anh Nadine Dorries cho biết nước này đang xem xét triển khai một hệ thống tương tự như Australia hồi năm ngoái có tên "Australia plus plus" và "Australia with the bolt", nhằm buộc Google và Facebook phải tham gia đàm phán với các nhà xuất bản để đạt thỏa thuận cấp phép tin bài xuất hiện trên trang tìm kiếm Google và nguồn cấp dữ liệu của Facebook. Nếu đàm phán không thành công, một cơ quan quản lý mới sẽ được thành lập để thay mặt 2 bên đưa ra thoả thuận cuối cùng.

Công cuộc chấn chỉnh này đối với các Big Tech được cho là có thể giúp các tổ chức truyền thông tại Anh tồn tại trong kỷ nguyên mà hầu hết người dùng đã quen với việc tiếp cận tin tức trực tuyến miễn phí.

"Tôi đã thấy sức mạnh của Big Tech. Tôi biết họ đang làm gì cho nền dân chủ và báo chí Anh", bà chia sẻ với Sunday Times.

Đa số đều cho rằng châu Âu cũng sẽ học theo Anh và áp đặt quy tắc lên Facebook sau khi gã khổng lồ này doạ dừng cung cấp một số dịch vụ quan trọng do các vướng mắc về quy định bảo vệ dữ liệu khiến cơ hội kinh doanh của tập đoàn này bị thu hẹp.

Các nước rủ nhau áp luật ngầm, Facebook, Google méo mặt trước các khoản phí từ trên trời rơi xuống  - Ảnh 1.

Các công ty như Facebook và Google từ lâu đã bị giới xuất bản chỉ trích vì "ngang nhiên" sử dụng nội dung miễn phí của họ sau đó kiếm lời. Trong khi đó, phía Facebook lại cho rằng những nhà phát triển nội dung này đã "tự nguyện chọn đăng tin tức lên Facebook" bởi mạng xã hội giúp tăng một lượng lớn độc giả.

Cuối cùng, bất chấp sự phản kháng của các Big Tech, luật tin tức kỹ thuật số năm 2021 vẫn được Australia ban hành, cho phép chính phủ chỉ định các nền tảng kỹ thuật số phải trả tiền để chia sẻ tin tức từ các nhà xuất bản.

"Facebook và Google đã phổ cập tin tức bằng thuật toán để mang lại lợi nhuận cho nền tảng của mình", ông trùm truyền thông Rupert Murdoch cho biết.

Google và Facebook cho rằng điều này "không thể thực hiện được", song cuối cùng cũng phải thỏa hiệp bằng cách đàm phán những thỏa thuận hàng triệu USD với các công ty báo chí lớn như ABC hay News Corp.

Các nước rủ nhau áp luật ngầm, Facebook, Google méo mặt trước các khoản phí từ trên trời rơi xuống  - Ảnh 2.

Năm ngoái, Facebook đã đạt được thỏa thuận với liên minh các nhà sản xuất tin tức của Pháp sau khi nước này thông qua luật bản quyền năm 2019 của Liên minh Châu Âu.

Tây Ban Nha cũng có động thái tương tự, buộc Google và các công ty truyền thông xã hội khác phải trả phí cho tổ chức tin tức Tây Ban Nha khi chia sẻ lại nội dung tin tức trên nền tảng.

Tại Mỹ, Liên minh Truyền thông Tin tức, đại diện của hơn 2.000 tổ chức báo chí trên đất nước đã kêu gọi các nhà lập pháp thông qua Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí (JCPA). Quy định này buộc Google, Facebook chia sẻ doanh thu với các nhà sản xuất tin tức.

Tuy nhiên, theo ông Rasmus Nielsen, Giám đốc Viện Reuters tại Đại học Oxford, việc các nước học theo Australia và áp đặt những quy tắc khắt khe lên Facebook chưa hẳn đã là tốt.

"Thay vì cố gắng dùng các dự luật để giúp báo chí hoạt động bền vững, các nhà lập pháp có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, trợ cấp chính phủ hay đầu tư có mục tiêu…", ông Nielsen nói.

Theo: Euronews

Huệ Anh

Từ khóa:  Facebook , meta
Cùng chuyên mục
XEM