Các nhà tâm lý học chia sẻ những mẹo hàng đầu về cách đạt được mục tiêu nghề nghiệp vào năm 2022
Những ngày đầu năm mới thường là thời điểm để suy ngẫm và lập kế hoạch cho cả một năm phía trước.
Đối với nhiều người, đó là lúc để đặt ra các mục tiêu nghề nghiệp để đạt được đến giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp.
Khi bước vào năm thứ ba của công việc bị thay đổi nhiều do đại dịch, nhiều người lao động sẽ xem xét cách họ có thể phát huy tối đa trong công việc của mình hoặc cũng có thể là thay đổi hoàn toàn mọi thứ.
Anthony Klotz, giáo sư tại Đại học Texas A&M, người đã đặt ra cụm từ "The Great Resignation" ("Bỏ việc lớn", một xu hướng kinh tế trong đó nhân viên tự nguyện từ chức hàng loạt, bắt đầu từ đầu năm 2021, chủ yếu ở Hoa Kỳ), nói với CNBC Make It: "Đó là một thời điểm thú vị và có rất nhiều cơ hội tuyệt vời cho những cá nhân muốn theo đuổi các mục tiêu nghề nghiệp mới trong năm mới."
Tuy nhiên, xác định mục tiêu và kiên trì thực hiện, thường thì nói dễ hơn làm. CNBC Make It đã nói chuyện với các nhà tâm lý học chuyên về hành vi tại nơi làm việc để tìm ra những mẹo hàng đầu giúp bạn hiểu được mục tiêu của mình và đi đúng hướng trong năm 2022.
1. Xác định mục tiêu
Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng bước đầu tiên để đạt được các mục tiêu nghề nghiệp của bạn là tìm ra xem chúng thực sự là gì.
"Đối với nhiều người, chúng không thực sự là mục tiêu, chúng chỉ là những suy nghĩ mơ hồ về định hướng nghề nghiệp", Dan Ariely, giáo sư tâm lý học và kinh tế học hành vi tại Đại học Duke cho biết.
Ariely, tác giả cuốn sách "Nudge: Improving Decisions About Health, Wealth and Happiness" cho biết các mục tiêu phải "chắc chắn và cụ thể" vì điều này giúp chúng dễ dàng được nhận ra và kiểm soát hơn.
Đó có thể là các mục tiêu hữu hình thật cụ thể như tham gia một dự án mới, tăng lương hoặc tìm một người cố vấn.
Ariely cho biết: "Khi bạn đã xác định các mục tiêu cụ thể, bạn mới có thể tìm ra các bước để đạt được mục tiêu đó."
2. Làm cho chúng "có thể quản lý được"
Khi bạn đã xác định rõ các mục tiêu của mình, bước tiếp theo là đảm bảo rằng chúng có thể đạt được trong một khung thời gian rõ ràng - chẳng hạn như một năm.
Melissa Doman, một nhà tâm lý học tổ chức cho biết: "Mấu chốt là đảm bảo các mục tiêu mà bạn đặt ra là những mục tiêu có thể đạt được, chúng thực tế và chúng là những gì bạn thực sự muốn (chứ không phải thứ mà mọi người nói với bạn rằng bạn muốn), và bạn cho phép sai sót xảy ra".
Mọi người thường có xu hướng đặt ra những mục tiêu lớn mà sẽ có thể mất nhiều giai đoạn sự nghiệp mới có thể đạt được. Thay vào đó, Doman khuyên rằng chúng ta nên đặt ra các mục tiêu hợp lý hơn để có thể đạt được chúng trong vòng một năm.
Doman cho biết: "Mục tiêu nhỏ là chìa khóa quan trọng nhất".
3. Tìm ra một chiến lược
Tiếp theo, hãy vạch ra các bước cần thiết để đạt được những mục tiêu đó, cho dù chúng liên quan đến công ty hiện tại của bạn hay là một nơi khác.
Nhà tâm lý học tổ chức Klotz cho biết, với việc nhiều công ty đang cố gắng thu hút nhân viên của họ tốt hơn trong bối cảnh "Great Resignation", người quản lý của bạn có thể sẵn sàng giúp bạn làm việc theo mục tiêu của mình. Trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng luôn muốn "thưởng" cho những nhân viên trung thành của mình.
Còn nếu mục tiêu nghề nghiệp khiến bạn phải rời xa công ty hiện tại, hãy thử nói chuyện với những người khác trong lĩnh vực bạn đã chọn để giúp bạn tìm ra các bước cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.
4. Có trách nhiệm
Cuối cùng, để luôn hoàn thành các mục tiêu trong cả năm, hãy tìm cách để khiến bản thân trở nên có trách nhiệm hơn.
Tìm một đối tác hoặc mạng lưới có trách nhiệm để bắt tay hoặc tham gia vào, hoặc cũng có thể chỉ đơn giản là là tạo ra những lời nhắc nhở trực quan để ghi nhớ mục tiêu của mình, Doman nói.
Doman khuyên bạn nên "check-in" lịch đã lên thường xuyên để theo dõi và khen thưởng sự tiến bộ của bản thân, có thể là hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng quý, tùy thuộc vào nhịp phù hợp nhất với bạn.
Doman nói: "Trách nhiệm cá nhân có thể khiến bạn cảm thấy áp lực, nhưng đó là một cách quan trọng để luôn đi đúng hướng, bạn cần có một cán cân trong việc nhận biết khi nào thì nên mềm lòng với bản thân và khi nào thì không."
5. Biết khi nào nên nói không
Theo Vanessa Bohns, nhà tâm lý học xã hội và giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Cornell, ngoài việc xác định mục tiêu của mình, bạn cũng cần biết khi nào nên nói lời từ chối.
Một điều khiến nhiều người "chệch hướng" khỏi mục tiêu của mình đó là họ không biết từ chối có chọn lọc các yêu cầu bên ngoài. Nếu những yêu cầu như vậy là "ngoại vi" đối với mục tiêu chính của bạn, chúng có thể khiến bạn phân tâm, đi chệch ra khỏi quỹ đạo của mình, Bohns, tác giả của cuốn "You Have More Influence Than You Think" chia sẻ.
"Hãy lưu tâm hơn về những điều bạn đồng ý. Mỗi khi bạn đồng ý với điều gì đó, bạn sẽ phải dành thời gian cho việc khác, vì vậy bạn cần cân nhắc quyết định của mình một cách cẩn thận", Bohns nói.
Điều đó không có nghĩa là nói không với tất cả các yêu cầu bên ngoài, nó không khả thi và cũng không được khuyến khích, vị giáo sư nói. Thay vào đó, bạn nên suy nghĩ cẩn thận về việc liệu những yêu cầu như vậy có phù hợp với mục tiêu của bạn không và dành thời gian để suy nghĩ về phản hồi cuối cùng của mình: "Hãy dành cho mình thời gian và không gian để suy nghĩ xem đây có thực sự là điều bạn muốn đồng ý hay không hay nó có thể làm mất quá nhiều thời gian trong công việc và cuộc sống của mình".