Các nhà khoa học đình đám thế giới nhận xét gì về sinh viên Việt Nam?

19/12/2022 06:55 AM | Sống

Nhiều nhà khoa học kiệt xuất thế giới đã đến tham dự chuỗi sự kiện thuộc Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2022 và có hàng loạt lời khuyên bổ ích dành cho sinh viên cũng như những bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Trở lại sau mùa đầu tiên gây tiếng vang khắp thế giới, VinFuture mùa 2 tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ uy tín và hoành tráng nhất hành tinh. Hướng tới Lễ trao giải chính thức diễn ra tối 20/12 tại Nhà hát lớn Hà Nội sắp tới, hàng loạt chương trình và sự kiện thú vị khác cũng đã được tổ chức.

Tham gia các chương trình này, tất cả đã có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện từ những nhà khoa học kiệt xuất hàng đầu thế giới. Đó không chỉ là những chia sẻ mang tính học thuật mà có đôi khi chỉ là những lời nhận xét đầy khách quan, những lời khuyên bổ ích gửi đến sinh viên cũng như các bạn trẻ Việt đam mê khoa học.

"Sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ và thông minh"

Đầu tiên phải kể đến Tiến sĩ (TS.) Xuedong David Huang. TS. Xuedong David Huang là nhà nghiên cứu về nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ và dịch máy hàng đầu trên thế giới. Ông đồng nắm giữ hơn 170 bằng sáng chế, xuất bản hơn 100 bài báo và 2 cuốn sách. Ông cũng là Thành viên Kỹ thuật và Giám đốc Công nghệ của Microsoft, giám sát việc nghiên cứu và kỹ thuật trí tuệ nhân tạo của Microsoft Azure.

Khi được hỏi với kinh nghiệm làm việc nhiều năm, ông nghĩ sao về sinh viên Việt Nam, TS. Huang đã lập tức thốt nên lời khen: "Người Việt Nam thực sự quá tuyệt vời! Tôi rất thích làm việc với sinh viên Việt Nam bởi các bạn đều rất rất rất chăm chỉ, thông minh và say mê. Nền kinh tế Việt Nam cũng thuộc top những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nữa".

Các nhà khoa học đình đám thế giới nhận xét gì về sinh viên Việt Nam? - Ảnh 1.

TS. Xuedong David Huang có ấn tượng rất tốt về sinh viên Việt Nam

Cùng quan điểm với TS. Huang là Giáo sư (GS.) Nguyễn Thục Quyên - Giáo sư Khoa Hóa & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) và là Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture. GS. Nguyễn Thục Quyên cho rằng sinh viên hiện tại thay đổi rất nhiều so với 20-30 năm về trước.

"Tôi rất hãnh diện vì điều này. Tôi mong các em cố gắng nhiều hơn để đóng góp cho nền khoa học quốc tế, đừng ngần ngại gì cả", GS. nói thêm.

GS. Vũ Hà Văn - Giáo sư vị trí Percey F. Smith về Toán học và Giáo sư Khoa học Dữ liệu tại Đại học Yale (Hoa Kỳ) đánh giá vì các yếu tố địa lý, lịch sử mà Việt Nam và rất nhiều nước có nền khoa học công nghệ chưa phát triển khác đã hoàn toàn đứng ngoài các cuộc cách mạng khoa học công nghệ trước đây. Thế nhưng, mọi chuyện giờ đây đã khác, một phần lớn nguyên nhân xuất phát từ chính những người trẻ Việt Nam đam mê khoa học.

"Vừa rồi, tôi phụ trách một lab với khoảng 100 người, phần lớn họ tốt nghiệp đại học trong nước thôi. Sau một năm tập trung, chúng tôi đã cho ra sản phẩm mà chất lượng của nó chẳng kém cạnh gì thế giới. Điều đó cho thấy người Việt hoàn toàn có khả năng bước vào cuộc cách mạng công nghệ mới, vấn đề giờ chỉ là sự đầu tư", GS. Văn chia sẻ.

"Không có quy định nào nói bạn phải thành công một mình"

Bên cạnh việc nhận xét, các vị Giáo sư, Tiến sĩ top đầu thế giới này cũng không quên nhắn nhủ lời khuyên đến các bạn trẻ. Theo GS. Nguyễn Thục Quyên, không có quy định nào nói bạn buộc phải thành công một mình nên hãy tham vấn cộng đồng và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. Quan trọng hơn cả là bạn phải dám mơ lớn và nắm bắt cơ hội.

Bà nói: "Muốn có cơ hội được hợp tác với quốc tế, các bạn hãy mạnh dạn liên lạc với các nhà khoa học để tìm đến sự giúp đỡ. Trong nghiên cứu khoa học sẽ có những lúc thất bại nhưng chúng ta sẽ học hỏi thất bại đó để cố gắng nhiều hơn. Cứ làm tốt thì cuối cùng sự thành công sẽ đến với mình".

Các nhà khoa học đình đám thế giới nhận xét gì về sinh viên Việt Nam? - Ảnh 2.

GS. Nguyễn Thục Quyên hy vọng các bạn trẻ hãy dám mơ lớn và nắm bắt cơ hội

Đó cũng chính là lời khuyên mà GS. Daniel Kammen - Giáo sư James & Katherine Lau về Phát triển bền vững tại Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ), đồng thời cũng là Giáo sư về Năng lượng và tài nguyên tại Khoa Chính sách công Goldman và Khoa công nghệ hạt nhân muốn gửi gắm.

"Hãy đến và tham gia cùng chúng tôi. Tại đây, chúng tôi có vô vàn dự án thú vị, chúng tôi có cơ sở hạ tầng tốt dành cho việc nghiên cứu như: khu bảo tồn năng lượng, tầng điện thông minh... Và việc sử dụng big data và trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống là vô cùng quan trọng, nó giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Tôi là một nhà vật lý nhưng trước đây tôi từng ước mơ làm một phi hành gia. Khi tôi chuyển hướng sang lĩnh vực năng lượng, tôi nhận thấy nó có rất nhiều khía cạnh để có thể khai thác và với tư cách là Hội đồng khoa học, tôi rất mong muốn những sáng kiến của các bạn. Hãy tham gia cùng chúng tôi!", GS. Daniel cho hay.

Cuối cùng, Giáo sư - Sir Kostya S.Novoselov (ĐH Manchester, Vương quốc Anh) nhấn mạnh: "Tài năng nào cũng cần nuôi dưỡng tới độ chín để sử dụng. Đó là vai trò các trường đại học. Không chỉ là kiến thức mà còn là trí tuệ, môi trường để nuôi dưỡng các tài năng phát triển. Trong tương lai nào đó, đại học cũng có thể là trường khoa học, để tạo ra các kết quả tuyệt vời".

Các nhà khoa học đình đám thế giới nhận xét gì về sinh viên Việt Nam? - Ảnh 3.

Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ hứng thú với việc nghiên cứu khoa học

Theo Thiên An

Cùng chuyên mục
XEM