Các nhà khoa học biến thành công tế bào ung thư thành tế bào mỡ, hứa hẹn một phương pháp trị liệu vô cùng độc đáo
Họ sử dụng 2 loại thuốc đã được FDA chấp thuận.
Biến các tế bào ung thư thành tế bào mỡ, sau đó thay vì chữa ung thư, chúng ta chỉ cần giảm béo là được. Bạn thấy ý tưởng này thế nào? Có thể nhiều người sẽ cười và cho rằng đó là chuyện không tưởng.
Nhưng sự thật thì sao, với một nghiên cứu bằng chứng khái niệm (proof-of-concept) vừa được công bố, các nhà khoa học Thuỵ Sĩ đã dỗ được tế bào ung thư vú biến thành tế bào mỡ, qua đó, chứng minh ý tưởng giảm béo chữa ung thư là hoàn toàn khả thi.
Để đạt được kỳ tích này, nhóm nghiên cứu tại Đại học Basel đã khai thác một con đường kỳ lạ mà các tế bào ung thư sử dụng để di căn.
Bạn biết đấy, khi bị đứt tay cơ thể bạn diễn ra một quá trình tự chữa lành. Tế bào biểu mô sẽ biến hình thành một loại tế bào gốc gọi là trung mô. Các tế bào trung mô, giống như trong quá trình phát triển của thai nhi, có thể biến thành bất cứ loại tế bào nào mà cơ thể cần.
Bởi vậy, sau đó chúng có thể nhân lên và biến trở lại thành biểu mô, lấp đầy và vá vết đứt tay cho bạn. Quá trình biểu mô biến thành trung mô được gọi là chuyển đổi biểu-trung mô (EMT). Quá trình ngược lại, biến trung mô thành biểu mô gọi là chuyển đổi trung-biểu mô (MET).
Từ lâu, các nhà khoa học đã quan sát thấy tế bào ung thư sử dụng cả EMT và MET để đi căn khắp cơ thể và tạo thành những khối u mới. Trong một thí nghiệm, họ muốn thử can thiệp vào quá trình này để xem có thể khiến tế bào ung thư biến hình thành một dạng khác lành tính hơn hay không.
Quá trình chuyển đổi biểu-trung mô và trung-biểu mô
Các nhà khoa học thu thập tế bào ung thư vú của bệnh nhân, sau đó cấy vào những con chuột thí nghiệm. Họ điều trị cho chúng bằng 2 loại thuốc có tên là rosiglitazone (thường dùng cho bệnh tiểu đường) và một loại gọi là trametinib (đang được dùng trong điều trị ung thư).
Nhờ những loại thuốc này, khi các tế bào ung thư sử dụng một trong những con đường chuyển tiếp đã đề cập ở trên, thay vì lây lan và di căn, chúng lại biến thành tế bào mỡ - trong một quá trình gọi là adipogenesis (tạo mỡ).
"Các mô hình được sử dụng trong nghiên cứu đã cho phép đánh giá ý tưởng biến tế bào ung thư thành tế bào mỡ trực tiếp trong môi trường khối u", nhóm nghiên cứu viết trong bài báo của họ công bố trên tạp chí Cancer Cell.
"Kết quả chỉ ra một liệu pháp kết hợp trên mô hình [tế bào] bệnh nhân với rosiglitazone và trametinib đặc biệt nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư, khiến chúng tăng độ linh động và gây ra quá trình tạo mỡ của chúng".
Mặc dù không phải mọi tế bào ung thư đều biến thành tế bào mỡ, nhưng những tế bào đã trải qua quá trình tạo mỡ rồi thì sẽ không biến trở lại thành tế bào ung thư được nữa.
"Các tế bào ung thư vú trải qua EMT không chỉ biệt hóa thành tế bào mỡ, mà còn hoàn toàn ngừng sinh sôi nảy nở", tác giả chính của nghiên cứu, nhà hoá sinh Gerhard Christofori, đến từ Đại học Basel, Thụy Sĩ cho biết.
"Theo những gì chúng tôi có thể nói từ các thí nghiệm nuôi cấy dài hạn, các tế bào ung thư biến thành tế bào mỡ vẫn là tế bào mỡ và không quay trở lại thành tế bào ung thư vú".
Vậy làm thế nào mà quá trình này có thể xảy ra?
Vâng, trametinib là loại thuốc có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi của các tế bào - chẳng hạn như tế bào ung thư biến thành tế bào gốc - và sau đó, nó tiếp tục thúc đẩy sự chuyển đổi của các tế bào gốc thành tế bào mỡ.
Vai trò của rosiglitazone thì ít quan trọng hơn, nhưng kết hợp với trametinib, nó cũng giúp các tế bào gốc chuyển đổi thành tế bào mỡ.
"Liệu pháp tạo mỡ biệt hóa với sự kết hợp của rosiglitazone và [trametinib] có hiệu quả ức chế sự xâm lấn của tế bào ung thư, sự lây lan và hình thành di căn trong các mô hình chuột tiền lâm sàng mô phỏng các dạng khác nhau của ung thư vú", các nhà khoa học viết.
Hình ảnh trên cho thấy quá trình chuyển đổi tế bào ung thư thành tế bào mỡ đã diễn ra. Các tế bào ung thư được gắn thẻ protein huỳnh quang màu xanh lá cây và tế bào mỡ màu đỏ bình thường ở bên trái. Các ung thư biến thành tế bào mỡ màu nâu (bên phải) vì màu đỏ của các tế bào mỡ kết hợp với màu xanh lá cây của tế bào ung thư sẽ thành màu nâu.
Một điều tuyệt vời nữa từ nghiên cứu, đó là cả 2 loại thuốc mà các nhà khoa học sử dụng đều đã được FDA chấp thuận, do đó việc đưa loại điều trị này vào thử nghiệm lâm sàng trên người thực tế sẽ dễ dàng hơn.
Nói về độ hi vọng, chúng ta biết rằng các thử nghiệm thành công trên chuột chưa chắc đã hiệu quả với con người. Nhưng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng tế bào ung thư người để cấy vào chuột, cho nên, chúng ta sẽ có thêm một chút tin tưởng.
Trong quá trình hướng đến thử nghiệm lâm sàng trên người, nhóm nghiên cứu đang điều tra thêm xem liệu liệu pháp mới này có thể kết hợp được với hóa trị liệu hay không, và liệu nó có áp dụng cho các loại ung thư khác ngoài ung thư vú được không nữa.
"Trong tương lai, phương pháp trị liệu sáng tạo này có thể được sử dụng kết hợp với hóa trị liệu thông thường để ngăn chặn cả sự tiến triển khối u nguyên phát và cả sự hình thành di căn chết người", Christofori giải thích trên tờ AP.
Nhưng để đánh giá ý tưởng táo bạo và độc đáo của các nhà khoa học Thuỵ Sĩ có trở thành hiện thực được hay không, chúng ta sẽ phải chờ đợi họ tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người.
Nếu các tế bào ung thư trong cơ thể chúng ta đều dễ bị dụ để biến thành chất béo, bạn cứ tưởng tượng mà xem, chúng ta rồi sẽ có thể đến phòng gym để chữa ung thư.