Các ngân hàng lớn tăng phí rút tiền: Tận thu hay bù lỗ?
Các ngân hàng lớn nhất hệ thống đã đăng phí rút tiền mặt tại ATM khiến thị trường e ngại sẽ kéo theo động thái tương tự từ các nhà băng khác.
Đến thời ngân hàng đồng loạt tăng phí
Vấp phải những phản ứng tiêu cực từ phía khách hàng, những tưởng các nhà băng sẽ dè dặt và thận trọng hơn trong việc nâng phí dịch vụ, thế nhưng mới đây lại có thêm các ngân hàng lớn nữa thông báo thu thêm tiền.
Agribank mới đây thông báo từ 12/5 sẽ tăng phí rút tiền nội mạng qua ATM, mức 1.100 đồng lên 1.650 đồng/giao dịch. Ngoài phí rút tiền nội mạng, Agribank cũng tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM và phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch.
Vietinbank thì cho biết điều chỉnh mức phí rút tiền mặt tại ATM với thẻ ghi nợ E-Partner, ở hai mức phí cho các dòng thẻ khác nhau. Theo đó, thẻ ghi nợ Gold và Pink-Card, mức phí rút tiền mặt tại ATM được điều chỉnh tăng lên 2.200 đồng, còn các thẻ dòng C-Card và S-Card mức phí cũng điều chỉnh tăng lên 1.650 đồng/giao dịch, từ mức 1.100 đồng trước đó. Biểu phí này áp dụng từ 5/5.
Vietcombank sau đợt tăng phí SMSBanking, Internetbanking hồi tháng 3 cũng vừa thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng thêm 550 đồng, lên mức 1.650 đồng/giao dịch.
Đáng chú ý, đây đều là những ngân hàng lớn và sở hữu lượng khách hàng, lượng thẻ phát hành khổng lồ trên thị trường và thường có sức ảnh hưởng lớn cho các xu hướng trên hệ thống. Thị trường đang lo ngại động thái tăng phí của 3 "ông lớn" trên có kéo theo một loạt các ngân hàng khác điều chỉnh theo.
Tận thu hay bù lỗ?
Chia sẻ gần đây về việc nhiều ngân hàng tăng phí dịch vụ, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, đồng thời cũng là phó tổng giám đốc tại Vietcombank cho biết, việc tăng phí nằm trong lộ trình có từ 5-6 năm trước. Theo đó, Thông tư 35 ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày tháng 3/2013. Mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng từ năm 2015 được NHNN cho phép là 3.300 đồng giao dịch.
"Thực tế, mức trần là 3.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM nhưng các ngân hàng hầu hết vẫn là áp dụng mức phí 1.000 đồng/giao dịch nội mạng chứ chưa thu tới mức trần NHNN cho phép". Ngoài ra, theo ông Tuấn, giao dịch thanh toán đã tăng lên nhưng 97% vẫn là giao dịch để rút tiền mặt. Trong tương lai, khi 20% giao dịch từ thẻ là để thanh toán còn 80% là để rút tiền thì phí dịch vụ ngân hàng có thể được điều chỉnh theo xu hướng giảm.
Các ngân hàng cho biết, việc tăng phí là để bù đắp khoản chi phí như thuê chỗ đặt máy ATM, đường truyền, bảo trì, điện, tiếp quỹ,...Những ngân hàng lớn có máy ATM lâu năm, lượng giao dịch lớn, thường xuyên sẽ khiến máy bị xuống cấp cần được bảo trì, thay thế,...
Như vậy, động thái tăng phí của các ngân hàng một là để bù đắp chi phí duy trì, nâng cấp máy ATM và hai là hướng khách hàng giảm rút tiền, chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Thế nhưng tại sao điều này lại vấp phải phản ứng không đồng thuận của đại đa số người dùng?
Thực tế, khách hàng đang không chỉ phải chịu một vài loại phí mà đang phải chịu hàng chục loại. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề là người sử dụng dịch vụ cảm thấy nhiều loại phí không phù hợp, chẳng hạn phí sao kê tài khoản. Việc khách hàng gửi tiền cho ngân hàng tức là ngân hàng đã có thể sử dụng số tiền đó để cho vay sinh lời. Rồi phí chuyển tiền cùng hệ thống, nếu chuyển tiền sang một ngân hàng khác thì áp phí còn hợp lý nhưng còn trong cùng mạng thì tiền vẫn ở trong ngân hàng, chỉ là chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác. Thao tác đó tất nhiên cũng phát sinh ra chi phí, song đã gửi tiền cho ngân hàng là ngân hàng đã có thể sử dụng để cho vay sinh lời.
PGS. TS Nguyễn Thị Mùi đặt vấn đề: Khách hàng nói ngân hàng tận thu phí dịch vụ, dẫn đến phí chồng phí, các ngân hàng nói thu phí như vậy là quá thấp, để hòa vốn đầu tư một cây ATM có thể phải thu 7.000 đồng/giao dịch và luôn có xu hướng tăng. "Vậy làm thế nào để có mức phí thẻ hợp lý, hài lòng cho cả 2 bên. Có phải cứ đầu tư cho ATM bao nhiêu thì phải phân bổ hết cho người sử dụng bấy nhiêu không?", PGS Nguyễn Thị Mùi đặt câu hỏi.
Bà Mùi cho rằng việc đầu tư công nghệ, hệ thống máy ATM cần thu phí tuy nhiên mức thu bao nhiêu, minh bạch khoản thu chi vẫn là dấu hỏi lớn với ngân hàng. Trong khi đó người dân gửi tiền vào tài khoản ngân hàng vẫn gặp rủi ro bị mất tiền.
Và vị chuyên gia này nói thêm, các ngân hàng luôn phản hồi rằng tăng phí dịch vụ là để bù đắp chi phí cho việc nâng cấp công nghệ, hạ tầng. Nhưng điều này có hợp lý không khi mà chất lượng, bảo mật ngân hàng liên tục gặp sự cố trong thời gian qua, khách hàng cứ phải thấp thỏm không biết tiền của mình có bỗng dưng biến mất. Có lẽ điều khiến khách hàng thực sự bất mãn không chỉ là phí tăng thêm vài nghìn đồng mà là họ đang phải trả nhiều tiền hơn trong khi điều nhận lại được chưa tương xứng, chất lượng phục vụ hay độ an toàn còn chưa làm hài lòng người sử dụng.