Các hành vi gian lận trốn thuế có thu nhập từ Google, Facebook sẽ bị "sờ gáy"
Cơ chế giám sát các giao dịch với sự tham gia của Master Card, Visa… khi hoạt động sẽ giúp cơ quan thuế có thể xác định chính xác danh tính, doanh thu của những tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), thời gian qua Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố cùng với đẩy mạnh triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đến tất cả các tổ chức, cá nhân phải thường xuyên rà soát, đôn đốc việc thực hiện kê khai, nộp thuế.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động này vào nề nếp.
Qua triển khai tại một số địa phương đã phát hiện ra nhiều trường hợp không kê khai, trốn thuế.
Điển hình như một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm trên Facebook bị Cục Thuế TP. HCM phát hiện có hành vi gian lận và bị truy thu, xử phạt số tiền lên đến 9,1 tỷ đồng.
Gần đây nhất, Cục Thuế TP.HCM đã phối hợp với Cục Thuế Quảng Nam truy thu một cá nhân có doanh thu trên 20 tỷ đồng từ Google nhưng chưa kê khai nộp thuế.
Tính đến nay, các loại hình kinh doanh TMĐT mới nhất trên thế giới như cung cấp các dịch vụ kết nối vận tải Uber, Grab, đặt phòng trực tuyến khách sạn Agoda, Traveloka, quảng các trực tuyến trên Google, Facebook... đều đã có mặt ở Việt Nam.
Trong khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hay các cá nhân kinh doanh qua mạng hàng năm đang thu được một nguồn lợi lớn từ thị trường Việt Nam thì cơ quan thuế vẫn rất khó trong việc tìm ra giải pháp để buộc các tổ chức, cá nhân này đóng thuế theo quy định của pháp luật.
Nếu không xác định được doanh thu, doanh nghiệp có thể trốn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và đặc biệt là tạo ra sự bất bình đẳng giữa người bán hàng qua mạng và người bán hàng truyền thống.
Trước thực tế đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng và phát triển cổng thanh toán điện tử quốc gia; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch với sự tham gia của các tổ chức thanh toán quốc tế như Master Card, Visa…
Khi hệ thống đi vào hoạt động, cơ quan thuế có thể xác định chính xác danh tính, doanh thu của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT, từ đó xác định được ngưỡng chịu thuế và số thuế phải nộp, qua đó đảm bảo công bằng giữa người kinh doanh truyền thống và kinh doanh qua mạng, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 26 năm 2017, giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng Nghị định về hoá đơn, chứng từ điện tử. Bộ Tài chính đã trình báo cáo trình Chính phủ về xây dựng Nghị định về hoá đơn và ngày 12/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2018 quy định về việc áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Việc ban hành Nghị định và cho áp dụng rộng rãi phổ biến hoá đơn điện tử được thực hiện theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng CNTT để thực hiện chứng từ, hồ sơ điện tử, thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đồng thời góp phần quản lý hoạt động kinh tế phi chính thức.
Ngoài ra, xuất phát từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế, trong đó có thủ tục về quản lý, sử dụng hoá đơn, hướng tới hoạt động quản lý hoá đơn thống nhất, dễ thực hiện hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý hoá đơn để phòng, chống việc sử dụng hoá đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hoá đơn để gian lận, trốn thuế, khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước.