Các dự án giao thông trọng điểm giúp Nam Trung Bộ bứt phá
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực, song các tỉnh, thành miền Trung vẫn nỗ lực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm được xác định là “đòn bẩy” giúp Nam
Đẩy nhanh tiến độ hàng loạt dự án
Tại Đà Nẵng, dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung là một trong những dự án quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và miền Trung - Tây Nguyên nói chung trong giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu hiện đang được thành phố tập trung triển khai đồng bộ các thủ tục đầu tư dự án theo quy định, sớm phê duyệt quy hoạch 1/2000 trên cơ sở ý kiến của Bộ GTVT. Đồng thời, rút ngắn thời gian, quy trình, xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết, phấn đấu hoàn thành công tác đấu thầu và khởi công các gói thầu dự án trong tháng 9/2022.
“Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm xây dựng cảng ở một số địa phương, đề xuất hình thức đầu tư dự án bến khởi động để làm cơ sở triển khai các bước kêu gọi đầu tư. Trong đó, lưu ý xúc tiến các hãng tàu lớn trong nhóm 10 hoặc 15 hãng tàu lớn nhất thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng cảng Liên Chiểu”, ông Nam nói.
Bên cạnh cảng Liên Chiểu, dự án La Sơn - Túy Lan cũng đang chuẩn bị đưa vào hoạt động, thúc đẩy kinh tế vùng. Hiện, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã đồng ý chấp thuận thông qua nghiệm thu bàn giao dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan giai đoạn 1 với chiều dài 66km có tổng mức đầu tư là 11.486 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Ông Nguyễn Minh Khánh, Trưởng phòng Điều hành dự án Sơn La - Tuý Loan (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ GTVT) cho biết, hiện nay Ban Quản lý đang tiến hành báo cáo, gửi hồ sơ tài liệu và nghiệm thu bàn giao đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các bên liên quan phấn đấu thông xe trong trong thời gian sớm nhất.
“Đến nay vẫn còn một số điểm trên đoạn La Sơn - Hòa Liên còn vướng mặt bằng và một số đường gom. Tuy nhiên, những vướng mắc này không ảnh hưởng đến lưu thông. Ban Quản lý đang phối hợp tích cực với các địa phương nhanh chóng tiến hành xử lý xong các vấn đề này”, ông Khánh nói.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, tuyến đường ven biển Võ Chí Công giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 1.479 tỷ đồng với tổng chiều dài 26,5km từ TP. Tam Kỳ vào sân bay Chu Lai, huyện Núi Thành cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm về đích. Đến nay, dự án đã được thi công mặt nhựa hơn 22km; hoàn thành 6 cầu trên tuyến: Cầu Tam Tiến, cầu Diêm Trà, cầu Tam Hiệp, cầu An Tân 2, cầu Tam Nghĩa và cầu Tam Quang. Hiện đang thi công nền đường cấp phối đá dăm các đoạn Km25+750 - Km26+500; Km22+300 - Km22+400 và thi công đắp cát nền đường và xử lý đất yếu bằng giếng cát đoạn Km21+960 - Km22+200.
Cũng tại Quảng Nam, trong năm vừa qua, cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc chính thức đưa vào hoạt động, mở ra những cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông nói riêng, đặc biệt là giải quyết nhu cầu ngày càng cao về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm 2022, tỉnh tập trung đầu tư một số hạ tầng giao thông then chốt bằng các nguồn ngân sách của tỉnh, Trung ương. Trong đó đề nghị Trung ương đầu tư Quốc lộ 14D, 14E nối lên cửa khẩu Nam Giang. Đồng thời, tỉnh cũng khởi công mới một số dự án giao thông quan trọng có tính chất liên vùng, tạo động lực phát triển như: dự án mở rộng và hoàn thiện tuyến đường Đường Võ Chí Công; đường nối Quốc lộ 14H đến Quốc lộ 14B…
“Tỉnh cũng đang phối hợp với Bộ GTVT và các đơn vị liên quan xúc tiến đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực đầu tư các dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không; đề xuất cơ chế và xúc tiến đầu tư mở tuyến luồng mới Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn và xây dựng các bến cảng biển Quảng Nam từ nguồn vốn ngân sách kết hợp nguồn vốn xã hội hóa”, ông Thanh thông tin.
“Đòn bẩy” từ các dự án cao tốc Bắc - Nam
Trong những năm qua, Khánh Hòa - Phú Yên - Bình Định đã có sự phát triển vượt bậc về hạ tầng giao thông, nhất là đưa vào vận hành, khai thác các hầm đường bộ xuyên núi, rút ngắn khoảng cách di chuyển trên quốc lộ 1A. Cùng với đó, 3 tỉnh kể trên cũng hưởng lợi lớn nhờ chủ trương đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo đó, hiện nay tại tỉnh Khánh Hòa đang triển khai các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 qua địa phận tỉnh Khánh Hòa gồm: dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài khoảng 49 km và dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 5 km. 2 dự án thành phần cao tốc kể trên dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2024.
Trong đó đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã bước vào giai đoạn cao điểm thi công từ đầu tháng 9/2021 đến nay. Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa). Giai đoạn 1, nền đường rộng 17m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, do Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động hơn 2.500 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án gần 3.000 tỷ đồng.
Mới đây, Chính phủ cũng có Tờ trình gửi Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Chính phủ cho biết để hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong giai đoạn 2021-2025 cần đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần, chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố. Cụ thể, 12 dự án thành phần được đề xuất đầu tư bằng hình thức đầu tư công, trong đó có một số đoạn đi qua địa phận các tỉnh Nam Trung Bộ, bao gồm: đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.
Đánh giá về tác động của các dự án cao tốc Bắc - Nam lên tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhận định, khi các dự án thành phần cao tốc đi qua các tỉnh Nam Trung Bộ hoàn thành sẽ tạo ra lực đẩy, cơ hội phát triển rất lớn về kinh tế - xã hội cho khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Hàng hóa, nông sản, vật tư thiết bị… sẽ lưu thông thông suốt hơn, giảm bớt chi phí khi vận chuyển liên vùng, lưu thông lên vùng Tây Nguyên và ngược lại.