Các công ty thuộc mảng năng lượng tái tạo của Gelex kinh doanh như thế nào?
Gelex có 1 dự án điện mặt trời hưởng ưu đãi giá 2.086 đồng/kWh và 5 dự án điện gió hưởng giá ưu đãi 1.927 đồng/kWh.
6 dự án năng lượng tái tạo kịp thời hưởng giá ưu đãi
Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) là tập đoàn đầu tư đa ngành theo 2 khối kinh doanh chính gồm sản xuất công nghiệp và hạ tầng. Trong đó, mảng công nghiệp của tập đoàn chủ yếu sản xuất thiết bị điện với thương hiệu nổi tiếng như Cadivi, Thibidi, Hem, Emic…; mảng hạ tầng gồm năng lượng, bất động sản khu công nghiệp, vật liệu xây dựng, sản xuất và cung cấp nước sạch.
Ở mảng năng lượng, đi theo xu hướng chung trên toàn cầu, tập đoàn cũng tập trung vào khai thác nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Tính đến nay, tập đoàn có 7 nhà máy phát điện với tổng công suất 239 MW, tổng đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn có thêm các dự án điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp, qua đó, tổng công suất đã đi vào vận hành đạt 260 MW, tổng sản lượng 700 triệu kWh/năm.
Đặc biệt, Gelex có 6 dự án điện gió và điện mặt trời kịp thời đi vào vận hành trước thời điểm kết thúc ưu đãi giá.
Cụ thể, dự án điện mặt trời Ninh Thuận với công suất 50 MW, tổng đầu tư 1.300 tỷ đồng vận hành thương mạnh (COD) vào tháng 5/2019, được hưởng mức giá ưu đãi cho điện mặt trời theo quyết định 11/2017 hết hiệu lực vào 30/6/2019 (giá FIT 1), giá điện 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương với 9,35 Uscents/kWh).
5 dự án điện gió thuộc cụm Hướng Phùng và Gelex Quảng Trị với tổng công suất 140 MW được COD vào tháng 10/2021, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi với giá 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh (chưa bao gồm VAT).
Ban lãnh đạo Gelex đánh giá lĩnh vực năng lượng tái tạo là mảng đem lại doanh thu, lợi nhuận ổn định, tuy nhiên hoạt động này phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên như lượng mưa, sức gió hay bức xạ nhiệt vốn không thể đo lường và dự báo chính xác. Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang được cơ quan nhà nước ưu tiên phát triển với nhiều chính sách hỗ trợ. Do vậy, đối với các dự án không kịp triển khai hoặc triển khai không đảm bảo tiến độ để được nhận các chính sách ưu đãi sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế cũng như thời gian thu hồi vốn.
Đến năm 2025, tập đoàn dự kiến nâng tổng công suất năng lượng tái tạo sở hữu lên 800 MW. Tập đoàn GELEX cho biết thời gian tới, thông qua đơn vị thành viên, sẽ tập trung triển khai chuẩn bị đầu tư Cụm nhà máy điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải với tổng công suất dự kiến 800 MW; nghiên cứu phát triển có chọn lọc các dự án như điện gió Gia Lai (100 MW), điện gió Đak-lak (200MW), điện mặt trời Tây Ninh (100MW), điện mặt trời Bình Phước 1, 2 (480MW), … .Đồng thời, tập đoàn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án năng lượng sạch khác như thủy điện, điện sinh khối, điện khí,… hiệu quả, phù hợp với định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh.
Hoạt động kinh doanh các dự án năng lượng tái tạo ngày càng khởi sắc
Theo dữ liệu của Người Đồng Hành, Công ty Thạnh Phú Mỹ - chủ đầu tư dự án Thủy điện Sông Bung 4A ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan 2 năm qua nhờ yếu tố thủy văn thuận lợi. Doanh thu ghi nhận trên 285 tỷ đồng, tăng mạnh so với 2 năm trước đó; lãi sau thuế tăng từ 43 tỷ đồng 2020 lên 68 tỷ đồng năm 2021.
Qua quá trình hoạt động, công ty cũng đã giảm được nợ vay đáng kể, từ mức 955 tỷ đồng năm 2017 về 744 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu giảm từ 1,7 về 1,2.
Năng lượng Gelex Ninh Thuận, chủ đầu tư dự án trang trại điện mặt trời Ninh Thuận và một số dự án điện mặt trời áp mái, bắt đầu ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ 2019, sau khi dự án điện mặt trời Ninh Thuận được COD. Doanh thu liên tục cải thiện từ 79 tỷ đòng lên 183 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2021, có lãi 17,2 tỷ đồng trong năm trước trong khi 2019-2020 lỗ nhẹ hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Với năm 2021, Gelex cho biết trang trại điện mặt trời Ninh Thuận ghi nhận sản lượng điện sản xuất đạt 74,5 triệu kWh, cao hơn khoảng 15,6% so với kế hoạch năm 2021. Nguyên nhân của sự tăng trưởng sản lượng đến từ việc một số đường dây 110 kV tại Ninh Thuận và các khu vực lân cận đi vào vận hành giúp giải tỏa công suất cho dự án. Trung bình năm 2021, dự án chỉ bị giảm phát ước tính 15% (so với năm 2020 giảm phát 20%). Với nửa đầu năm nay, dự án sản xuất được 41 triệu kWh, vượt 5% kế hoạch 6 tháng và bằng 55% kế hoạch năm.
Công ty cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị, chủ đầu tư cụm điện gió Gelex 1, 2 và 3 ghi nhận 58 tỷ đồng doanh thu trong 2 tháng cuối năm 2021 đi vào vận hành và lỗ 10,4 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần điện gió Hướng Phùng, chủ đầu tư dự án Hướng Phùng 2 và 3 tại Quảng trị, cũng ghi nhận doanh thu 44 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm trước, lỗ nhẹ 730 triệu đồng.