Các công ty công nghệ Trung Quốc ngày càng bành trướng, đến ngân hàng cũng phải tìm đến nhờ giúp đỡ để tạo ra các dịch vụ tài chính

31/08/2018 08:12 AM | Xã hội

Một dấu hiệu khác chứng minh cho sự bành trướng ngày càng lan rộng của các đại gia công nghệ Trung Quốc là rất nhiều ngân hàng địa phương đã phải tìm đến sự giúp đỡ của họ để có thể xây dựng các dịch vụ nội bộ.

Điều đó không có nghĩa là các ngân hàng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đứng trước nguy cơ bị thay thế hoặc gián đoạn trong hoạt động. Thực ra, họ đang chịu áp lực khi bắt buộc phải làm việc với các đối tác Fintech nhằm cạnh tranh với các ngân hàng khác, theo Nicholas Zhu, phó chủ tịch và nhà phân tích cấp cao tại Tập đoàn tài chính Moody - Bắc Kinh.

Thiếu các lựa chọn đầu tư, smartphone và internet đã trở nên quá phổ biến và số lượng người giàu tăng nhanh đến chóng mặt đã tạo ra một môi trường rất thuận lợi cho các dịch vụ tài chính ở Trung Quốc.

Những nhà cho vay thuộc sở hữu nhà nước hoặc liên doanh đều chiếm phần lớn trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho hệ thống ngân hàng địa phương. Từ trước tới nay, họ thường cho các doanh nghiệp nhà nước vay vốn, bởi những doanh nghiệp đó thường không phải đối mặt với những rủi ro trong một xã hội thiếu lịch sử tín dụng một cách toàn diện.

Hiện tại, nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức thanh toán qua điện thoại và thương mại điện tử, các công ty công nghệ Trung Quốc có thể nắm giữ dữ liệu về hành vi của người tiêu dùng nhằm xác định những rủi ro khi cho vay. Một số công ty đã mở rộng hoạt động tín dụng bằng cách sử dụng thông tin đó. Tuy nhiên, khi sự giám sát của chính phủ ngày càng chặt chẽ hơn đối với các công ty Fintech và nhu cầu của các ngân hàng trong việc tiếp cận với các đối tượng bán lẻ, thì cả hai bên đang hợp tác với nhau nhiều hơn.

Hầu hết các ngân hàng có quy mô trung bình và ngân hàng thương mại Trung Quốc đã ký những thoả thuận thương mại với những gã khổng lồ như Alibaba, Tencent và Baidu trong vòng 3 năm trở lại đây, theo David Yin, phó chủ tịch và nhà phân tích của Tập đoàn tài chính Moody.

Điều này hoàn toàn trái ngược với các ngân hàng của Mỹ. Họ tập trung vào phát triển công nghệ từ ngay nội bộ ngân hàng. Ví dụ như, tuần này, JPMorgan sẽ cho ra mắt ứng dụng giao dịch miễn phí, dành cho hơn 47 triệu người dùng. Hay Robinhood, ứng dụng giao dịch hàng đầu tại Mỹ, cũng có hơn 5 triệu người dùng.

Nicholas Colas, đồng sáng lập DataTrek Research, nói về ứng dụng sắp tới của JPMorgan: "Việc tích hợp toàn bộ hoạt động tài chính của khác hàng, từ thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ cho đến những khoản thế chấp và (hiện tại là) các khoản đầu tư sẽ giúp các tổ chức tài chính có thể thu thập toàn bộ dữ liệu liên quan đến những dịch vụ khác, và giúp cho các hoạt động bán chéo cũng như việc phát triển sản phẩm mới "thông minh" hơn."

Các ứng dụng thanh toán trên điện thoại của Trung Quốc hiện cũng đã thu thập được nhiều dữ liệu nhờ vào các thương vụ quảng cáo cùng với sự tiện lợi, giúp việc thanh toán qua điện thoại trở thành phương thức giao dịch chính của nước này.

Alipay, được phát triển bởi Ant Financial, có đến ít nhất 520 triệu người dùng trong vòng chưa đầy 15 năm, trong đó có hơn 51% người sử dụng điện thoại của Trung Quốc. Hơn nữa, ứng dụng này cũng liên kết với 3 ngân hàng lớn nhất nước này, đã thâm nhập từ 7 đến 11%.

Trên cơ sở khách hàng đó, cả Ant Financial và Tencent đều đã xây dựng một loạt các dịch vụ tài chính. Đáng chú ý là quỹ Yu'e Bao đã được tích hợp với Alipay, từng trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới trong 4 năm.

Ant Financial có thể dự đoán hành vi mua lại của các khách hàng dựa trên dữ liệu họ đang nắm giữ, Junhua Mao - trợ lý CEO của công ty, cho hay. Ông nói thêm, số người dùng Yu'e Bao mua các sản phẩm tài chính khác đã tăng lên 70% sau khi tính năng tư vấn đầu tư AI Ant Fortune ra mắt.

Ant Financial dự kiến phí dịch vụ công nghệ sẽ trở thành "trụ cột" đối với hoạt động kinh doanh của họ trong vòng 3 đến 5 năm tới. Trong vài tháng qua, công ty đã hợp tác với một số ngân hàng trong nước, trong đó có Ngân hàng Thượng Hải, Ngân hàng Hoa Tây và Ngân hàng Everbright Trung Quốc.

Các ngân hàng không đưa ra bình luận tuy nhiên họ đã thảo luận về việc hợp tác với những công ty công nghệ trong báo cáo tài chính hàng năm gần đây nhất. Ví dụ, Ngân hàng Hoa Tây cho biết "đã tham gia vào các mối quan hệ đối tác một cách toàn diện với Tập đoàn Tencent, JD Finance, Công ty Dịch vụ Tài chính PICC và các công ty khác."

Điều đó cho thấy rằng, các ngân hàng bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự cạnh tranh công nghệ, Tencent và Alibaba đều "chống lưng" cho các nhà cho vay trực tuyến. Trong khi đó, trên thực tế, một số công ty tài chính đã thành công trong việc tạo ra dịch vụ công nghệ của riêng họ, có thể kể đến Ping An và OneConnect và cung cấp dịch vụ cho gần 89% các ngân hàng thương mại của Trung Quốc.

Việc chính phủ điều chỉnh quy định cũng là một thách thức đối với các tổ chức công nghệ và tài chính. Tuy vậy, khách hàng sử dụng những phương thức thanh toán qua điện thoại tại Trung Quốc vẫn là một nhân tố đóng vai trò chủ chốt cho mỗi doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước.

Theo Ben Bystrom, cựu CEO của Morgan Stanley và Merrill Lynch, các công ty Fintech Trung Quốc sẽ trở thành "những công ty tài chính rất quyền lực", là kết quả của việc "thống trị" hệ thống thanh toán qua điện thoại." Từ góc nhìn toàn cầu, ông cho biết, những công ty này "đang cạnh tranh hiệu quả hơn bao giờ hết."

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM