Các chuyên gia phân tích: Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Việt Nam có đáng lo ngại?

02/01/2021 18:56 PM | Xã hội

Biến chủng mới SARV-CoV-2 theo chuyên gia là chủng lây lan nhanh, nếu không phát hiện sớm, cách ly kịp thời, quản lý triệt để thì có nguy cơ lây lan cộng đồng.

Sáng 2/1, Bộ Y tế thông tin về bệnh nhân Việt Nam đầu tiên nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 - biến thể VOC 202012/01 - là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời chủng gây bệnh cũng có đột biến D614G, vốn là chủng được cho làm lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng.

Đó là bệnh nhân 1435, nữ, 45 tuổi, trú tại Trà Vinh, từ Anh về Việt Nam ngày 22/12/2020 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh.

"Người dân không nên hoang mang, lo lắng"

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng cho biết, theo các nhà khoa học trên thế giới, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh có thể lây lan nhanh hơn tới 70% so với các chủng trước đó, tuy nhiên chưa có cơ sở cho thấy độc lực cao hơn.

Ông nhận định đây là chủng lây lan nhanh, nếu không phát hiện sớm, cách ly kịp thời và quản lý triệt để, thì có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

"Dù tỷ lệ chết trên mắc không cao nhưng càng nhiều người mắc biến chủng mới này thì sẽ càng có nhiều người chết. Đặc biệt nếu để biến chủng lây lan mạnh, "tấn công" các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền…, lây trong bệnh viện thì tỷ lệ tử vong cao", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Các chuyên gia phân tích: Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Việt Nam có đáng lo ngại? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ông Phu phân tích, bệnh nhân 1435 được cách ly ngay khi nhập cảnh nên khống chế được khả năng lây lan. Do đó, người dân không nên hoang mang hay lo lắng, khuyến cáo thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

"Nguy cơ dịch bệnh bên ngoài rất cao, nên người dân cần nâng cao các biện pháp phòng bệnh. Vấn đề hiện tại của nước ta là nhóm người nhập cảnh trái phép. Cả cộng đồng cần chung tay với cơ quan chức năng giám sát và kiểm soát tốt dịch bệnh", ông Phu đặc biệt nhấn mạnh việc cần giám sát chặt chẽ người nhập cảnh cả trái phép và hợp pháp. Quan trọng là phát hiện, cách ly ngay các ca nhập cảnh, không để lây lan ra cộng đồng.

"Khả năng lây lan nhanh hơn nhưng không đáng ngại"

Các chuyên gia nhận định khả năng lây lan virus nhanh hơn trước đây, tuy nhiên không đáng ngại. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết: "Việc biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 là điều bình thường, đã được dự đoán trước, chúng ta cần phải phòng ngừa hơn".

Bác sĩ Khanh nói, loại biến chủng này lây lan nhiều hơn trước kia, tuy nhiên cho tới hiện nay vẫn chưa có thể biết được virus này gây ra bệnh nặng hơn hay không, còn khả năng lây nhanh là điều rõ ràng rồi.

Trên thực tế, các loại virus gây bệnh truyền nhiễm luôn đột biến theo thời gian, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp nên SARS-CoV-2 biến chủng là điều dễ hiểu. Bác sĩ Khanh cho rằng việc biến chủng này là dấu hiệu cho thấy chúng đang dần thuần hơn, thích khi với con người.

"Khi mình phát hiện loại biến chủng mới này mình vẫn làm như cũ, công tác phòng ngừa quyết liệt hơn. Đặc biệt cần làm tốt hơn nữa việc nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh lây lan", bác sĩ Khanh nói.

Tại Hội nghị trực tuyến hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống dịch bệnh 27/12, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh đang khiến giới khoa học lo ngại.

Bộ trưởng cho biết, đây là loại biến chủng làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, đột biến trên vùng gene N501Y của virus corona. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70% - đây là điều gây quan ngại.

Bộ Y tế đã theo dõi chặt chẽ tình hình biến chủng của virus SARS-CoV-2, giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu, đặc biệt mẫu của châu Âu và ở các nước có biến chủng này để xem khả năng lây truyền và mức độ xâm nhập vào Việt Nam ra sao.

Minh Nhân - Văn Tiên

Cùng chuyên mục
XEM