Cá tầm Việt Nam của đại gia Lê Anh Đức âm 51 tỷ đồng vốn chủ sở hữu sau khi mua lại hơn nghìn tỷ trái phiếu trước hạn
Nửa đầu năm 2023, CTCP Cá Tầm Việt Nam báo lãi 28 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu cuối kỳ lại âm 51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vốn chủ sở hữu còn 163 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm trong bối cảnh trong kỳ doanh nghiệp đã mua lại toàn bộ số trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng trước hạn.
Nhắc đến nuôi cá tầm và sản xuất trứng cá đen (caviar) tại Việt Nam không thể không nhắc đến Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam. Đây là một đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực phát triển nuôi giống Cá tầm tại Việt Nam với nền móng từ năm 2007.
Theo giới thiệu, Tập đoàn có 6 công ty thành viên hoạt động tương đối độc lập trong lĩnh vực ươm trứng và làm giống, nuôi trồng cá Tầm và sản xuất trứng cá đen (caviar), bao gồm: Công ty Cổ Phần Tầm Long Đa Mi, Công ty TNHH MTV Cá Tầm Việt Nam, Công ty TNHH Cá Tầm Việt Nam – Đắk Lắk, Công Ty TNHH MTV Cá Tầm Việt Nam – Sơn La, Công ty TNHH MTV Cá Tầm Việt Nam – Bình Định, CTCP Cá tầm Việt Nam.
Trong đó, CTCP Cá tầm Việt Nam ra đời năm 2009 là miếng ghép quan trọng trong tập đoàn.
Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ( HNX ), nửa đầu năm nay, CTCP Cá tầm Việt Nam đạt lợi nhuận sau thuế hơn 28 tỷ đồng , trong khi cùng kỳ lỗ gần 7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu Cá tầm Việt Nam tại ngày 30/6/2023 âm hơn 51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt gần 163 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu âm trong bối cảnh Công ty tích cực mua lại toàn bộ nợ trái phiếu trong nửa đầu năm nay, tuy nhiên, nợ phải trả của doanh nghiệp vẫn còn khoảng 150 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản của công ty sụt giảm rất mạnh, từ 1.640 tỷ đồng vào 30/6/2022 còn chưa đầy 100 tỷ đồng vào 30/6/2023.
Về lô trái phiếu mua lại trước hạn, năm ngoái, Cá tầm Việt Nam đã phát hành lô trái phiếu mã CTVCH2224001 với tổng giá trị gần 1.478 tỷ đồng. Kỳ hạn 24 tháng từ ngày 10/02/2022 đến 10/02/2024, lãi suất phát hành cố định 10%/năm.
Sau đó một năm, chỉ trong hai tuần tháng 02/2023, lô trái phiếu ngàn tỷ trên đã được Cá Tầm Việt Nam mua lại toàn bộ.
Tên tuổi của Cá Tầm Việt Nam được gắn với ông Lê Anh Đức, một doanh nhân từng sinh sống và kinh doanh tại Nga, sau này nổi danh với việc nuôi cá tầm và trứng cá tầm nên thường được gọi là đại gia Đức "cá tầm".
Ngoài cá tầm, ông Đức còn có các công ty bất động sản sở hữu các dự án “khủng” như: CTCP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang, CTCP Trần Thái Cam Ranh, CTCP CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh.... và tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo.
Hiện ông Đức là người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Cá tầm Việt Nam. Các cổ đông sáng lập gồm ông Đức, ông Hà Văn Hải (bố vợ ông Đức), bà Hà Thị Phương Thảo (vợ ông Đức), bà Hà Vân Hiền.
Năm 2010, trứng cá đen lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Việt Nam dưới thương hiệu Caviar de Đuc. Năm này cũng đánh dấu ấp nở trứng Cá Tầm thành công tại cơ sở hồ Tuyền Lâm – Đà Lạt.
Năm 2011, thương hiệu Cá Tầm Việt Nam trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Thương hiệu trứng cá đen Caviar de Đuc được ưa chuộng tại các hệ thống nhà hàng và khách sạn 5 sao.
Ban đầu khi thành lập CTCP Cá Tầm Việt Nam ông Hải sở hữu tới 40% vốn góp nhưng đến tháng 02/2019, khi Cá tầm Việt Nam nâng vốn điều lệ từ 300 lên 350 tỷ đồng, ông Hải và bà Phương Thảo đã thoái toàn bộ vốn.
Thay vào đó, ông Đức nâng tỷ lệ sở hữu 52,09%; cổ đông sáng lập còn lại là bà Hiền nắm 3,71%.
Tháng 7/2021, Cá Tầm Việt Nam nâng vốn điều lệ lên 410 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông không được công bố.