Cả làng làm giàu nhờ con ốc nhồi ngay dưới ao nhà

11/12/2022 09:45 AM | Xã hội

Vài năm gần đây kinh tế nhiều hộ dân xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, Ninh Bình khá giả, địa phương phát triển nhờ vào việc nuôi và nhân giống con ốc nhồi.

Kỹ thuật đơn giản nhưng phải có kinh nghiệm

Điển hình là gia đình ông Bùi Văn Thiệp (65 tuổi, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh) đến nay là năm thứ 3 nuôi ốc nhồi, tại ao nuôi của gia đình ông Thiệp chủ yếu là con giống nhưng vẫn không đủ cung ứng cho các nông dân thập phương.

Người dân nuôi ốc nhồi phấn khởi chia sẻ bí kíp nhân giống và làm giàu

Năm 2019, nhận thấy giá trị của con ốc nhồi, ban đầu chưa có kỹ thuật, ông Thiệp đi khắp nơi tìm hiểu rồi mua giống về nuôi, dù có những lần ốc giống bị chết sạch nhưng người nông dân quyết tâm không bỏ cuộc.

"Ban đầu mua một ít giống, đến đâu thì nhân đến đấy. Cứ lứa này đẻ thì xuống nuôi, rồi lại tiếp luôn lứa sau. Mấy năm đầu giống cũng chết sạch, không ăn thua", ông Thiệp cười và tiết lộ mỗi năm tại ao của ông đang có hơn chục vạn con giống.

Ông Thiệp đang phan tích từng giai đoạn nuôi ốc nhồi

Ông Thiệp đang phân tích từng giai đoạn nuôi ốc nhồi

Ông Thiệp cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm và bí kíp để người dân cùng phát triển và cho biết, giống ốc nhồi đẻ rất nhanh và nhiều, quan trọng người nuôi phải có kinh nghiệm về thời tiết, nguồn nước.

Nuôi ốc nhồi không tốn kém thức ăn, thậm chí không phải bỏ ra một đồng nào mua thức ăn cho chúng, vì chúng chỉ ăn những loại rau, củ quả, lá cây luôn sẵn có trên vườn hoặc các hàng bán rau ngoài chợ lượm xong bỏ đi đều đưa về thả xuống ao.

"Nguồn nước rất quan trọng, nước phải sạch, quanh bờ phải rắc vôi bột nhằm khi trời mưa sẽ khử chua, khử khuẩn cho ao nuôi ốc rất tốt".

Ốc nhồi ăn mọi thứ lá

Ốc nhồi ăn mọi thứ lá

Ông Thiệp nói thêm yếu tố đặc biệt về thời tiết, ốc không chịu được nắng nóng, mùa mưa và trời lạnh ốc rất khó sống nên phải biết cách "ủ đông" cho giống.

Theo ông Thiệp, ao sâu hay nông không quan trọng, mà nên tính toán số lượng con giống/ mét vuông (khoảng 50 con/ mét vuông). Vào mùa Đông nhiệt độ giảm, nước dưới ao lạnh, gió thổi mạnh…sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con ốc nhồi và khả năng ốc nhồi chết là rất cao.

Vì vậy, người nuôi phải chủ động đưa con giống về một góc ao, xung quanh quây lưới cước, phía trên cũng phải làm mái ngăn gió. Để điều hòa được nguồn nước giữa thức ăn và mật độ con giống, người nuôi luôn phải chú ý bơm nước sạch vào ao.

Lứa ốc nhồi vừa đẻ con

Lứa ốc nhồi vừa đẻ con

Ngoài ra, vào mùa Đông, người nuôi cũng có thể đưa giống ốc bố mẹ lên bể xi măng để tránh rét. Bên trong bể, người nuôi cũng phải dùng nước sạch, và phải có lưới che chắn gió giúp cho nhiệt độ trong bể ổn định.

Ông Thiệp phấn khởi: "Ai mà giữ được ốc nhồi bố mẹ thọ qua mùa đông là thắng lợi. Hiện nay tôi đang cấp giống đi nhiều huyện xung quanh và ở các tỉnh xa xa cũng đến đây".

Sau nhiều năm kinh nghiệm, ao nuôi ốc nhồi giống của gia đình ông Thiệp hiện nay đang có hơn chục vạn con. Đối với con ốc thành phẩm, cứ khoảng 3 tháng lại có một lứa (đẻ xong thì thu hoạch).

Bể xi măng trên vườn để ủ đông cho giống ốc

Bể xi măng trên vườn để ủ đông cho giống ốc

"Cứ lứa này đẻ xong thì thanh thương phẩm, lứa tiếp theo đó tiếp tục đẻ", ông Thiệp cho biết, ốc nhồi thương phẩm (khoảng 30 con/kg) hiện nay gia đình ông đang bán bán từ 70.000-100.000 đồng/kg, đối với ốc nhồi giống đầu vụ giá từ 300-500 đồng/con.

Mô hình toàn xã, nguồn cung vẫn không đủ cho nhu cầu

Dẫn chúng tôi đến thăm một số cơ sở quy mô khác trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Bình-Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Tiên cho biết, nuôi ốc nhồi "chẳng mất gì" mà lại rất dễ gia tăng thu nhập. Nông thôn thì đa số nhà ai cũng có ao, có hồ, có ruộng, chỉ cần tận dụng chính những thứ đang bỏ hoang này là có thể nuôi được ốc nhồi.

Địa phương thành lập chi hội

Địa phương thành lập chi hội

Một trong những hộ nuôi ốc nhồi quy mô lớn

Một trong những hộ nuôi ốc nhồi quy mô lớn

Theo ông Bình, vài năm trước khi phong trào nuôi ốc nhồi bắt đầu phát triển, gần 100 hộ tự mua giống ốc nhồi về thả, có những người nuôi để dùng cho nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, làm thế nào để nuôi ốc nhồi hiệu quả và đáp ứng được cho thị trường thì cần phải có kỹ thuật bài bản.

"Tháng 3/2022, chúng tôi thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi ốc nhồi sinh sản và thương phẩm xã Khánh Tiên. Qua sàng lọc đến nay đã có 17 hội viên tham gia, với diện tích nuôi con ốc nhồi khoảng 28 ha".

Cả làng làm giàu nhờ con ốc nhồi ngay dưới ao nhà - Ảnh 9.

Nguồn nước rất quan trọng trong nuôi ốc

Ông Bình thông tin thêm, tham gia vào Chi hội, các hội viên sẽ được các đơn vị chức năng chuyển giao công nghệ, có các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc. Ngay từ khi vừa thành lập, UBND xã Khánh Tiên hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình 2 triệu đồng. Chi hội cũng đã xây dựng đề án nuôi con ốc nhồi và được được Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình quan tâm, hỗ trợ vay vốn với tổng 300 triệu đồng.

Đặc biệt, được sự quan tâm từ các cấp đã tổ chức chuyển giao kỹ thuật, phòng bệnh nuôi con ốc nhồi tới các hội viên trong chi hội. Hướng tới chúng tôi mở rộng mô hình, cũng như quy mô nuôi lớn hơn để thành lập tổ hợp tác mang lại hiệu quả cao hơn.

Khoảng 30-40 con ốc nhồi/kg đang bán lẻ từ 80-100 nghìn đồng/kg

Khoảng 30-40 con ốc nhồi/kg đang bán lẻ từ 80-100 nghìn đồng/kg

Cũng theo ông Bình, với gần 20 hộ dân nuôi ốc nhồi tuy nguồn cung so với địa phương này khá ổn, nhưng vẫn chưa đủ cho nhu cầu khách hàng đang quan tâm.

"Tham gia vào Chi hội thì chắc chắn các hội viên không phải lo đến đầu ra. Vì hiện nay khách hàng ở các tỉnh thành đều đã quan tâm, mỗi ngày có thể xuất đi hàng tấn nhưng địa phương mới đang tính bằng tạ. Bao nhiêu cũng không đủ cho thị trường", ông Bình phấn khởi.

Theo Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM