Cả Elon Musk và Donald Trump đều có mối quan hệ yêu-ghét với Twitter, nhưng chỉ một người biết tự biến mình từ ngôi sao trở thành ông chủ của MXH
Muốn xây dựng một MXH hoàn toàn mới như cựu Tổng thống Donald Trump sẽ phải tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức mà kết quả lại chẳng thấy đâu. Nhưng với Elon Musk thì khác, ông có đủ tiền, đủ tư duy để biến MXH ấy trở thành của mình.
Mối quan hệ yêu-ghét giữa Twitter và 2 vị tỷ phú
Trong quá khứ, cả Donald Trump và Elon Musk đều thích sử dụng nền tảng này vì một lý do giống nhau. Họ là những nhân vật có tiếng nói, những người cho rằng phương tiện truyền thông chính thống đang cản trở thông điệp của họ và thường miêu tả họ theo hướng tiêu cực một cách không công bằng.
Ngược lại, Twitter cho phép họ vượt qua sự kiểm soát và tiếp cận gần hơn với hàng triệu người hâm mộ, hàng triệu người ủng hộ. Ở thời điểm đó, cả hai đều có hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter. Tính chung, họ đã đăng khoảng 72.000 tweet.
Thế nhưng, cả hai người đàn ông lại tiếp tục tỏ ra khó chịu với Twitter, phần lớn cũng vì cùng một lý do. Twitter hoạt động chẳng khác gì giới truyền thông cũ, hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Song, những điều đó chẳng thể ngăn họ vi phạm các quy tắc của Twitter. Cả hai đều có nhiều phát ngôn gây ảnh hưởng đến thị trường và đều phải đối mặt với hậu quả cho hành động của mình. Cựu Tồng thống Trump từng bị Twitter cấm vào tháng 1/2020 vì kích động người ủng hộ dẫn đến cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2021.
Trong khi đó, tranh cãi giữa Elon Musk với SEC bắt nguồn từ tuyên bố của cơ quan quản lý này, rằng CEO Tesla đã lừa dối các nhà đầu tư vào ngày 7/8/2018. Thời điểm đó, Musk đăng bài lên Twitter, khẳng định rằng ông đã được "đảm bảo nguồn vốn" để tư nhân hóa Tesla, song trên thực tế, giao dịch này vẫn chưa hoàn tất. Tesla khi đó đồng ý nộp 20 triệu USD tiền phạt cho SEC, trong khi Elon Musk chấp nhận rời chiếc ghế chủ tịch như một cách xoa dịu dư luận.
Có tiền, có tư duy, Elon Musk biến mình từ ngôi sao thành “ông chủ” của Twitter
Bây giờ, cả Musk và Trump dường như đều háo hức mong muốn quay trở lại Twitter. Elon Musk sẽ gia nhập Hội đồng quản trị Twitter sau khi thâu tóm 9,2% cổ phần công ty mạng xã hội, một vị trí sẽ ngay lập tức khiến công ty phải coi trọng vị tỷ phú này hơn.
Việc Musk tham gia hội đồng quản trị được cho là sẽ mang đến nhiều thay đổi cho mạng xã hội này. Trong thông báo trên trang cá nhân, CEO Twitter Parag Agrawal gọi Musk là "một tín đồ cuồng nhiệt và một nhà phê bình gay gắt về dịch vụ". Agrawal đánh giá sự tham gia của vị tỷ phú "sẽ mang lại những giá trị to lớn cho hội đồng quản trị" và giúp họ mạnh mẽ hơn trong các kế hoạch dài hạn.
Trong khi đó, Trump đã tung ra ứng dụng truyền thông xã hội của riêng mình. Truth Social, được giới thiệu như một đối thủ cạnh tranh, thậm chí là thay thế cho Twitter.
Nhà phân tích Benjamin Black của Deutsche Bank cho biết: "Một điều mà Twitter đang có là tệp người dùng rất gắn bó, rất tích cực và trung thành. Cố gắng tái tạo nó sẽ là một nỗ lực rất, rất tốn kém."
Truth Social có sự mở màn vô cùng ấn tượng với hàng triệu lượt tải về trên App Store tại thời điểm ra mắt. Đã có thời gian, mạng xã hội của ông Trump đứng top 1 bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí trên App Store. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, nền tảng "Twitter vì lẽ phải" này dần trở nên mờ nhạt.
Có rất ít hoạt động và cuộc trò chuyện trên nền tảng mới. Để có bằng chứng, không cần tìm đâu xa hơn tài khoản của chính ông Trump. Kể từ dòng thông báo duy nhất từ giữa tháng 2, ông không có bất cứ một tương tác nào khác. Trump có 855.000 người theo dõi trên Truth Social, khoảng 1% trong tổng số người theo dõi Twitter trước đây của ông. Nếu ông thực sự muốn cạnh tranh với Twitter, đây không phải là một khởi đầu đầy hứa hẹn.
Elon Musk lại may mắn hơn rất nhiều. Ông không cần phải xây dựng bất cứ thứ gì từ đầu, đổ hàng triệu USD vào một cái gì đó mà không thấy trước được thành quả tương lai. Ông chỉ cần tiền vốn để tích lũy cổ phần khổng lồ trong Twitter.
Không làm như vậy sẽ chẳng khác nào chơi với lửa. Musk có đủ tiền và tư duy để nhấn mạnh quan điểm của mình hơn nữa nếu ông cảm thấy bị phớt lờ, tăng cổ phần của mình và có thể bắt đầu một cuộc chiến ủy nhiệm về tương lai của công ty.
Nếu Musk muốn gắn bó với Twitter, đây chắc chắn là một khởi đầu đầy hứa hẹn. "Nếu tôi phải đặt cược vào cách tiếp cận của Trump hoặc cách tiếp cận của Elon Musk, tôi nghĩ rằng mua thật nhiều cổ phiếu mới thực sự là cách duy nhất để đi tiếp", Black của Deutsche Bank chia sẻ.
Ngay sau khi mua lại 9,2% cổ phần của Twitter, biến mình trở thành cổ đông lớn nhất, CEO của Tesla và SpaceX lên tài khoản có 80,3 triệu follow của mình và hỏi "bạn có muốn một nút chỉnh sửa"?
Đến thời điểm này, bài thăm dò của Musk nhận hơn 350.000 lượt phản hồi và hơn 76% trong số đó có vẻ như mong muốn một sự bổ sung cho Twitter.
Tất nhiên, Musk không có thẩm quyền để làm điều đó, ngay cả khi là cổ đông lớn nhất của công ty. Tuy nhiên, người ta dự đoán ý kiến của người đàn ông giàu nhất thế giới chắc chắn sẽ có trọng lượng lớn trong định hướng phát triển mạng xã hội Twitter.