Cả Elon Musk, Bill Gates và khoa học đều chứng minh rằng học hỏi từ sai lầm sẽ giúp bạn thành công hơn
"Sự khác biệt ở người thành công và người không thành công là người thành công nhận ra sai lầm rồi khắc phục rất nhanh trong khi người không thành công chỉ tìm cách để tránh mắc sai lầm", Elon Musk nói.
Đa số mọi người đều cho rằng họ học được rất nhiều điều từ những sai lầm hay thậm chí là thất bại của mình. Khoa học cũng đồng ý với điều này. Theo một nghiên cứu năm 2016, sai lầm gây ra hậu quả càng lớn – đặc biệt là khi chúng ta tự tin rằng mình đã làm đúng, bài học rút ra càng sâu sắc.
Tỷ phú Elon Musk từng chia sẻ: "Sự khác biệt ở người thành công và người không thành công là người thành công nhận ra sai lầm rồi khắc phục rất nhanh trong khi người không thành công chỉ tìm cách để tránh mắc sai lầm".
Năm 2000, Musk từng bị đuổi khỏi PayPal - công ty do ông đồng sáng lập vì có nhiều bất đồng về thương hiệu và quản lý. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006, khi được hỏi về chuyện cũ, Musk nói rằng "cuộc đời quá ngắn cho những mối hận thù lâu dài". Tuy việc này khiến ông tổn thương nhưng ông nhận ra rằng mình vẫn phải tiếp tục công việc.
"Bạn sẽ gặp trở ngại, khó khăn, mắc sai lầm, đụng độ với người khác hay thậm chí là cắt đứt quan hệ với một số người. Thế nhưng, đó là cách mọi thứ diễn ra trong thế giới khởi nghiệp. Đừng để những cảm xúc tiêu cực cản trở sự phát triển của bạn", vị tỷ phú chia sẻ.
Sau đó, Tesla từng có thời điểm suýt phá sản hay SpaceX cũng từng khiến các nhà đầu tư hoài nghi vì ngốn rất nhiều tiền cho các thử nghiệm tên lửa thất bại. Nhưng cuối cùng, cả hai vẫn trở thành những công ty công nghệ thành công bậc nhất và được mọi người ca ngợi, lấy làm gương.
Bill Gates cũng có chung quan điểm với Elon Musk. Ông nói: "Khi không xem sai lầm hay thất bại là tiêu cực mà là một dấu hiệu rằng đã đến lúc phải thay đổi, bạn sẽ không bị nó đánh bại. Hãy học hỏi từ sai lầm. Tất cả nằm ở cách bạn tiếp cận với thất bại".
Trước khi thành công với Microsoft, ông từng khởi nghiệp với công ty phân tích dữ liệu giao thông Traf-O-Data. Sau một thời gian, ông buộc phải dừng hoạt động công ty vì thua lỗ.
Gates từng nói: "Nhìn lại, Traf-O-Data là ý tưởng hay với mô hình kinh doanh thiếu sót. Chúng tôi đã không nghiên cứu thị trường và không lường trước được khó khăn khi các bang có dịch vụ miễn phí".
Thế nhưng cả ông và cộng sự Pau Allen đều không nản lòng. Họ đã học được những kinh nghiệm quý giá để sau này thành lập Microsoft. Trong một cuộc phỏng vấn, Allen chia sẻ: "Tuy Traf-O-Data thất bại nhưng nó là bước đệm quan trọng giúp chúng tôi tạo ra sản phẩm đầu tiên của Microsoft sau này".
Tỷ phú Bill Gates (trái) và cộng sự Paul Allen (Ảnh: Internet).
Janet Metcalfe - Tiến sĩ tâm lý học thực hiện nghiên cứu năm 2016 nhận định: "Con người có xu hướng nhớ kỹ những thiếu sót mình mắc phải. Đặc biệt, họ sẽ ghi nhớ lâu cũng như rút ra được bài học sâu sắc khi mắc sai lầm mà trước đó họ từng rất tin là mình đúng.
Có một sự thật là ngay cả những người nổi tiếng và giàu có bậc nhất cũng có lúc mắc sai lầm. Điều quan trọng nhất là cách chúng ta phản hồi và liệu chúng ta có rút ra được bài học có ý nghĩa nào không".
Tất nhiên, theo Janet, điều đó không có nghĩa là các vị sếp nên hi vọng rằng cấp dưới mắc phải sai lầm lớn. Nó chỉ có nghĩa là ai cũng có thể thử và sai nhưng phải biết nhìn nhận cũng như rút kinh nghiệm.
Nguồn: Inc