Cả đời không trọng dụng Triệu Vân, trước khi chết Lưu Bị mới nói ra chân tướng sự việc

04/11/2018 15:30 PM | Sống

Luận về công lao và tài năng, Triệu Vân không hề thua kém nhiều thuộc hạ khác dưới quyền Lưu Bị. Thế nhưng tại sao chức quan mà ông được ban cho lại chỉ là hữu danh vô thực?

Nhắc tới Lưu Bị, hậu thế không thể không nhớ tới câu chuyện gây dựng đại nghiệp đã trở thành huyền thoại của ông.

Từ một người làm nghề đan giày dệt chiếu, Lưu Bị đã chuyển mình và làm nên kỳ tích, trở thành Hoàng đế khai quốc của Thục Hán. Xét cho cùng, thành công của Lưu Bị chủ yếu đến từ biệt tài khai thác và trọng dụng nhân tài.

Năm xưa trước khi gặp được ông, Quan Vũ vốn là một kẻ phạm tội giết người, Trương Phi cũng chỉ là phường đồ tể, ngay tới nhân vật trọng yếu như Gia Cát Khổng Minh sau này thực chất cũng từng mang xuất thân nông phu.

Thế nhưng hết thảy những nhân tài ẩn mình trong thời loạn thế ấy đều nhờ Lưu Bị mà trở nên nổi danh giữa buổi quần hùng tranh bá.

Trong số những nhân vật thuộc tập đoàn chính trị Thục Hán, có một người hết sức đặc biệt. Ông chính là vị tướng làm nên kỳ tích một mình cứu chúa trong trận Trường Bản, Thường Sơn Triệu Tử Long – Triệu Vân.

Chưa vội trọng dụng Triệu Tử Long, Lưu Bị thực chất muốn "mài đá thành ngọc"

Cả đời không trọng dụng Triệu Vân, trước khi chết Lưu Bị mới nói ra chân tướng sự việc - Ảnh 1.

Triệu Vân là một trong số những vị tướng hiếm hoi vừa hữu dũng lại vừa hữu mưu. (Ảnh minh họa).

Triệu Vân (? – 229), tự Tử Long, là người Thường Sơn. Ông là danh tướng vào giai đoạn cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, cũng là một trong số những nhân vật góp công không nhỏ vào sự thành lập của nhà Thục Hán.

Triệu Tử Long xưa kia vốn đi theo Công Tôn Toản. Khi các chư hầu kết đồng minh, Lưu Bị cũng có dịp giao hảo cùng Công Tôn Toản.

Ngay từ những ngày ấy, Triệu Vân đã từng không ít lần được Lưu Bị "mượn dùng" để đi đánh giặc cùng mình. Mối quan hệ của hai người nhờ đó mà dần trở nên thân thiết.

Sau khi Công Tôn Toản qua đời, Triệu Vân đã đi tìm Lưu Bị và được ông thu nhận vào tập đoàn chính trị của mình.

Trong trận chiến ở Trường Bản, chính vị tướng họ Triệu này đã đơn thương độc mã mạo hiểm phá vòng vây để cứu A Đẩu, con trai của Lưu Bị, nhờ đó mà lập được công lao vô cùng to lớn.

Theo lẽ thường, người có công cứu giá như Triệu Vân vốn nên được quân chủ trọng dụng. Thế nhưng trên thực tế, ông chỉ có cái danh xuất hiện trong hàng Ngũ hổ tướng và cũng chỉ được phong chức vị không có mấy thực quyền.

Phải chăng có lý do nào khiến một vị quân chủ vốn thấu tình đạt lý như Lưu Bị lại cố tình không trọng dụng Triệu Tử Long?

Cả đời không trọng dụng Triệu Vân, trước khi chết Lưu Bị mới nói ra chân tướng sự việc - Ảnh 2.

Lưu Bị thực chất không bạc đãi Triệu Vân mà ngược lại muốn vị tướng này có thêm cơ hội rèn luyện để đảm đương những trọng trách lớn. (Ảnh minh họa).

Kỳ thực, việc Lưu Bị chưa giao cho Triệu Vân những chức vụ lớn cũng đều có nguyên nhân. Một trong số đó bắt nguồn từ việc Triệu Vân là một vị tướng trẻ tuổi, lại có phần nhanh mồm nhanh miệng.

Năm xưa sau trận Xích Bích, thế chân vạc thời Tam Quốc về cơ bản đã được định hình. Lưu Bị vì muốn lôi kéo lòng người nên bắt đầu luận công ban thưởng, phong chức tướng, quần thần cũng vui vẻ đón nhận.

Bấy giờ, duy chỉ có Triệu Vân cho rằng thiên hạ còn chưa hoàn toàn bình định, chuyện ban thưởng không thích hợp thảo luận quá sớm.

Lời này quả thực có phần đắc tội với những người vừa mới xả thân trong trận đại chiến trước đó, hơn nữa cũng khiến Lưu Bị không khỏi có chút khó xử.

Sự việc lần đó rất có thể đã khiến Lưu Bị nghĩ rằng, Triệu Vân tuy có tài nhưng vẫn còn trẻ người non dạ, nên rèn luyện thêm mới có thể đảm đương những chức vụ lớn.

Di ngôn của Lưu Bị cho Triệu Vân và ý muốn "chuyển giao nhân tài" cho con trai

Cả đời không trọng dụng Triệu Vân, trước khi chết Lưu Bị mới nói ra chân tướng sự việc - Ảnh 3.

Lý giải trên một góc độ khác, việc Lưu Bị chưa vội trọng dụng Triệu Vân cũng xuất phát từ ý muốn để nhân tài trẻ tuổi này phò tá con trai mình trong tương lai. (Ảnh minh họa).

Triệu Vân được coi là một trong số ít những người thuộc "Ngũ hổ tướng" vừa hữu dũng, hữu mưu.

Về phần Quan Vũ – Trương Phi, hai huynh đệ này một người thì trời sinh có tính tự phụ, một người lại quá mức ngạo mạn, vô lễ.

Chính điều đó đã khiến Lưu Bị lo rằng sau khi ông qua đời, hai vị huynh đệ kết nghĩa ấy sẽ không dễ dàng phục tùng một vị quân chủ trẻ tuổi như Lưu Thiện.

Trong khi đó, Triệu Vân lại không hề giống như Quan – Trương. Lưu Thiện trước kia cũng do một tay vị tướng họ Triệu này cứu mạng, cho nên mối quan hệ giữa hai người cũng có phần thân thiết hơn so với những người khác.

Điều quan trọng còn nằm ở chỗ, Triệu Vân là người một khi đã nhận lệnh thì chắc chắn sẽ luôn vâng mệnh mà làm việc, tuyệt đối không tự kiêu, tự đại như Quan – Trương.

giai thoại truyền lại rằng, khi Lưu Bị ủy thác di ngôn ở thành Bạch Đế, ngoại trừ Khổng Minh, Triệu Vân chính là người còn lại có mặt ở đó.

Bấy giờ, Lưu Bị đã dặn dò ông phải một lòng bảo vệ Lưu Thiện. Thậm chí, vị quân chủ ấy còn ban cho Triệu Tử Long một đặc ân: Nếu ai không thần phục ấu chúa, ông có thể thẳng tay giết chết mà không bị xử tội.

Từ đó có thể thấy, Lưu Bị thực chất vô cùng tín nhiệm Triệu Vân chứ không bạc đãi như nhiều người vẫn nghĩ.

Cả đời không trọng dụng Triệu Vân, trước khi chết Lưu Bị mới nói ra chân tướng sự việc - Ảnh 4.

Bên cạnh Khổng Minh, Triệu Vân đã được Lưu Bị chọn làm người còn lại để giao phó con trai cũng như tương lai Thục Hán. (Ảnh minh họa).

Nếu đại nghiệp Bắc Phạt của Gia Cát Lượng có thể hoàn thành, thiên hạ quy về một mối, thì người có công cứu mạng và phò tá tân đế như Triệu Vân ắt sẽ có được chức vị dưới một người trên vạn người.

Chỉ tiếc rằng chiến dịch Bắc phạt nhiều lần thất bại. Triệu Tử Long cũng bởi nhiều năm chinh chiến nơi sa trường, lao lực quá sức, sau cùng lâm bệnh qua đời trong sự nuối tiếc vô cùng của nhà Thục Hán.

Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM