BYD - Hãng xe điện đến Elon Musk cũng ‘bất khả xâm phạm’: Tốc độ tăng trưởng gần 500%, tự chủ chuỗi cung ứng pin từ nguyên liệu thô đến bộ thành phẩm
Hãng xe điện Trung Quốc BYD đang vượt xa Tesla.
Hãng xe nào có thể thống trị thị trường xe điện EV thế giới? Nhiều người đặt cược vào BYD của Trung Quốc.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài, nhiều công ty Mỹ nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi đại lục. Cùng lúc đó, người tiêu dùng cũng quay lưng lại với các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch của Mỹ, một phần do giá EV được chính phủ trợ cấp rất hời. Năm ngoái, doanh số của General Motor tại Trung Quốc đã giảm 20% trong khi Ford giảm 33,5%.
Trong cuộc đua hạn chế lượng khí thải carbon, giới chức các nước đưa ra rất nhiều các ưu đãi nhằm khuyến khích người dân mua xe điện, đồng thời biến đây trở thành chiến trường tiếp theo của các nhà sản xuất ô tô. Kết quả của BYD tự cho thấy điều đó.
Bất chấp đại dịch, BYD ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 96% vào năm ngoái trong khi thu nhập ròng đạt 16,6 tỷ nhân dân tệ (2,3 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng chạm mốc 446%, theo SCMP.
Năm ngoái, BYD thống trị Trung Quốc với 27% thị phần. Đối thủ cạnh tranh gần nhất là Tesla chỉ bán được 439.770 xe điện, tức chiếm chưa đến 10%. Trên toàn cầu, BYD cũng đã vượt qua Tesla trở thành nhà sản xuất xe điện bán chạy nhất với hơn 1,8 triệu xe. Tesla chỉ bán được 1,3 triệu vào năm ngoái.
BYD, được thành lập vào năm 1995 với tư cách nhà máy sản xuất pin sạc, bằng cách nào đã trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới? Câu trả lời nằm ở sự kết hợp hài hoà chính sách công nghiệp Trung Quốc với tư duy nhạy bén, đa di năng của chính đội ngũ lãnh đạo BYD.
Thị trường xe xăng truyền thống từ lâu đã bị thống trị bởi các công ty châu Âu và Mỹ. Việc cạnh tranh với các gã khổng lồ như vậy sẽ vô cùng khó khăn, vậy nên, Trung Quốc chuyển sang tìm kiếm cơ hội từ những chiếc xe xăng mới mẻ. Nhiều chính sách công cuối những năm 2000 đã được tạo ra nhằm khuyến khích thị trường phát triển.
Đầu tiên, chính quyền thành phố Thâm Quyến – quê hương của BYD – bắt đầu thử nghiệm xe buýt và taxi điện vào năm 2010. Điều này tạo ra những nhu cầu ban đầu đối với xe điện, đồng thời giúp thành phố dễ dàng quản lý hoạt động sạc điện dựa trên cơ sở hạ tầng sẵn có.
BYD, công ty sau này sản xuất xe buýt điện để bán cho Thâm Quyến và một số khu vực khác, theo đó được hưởng lợi. Nhận thức người dân ngày càng tăng, nhất là khi ngày càng có nhiều xe buýt điện, taxi xuất hiện xuất hiện trên đường phố. Tô Châu sau đó cũng học theo Thâm Quyến.
Nhằm kích cầu xe điện chở khách trong bối cảnh cơ sở hạ tầng sạc và phạm vi lái xe còn nhiều hạn chế, đại lục tiếp tục trợ cấp người dân mua xe. Tuần trước, các khoản ưu đãi thuế tiếp tục được gia hạn đến năm 2027.
Ngoài ra, chính phủ cũng hợp tác với các công ty tư nhân nhằm xây dựng trạm sạc trên toàn quốc. Hiện Trung Quốc có 5,2 triệu trạm sạc, trong đó, 1,8 triệu trạm công cộng và 3,4 triệu trạm tư nhân.
BYD phát triển cùng với thị trường EV của Trung Quốc. Vào năm 2011, khi các mẫu xe F3 đầu tiên của hãng vẫn chưa vượt qua được các bài test cơ bản, Elon Musk đã phá lên cười trong một cuộc phỏng vấn khi nhắc đến BYD. Để rồi cho đến năm ngoái,
chiếc SUV Atto 3 chạy hoàn toàn bằng điện của hãng đã nhận được xếp hạng an toàn 5 sao từ Chương trình Đánh giá Xe Mới của Châu Âu.
Với chiến lược tích hợp theo chiều dọc, tức giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài, BYD nhanh chóng phát triển được các mẫu xe điện hấp dẫn với mức giá phải chăng, phù hợp với đa dạng thị trường.
“Sự cạnh tranh về chi phí giữa các nhà sản xuất xe điện rất khốc liệt. Nếu không thể giảm chi phí, bạn sẽ không có lợi thế. Khả năng kiểm soát của BYD đối với chuỗi cung ứng của chính họ là vô song”, Yale Zhang, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Automotive Foresight ở Thượng Hải, cho biết.
Ngày nay, xe BYD còn sử dụng “pin phiến”, loại pin lithium iron phosphate độc quyền được cho là an toàn hơn, rẻ hơn và bền hơn so với pin lithium-ion thông thường. BYD cũng có năng lực tự sản xuất chip EV, qua đó thoải mái kiểm soát chi phí đầu vào, nguyên vật liệu cũng như chất lượng các bộ phận chính.
“Lợi thế của BYD rất rõ ràng. Pin hiệu suất cao có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh,” Jeff Cai, cố vấn trưởng của JD Power China, nói khi lấy ví dụ một số nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc vượt qua Tesla về công nghệ. “Ngoài ra, BYD còn có nhiều sản phẩm và thiết kế hợp thời trang gây được tiếng vang với khách hàng Trung Quốc”.
Trung Quốc là thị trường trọng điểm, song BYD đang mở rộng quy mô hoạt động ra hơn 15 thị trường nước ngoài, bao gồm Na Uy, Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Pháp, Israel, Thái Lan và Ấn Độ. Đối với thị trường châu Âu, BYD có kế hoạch giới thiệu dòng xe Dolphin vào cuối năm nay với mức giá 33.000 USD. Nó cũng có kế hoạch hợp tác với Saga, một trong những đại lý lớn nhất ở Mỹ Latinh, để vận hành ít nhất 100 cửa hàng ở Brazil vào cuối năm nay.
Để hỗ trợ doanh số bán xe quốc tế, BYD đang cho xây dựng một nhà máy EV ở Thái Lan và dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm tới. Hãng cũng lên kế hoạch xây dựng các nhà máy ở Việt Nam và Brazil.
Đến nay, BYD đã sản xuất hàng chục mô hình. Dòng Dynasty – được đặt tên theo các vị vua trị vì Trung Quốc – chủ yếu đánh vào phân khúc các hộ gia đình trung lưu. Dòng Ocean – đơn giản hơn - chủ yếu thu hút những người dùng trẻ. Bí quyết thành công của BYD nằm ở niềm tin kiên định rằng một ngày nào đó, pin sẽ là nguồn năng lượng thống trị, thậm chí thay thế nhiên liệu hóa thạch cho ô tô.
Như vậy, tua nhanh hàng chục năm, BYD giờ mới chính là “người cười” trong câu chuyện của Elon Musk. Vị tỷ phú cuối cùng cũng phải thừa nhận rằng những chiếc xe BYD ngày nay có tính cạnh tranh cao và rất đáng gờm.
“Chúng tôi rất tôn trọng các công ty xe hơi ở Trung Quốc”, Musk nói. “Họ có khả năng cạnh tranh cao, làm việc chăm chỉ và thông minh. Vậy nên, tôi dành rất nhiều sự tôn trọng cho các công ty xe hơi này”.
Theo: SCMP