BVSC: Lãi suất sẽ ổn định trong nửa đầu năm và có diễn biến tăng nhẹ trở lại vào cuối năm

19/04/2021 14:37 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô quý I/2021, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định lãi suất khó hạ thêm và có diễn biến tăng nhẹ trở lại vào cuối năm.

Môi trường lãi suất thấp vẫn duy trì trên toàn cầu trong phần còn lại của năm 2020

Đối với chính sách tiền tệ, mặc dù nền kinh tế đang có sự hồi phục tích cực và triển vọng lạc quan, nhưng nhiều ngân hàng trung ương lớn vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng tại thời điểm hiện tại. Trong cuộc họp chính sách tháng 2 và tháng 3 vừa qua, ngân hàng trung ương (NHTW) châu Âu ECB, NHTW Nhật Bản BoJ và Cục dự trữ liên bang Mỹ vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp, sau khi giảm xuống mức kỷ lục trong năm 2020 trước các diễn biến tiêu cực của đại dịch Covid19. 

BVSC: Lãi suất sẽ ổn định trong nửa đầu năm và có diễn biến tăng nhẹ trở lại vào cuối năm - Ảnh 1.

Cả 3 NHTW này đều cho biết sẽ duy trì chính sách này cho tới khi dịch Covid-19 được đánh giá dưới tầm kiểm soát. Đặc biệt, Fed cam kết sẽ không nâng lãi suất cho tới năm 2023 (hiện đang ở mức 0%) và sẵn sàng cho phép chỉ số lạm phát vượt lên trên ngưỡng 2%, miễn là mức trung bình dài hạn vẫn được duy trì tại mục tiêu này. Xu hướng duy trì nới lỏng, mặt bằng lãi suất thấp của các NHTW lớn, cùng với CPI vẫn trong tầm kiểm soát là điều kiện thuận lợi để mặt bằng lãi suất trong nước chưa có áp lực tăng.

Tuy nhiên lãi suất trong nước khó hạ thêm

Hiện tại, lãi suất liên ngân hàng ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tiếp tục duy trì dưới 0,5% và dưới mức trung bình của năm 2020. Thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng đang ở trạng thái tương đối dồi dào. Cùng chung diễn biến với lãi suất liên ngân hàng, trung bình lãi suất huy động kỳ hạn dài (12 tháng) tại cả ba nhóm ngân hàng vẫn đang được duy trì ở mặt bằng tương đối thấp, thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay. Mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng ghi nhận được trên thị trường (theo mẫu thông kê của chúng tôi) hiện đang ở mức 6,9%/năm và trung bình mức 5,61%, giảm 20,14% YoY.

Tính tới nửa cuối tháng 3, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2), tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng và tăng trưởng dư nợ tín dụng lần lượt ở mức 1,49%; 0,54% và 2,93% (theo Tổng cục thống kê). So sánh tốc độ tăng trưởng với cùng kỳ, tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng đều cao hơn so với mức 0,51% và 1,31% vào cuối tháng 3/2020.

 Tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu diễn ra mạnh mẽ hơn, tăng mạnh, từ 0,68% trong cùng kỳ 2020 lên 2,93%, trong khi tăng trưởng huy động vốn tăng với độ chậm hơn (từ 0,51% lên 0,54%). Nếu tín dụng tăng quá nhanh do nhu cầu vốn trong mở rộng sản xuất, đầu tư đón nhận các cơ hội mới, tăng trưởng tín dụng phần nào có thể sẽ tạo áp lực lên các ngân hàng trong việc đẩy mạnh huy động, từ đó khiến mặt bằng lãi suất khó giảm thêm. BVSC cho rằng lãi suất sẽ ổn định trong nửa đầu năm và có diễn biến tăng nhẹ trở lại vào cuối năm.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM