Bùi Công Nam: "Hồi mới vào nghề, cát-xê của tôi là 7-10 triệu cho 1 bài hát. Giờ đây con số đó gấp 10 lần..."
Cùng ngồi xuống trò chuyện với ca sĩ - nhạc sĩ Bùi Công Nam - người đứng sau loạt hit Tết "quốc dân" được đông đảo khán giả yêu mến suốt những năm qua.
Mùa Tết năm nay, ắt hẳn bạn đều đã nghe qua ít nhất một sáng tác nhạc Tết của Bùi Công Nam. Nếu không phải Năm Qua Đã Làm Gì thì cũng Xuân Này Con Sẽ Về hay Tự Giác Đi. Chưa dừng lại ở đó, Bùi Công Nam cũng có niềm vui lớn trong năm 2022 khi sở hữu bản hit sáng tác cho Trúc Nhân: Có Không Giữ Mất Đừng Tìm.
Cùng ngồi xuống trò chuyện với ca sĩ - nhạc sĩ Bùi Công Nam - người đứng sau loạt hit Tết "quốc dân" được đông đảo khán giả yêu mến suốt những năm qua. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để nam nhạc sĩ trải lòng, nhìn về những năm đầu tiên của sự nghiệp và hướng đến tương lai đầy hứa hẹn.
Hiện tại đối với bạn viết nhạc là việc làm, lẽ sống hay thú vui?
Tôi nghĩ là cả 3. Trước đó tôi viết nhạc vì thú vui, không nghĩ sẽ là cái nghề vì khá bấp bênh. Hồi đó định hướng của tôi thường đi hát nhưng tự nhận thấy bản thân còn ít nổi trội so với những ca sĩ đồng trang lứa lúc đó. Có khoảng thời gian tôi thấy mình vô định, may mắn thay ông trời dẫn lối đi theo hướng sáng tác. Tôi từng đi thi nhiều cuộc thi hát như The Voice, Việt Nam Idol nhưng đều dừng chân ở vòng loại. Trước Sing My Song thì hầu như The Voice mùa nào tôi cũng thi nhưng chưa lên vòng giấu mặt đã bị loại. Còn sâu nhất là thi XFactor mùa đầu cùng với Loki Bảo Long, Lê Tích Kỳ. Khi đó tôi thường đi hát acoustic rồi cà phê để kiếm tiền qua ngày, hát để nuôi sống bản thân chứ không nghĩ sẽ là nghề làm lâu dài. Hồi đó tôi cũng đi học điện tử nhưng sau không có đam mê nên bỏ rồi qua bên Văn hoá Nghệ thuật Quân đội trước khi thi Sing My Song. Sau đó nhiều việc nên tôi cũng không học nữa mà vào công ty anh Nguyễn Hải Phong. Trước khi thi Sing My Song tôi cũng viết nhạc chơi chơi nhưng cũng chỉ là do thích nhiều nghệ sĩ mà bắt chước theo cho vui. Thời gian thi chương trình tôi cũng học hỏi được nhiều điều. Tôi nghĩ bản thân biết viết nhưng không có cơ hội để khai sáng ngay từ đầu.
Tôi nghĩ bắt đầu từ bài Vậy Coi Được Không cho webdrama Ai Chết Giơ Tay của Huỳnh Lập thì sự nghiệp nhạc sĩ mới chính thức "sang trang" với tôi. Trước đó sau khi thi xong tưởng như sẽ thành công nhưng vẫn rất vô định, tôi không có nhiều lời mời đi hát hay hợp tác để viết nhạc. Vì đa phần họ thấy trên TV nhưng để đặt bài thì chưa vì cần những bài hát mang tính thị trường hơn. Hồi đó tôi phải đi hát mấy show sinh viên chơi chơi 1-2 triệu để kiếm sống, mà 1 tháng cũng chỉ tầm 1-2 show chứ mấy. Xong gần nguyên 1 năm trời, sau khi vào công ty anh Phong có làm bài Tự Giác Đi nhờ đó mà anh Lập mới biết tới để đặt bài. Từ bước ngoặt đó mới có rất nhiều lời mời, tôi mới coi đó là công việc chính thức. Bùng nổ nhất là sau CATENA sáng tác cho chị Tóc Tiên, mọi người đã công nhận Bùi Công Nam là 1 nhạc sĩ mới trong làng nhạc Việt.
Năm 2022 đối với bạn ra sao: khởi sắc hay cũng "thường thường"?
Nếu mà nói khởi sắc thì tôi nghĩ không phải vì 2022 với tôi cũng giống như những năm trước, chỉ khác là năm nay đa phần là tôi viết cho người khác, không ra nhạc cá nhân.
Tôi nghĩ mọi thứ đều là cái duyên vì năm nay tôi có được Có Không Giữ Mất Đừng Tìm. Đây cũng không hẳn là ca khúc có sẵn đem đi gửi mà tôi viết do đơn đặt hàng của anh Trúc Nhân nên tôi cũng không thể lấy ca khúc đó để làm sản phẩm của mình. Bài tôi viết cho đám cưới Anh Tú - Diệu Nhi cũng không phải là sản phẩm có sẵn gửi demo cho nghệ sĩ mà đều là sáng tác có chủ đích, tôi không viết cho mình nên nó vốn thuộc về họ. Còn những bài hát tôi viết chủ đích cho bản thân thì mãi vẫn chưa có cơ hội thích hợp để phát hành.
Khi viết 1 ca khúc cho nghệ sĩ tôi đều đặt hết tâm trí để phát triển tốt nhất ý tưởng đó chứ không có suy nghĩ viết cho nghệ sĩ là không bằng. Bài nào tôi viết cũng đặt hết tâm huyết của mình vào đó. Đa phần những bài hát của tôi đều không quá hoa mỹ, ca từ cũng không thách đố mà sẽ là những điều rất thường, mọi người đều có thể hiểu. Tuy nhiên, nó cũng sẽ không quá "bình dân" đến mức khiến người nghe phải khó chịu. Tôi nghĩ những sáng tác của mình mang hơi hướng dễ nghe, dễ hiểu.
Vậy thì theo bạn, những sáng tác nào thì bạn xếp vào "bình dân" và "hàn lâm"?
Cái này cũng hơi nhạy cảm, tôi nghĩ mỗi nghệ sĩ sẽ có nhóm khán giả khác nhau và họ cũng có cho mình những gu âm nhạc khác nhau. Việc phân mainstream, underground hay chia kiểu nhạc hội chợ, thị trường, hàn lâm thì đối với tôi thể loại nào cũng sẽ có đối tượng khán giả riêng…. Nếu giờ bắt tôi viết nhạc hàn lâm tôi cũng sẽ không viết được. Nhưng đó là do tôi không thuộc đối tượng nhạc sĩ viết được những thể loại như vậy chứ cũng không hề đánh giá người này thì thấp, còn người kia cao. Mỗi nghệ sĩ sẽ có sứ mệnh và sở trường riêng khiến họ phát huy khả năng tốt nhất nên tôi nghĩ việc "bình dân" hay không sẽ do khán giả phân loại, tùy thuộc vào gu và sở thích nghe của từng người. Tôi nghĩ đối tượng khán giả của mình là nhạc thị trường nhưng không quá dễ dãi nhưng cũng không quá rộng.
Còn về nhạc hàn lâm thì theo cảm nhận của tôi thì những người theo nhạc hàn lâm sẽ lý tính hơn cảm tính. Khi nghe 1 ca khúc, họ sẽ phân tích nhiều hơn là tập trung vào cảm xúc, họ muốn viết bài hát có chiều sâu về kỹ thuật, tính toán hơn. Ca sĩ hàn lâm cũng vậy, họ cũng sẽ tập trung vào kỹ thuật hơn là cảm xúc đưa vào bài hát. Còn những nghệ sĩ mainstream kiểu như tôi, đương nhiên vẫn đặt nặng chuyên môn nhưng sẽ không quá cao, thay vào đó sẽ tập trung vào cảm xúc. Điều này cũng tạo nên sự khác biệt giữa đối tượng người nghe "hàn lâm" và mainstream. Những khán giả hay nghe hàn lâm nếu nghe nhạc thị trường sẽ không thích vì không có tính chuyên môn cao. Tôi rất thích Tùng Dương vì ở Việt Nam thì anh là số ít giọng ca có thể vừa hát được nhạc hàn lâm vừa hát được thị trường mà vẫn rất hay. Tôi thấy có nhiều người thường bình luận không tích cực khi Tùng Dương cover các bài hát nhưng với cá nhân tôi, tôi nghe bài nào cũng thích. Nhạc hàn lâm anh Tùng Dương hát ra, kỹ thuật mà nhạc thị trường cũng không bị thiếu cảm xúc.
Tôi cũng học được từ anh Phong kể từ khi tham gia Sing My Song. Trong cuộc thi thì đặt yếu tố chuyên môn nhiều hơn cảm xúc nhưng ra ngoài thị trường nếu muốn đánh vào dòng nhạc mainstream thì không thể quá đi sâu vào kỹ thuật vì như vậy sẽ vừa khiến sản phẩm làm chưa tới vừa có ít lượng khán giả ủng hộ.
Nếu quan niệm những ca khúc "hàn lâm", nghệ sĩ "hàn lầm" không có nhiều cảm xúc thì có vẻ khá mạo hiểm, đánh đồng?
Cảm xúc ở đây là không nhiều bằng các ca khúc mainstream thôi vì nhạc hàn lâm đều được tính toán từ câu chữ đến nốt nhạc, nếu để 1 người bình thường hát sẽ rất khó. Đương nhiên có những khán giả nghe nhạc hàn lâm rất thích nhưng không hát lại được vì đòi hỏi chuyên môn quá cao.
Cũng nhắc về "hàn lâm" thì năm qua, diva Thanh Lam cũng từng cover sáng tác của bạn - Có Không Giữ Mất Đừng Tim - theo cách mà netizen hay gọi là "ô dề". Cảm xúc của bạn ra sao khi nghe bản cover mà… không nhận ra sáng tác của mình?
Thường nghệ sĩ hàn lâm sẽ tập trung kỹ thuật quá cao mà quên mất bài hát còn cần những yếu tố khác. Đối với những khán giả bình thường, họ cần những yếu tố khác ở 1 ca khúc ngoài kỹ thuật. Với bản cover đó thì chị Thanh Lam phô diễn quá nhiều kỹ thuật hơn là nội dung bài hát đang muốn nói. Sau đó bản cover chị hát lại trong chương trình Giao Lộ Thời Gian lại khác rất nhiều vì có sự trợ giúp từ anh Dương Cầm để dung hòa giữa yếu tố hàn lâm và thị trường. Ngoài năng lượng thì một phần do kỹ thuật của chị Thanh Lam cũng tốt quá nên luôn luôn được thể hiện qua phần trình diễn.
Lúc tham gia Giao Lộ Thời Gian, được gặp gỡ chị ấy, tôi cũng không dám hỏi về vấn đề "tế nhị" ấy - chị Lam thì cũng không đề cập, nhưng tôi nghĩ chị vẫn đọc được những bình luận không mấy tích cực. Sau bản kết hợp cùng tôi thì thấy phản ứng của khán giả tốt hơn vì mang nhiều yếu tố cảm xúc hơn là kỹ thuật.
Cảm giác hát với 1 diva với anh là như thế nào? Lại còn là 1 diva "thét ra lửa", với nội lực có thể xem là đứng đầu trong số 4 diva của Việt Nam
Thật ra ban đầu tôi rất sợ, không phải sợ chị Lam hay bất cứ ai mà sợ bản thân mình bị lép về quá, ảnh hưởng đến phần trình diễn và nhận nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả. Cũng cực kỳ may khi anh Dương Cầm đã hổ trợ cho màn kết hợp của 2 chị em. Tôi nghĩ một phần chị Lam cũng nương nhẹ chứ nếu hát như bình thường chắc "nuốt chửng" tôi mất. Sau đó 2 chị em cũng trao đổi về màn trình diễn, chị Thanh Lam cũng muốn đặt bài của tôi rồi xin mấy bài để đi diễn, tôi cũng rất sẵn lòng. Khán giả nhìn chị Lam bình thường gai góc vậy chứ chị nói chuyện rất dễ thương, khi kết hợp thì chị cũng nương theo và tiếp thu ý kiến của tôi. Đôi khi có những câu hát tôi góp ý chị nên hát như này thì sẽ đúng với thông điệp ca khúc truyền đạt thì chị vẫn vui vẻ sửa đổi.
Năm nay không chỉ chị Thanh Lam, mà kha khá các thế hệ tạm gọi là "đàn anh đàn chị" dường như có một tình yêu đặc biệt với việc… cover nhạc trẻ. Từ các chị diva như Thanh Lam, Hồng Nhung, Hà Trần rồi đến Thu Phương, Thanh Thảo,... nhưng nhìn chung, không nhiều tiết mục khiến dư luận hoàn toàn hài lòng. Bạn nghĩ sao?
Tôi nghĩ âm nhạc là vô định, chỉ cần mình hát và được khán giả đón nhận chứ không quá đặt nặng vấn đề nghệ sĩ hàn lâm là không được hát nhạc trẻ. Muốn gia tăng sự mến mộ của khán giả thì tôi nghĩ nghệ sĩ phải vừa thể hiện được dòng nhạc họ theo đuổi vừa hát tốt được thể loại không phải sở trường. Đó là cơ hội để họ thể hiện mình với đối tượng khán giả của họ.
Tôi không đọc được nhiều bình luận nhưng tôi nghĩ cũng tuỳ bài hát, mới do cả bản phối. Như tôi thấy anh Tùng Dương hát bài nào cũng hay, hay như chị Hà Trần, O Sen Ngọc Mai hát nhạc trẻ cũng rất hay. Đó là do giám đốc âm nhạc làm bản phối quá hay và hợp lý, còn nếu phối không tốt sẽ rất dễ bị "ố dề" nên khi dung hoà được 2 thể loại nhạc thì sẽ tạo nên một phần trình diễn thành công cho người nghệ sĩ đó.
Là một nhạc sĩ đã có tên tuổi, hit lớn cũng có, hẳn không dễ để có 1 sáng tác của Bùi Công Nam về kho bài hát của 1 nghệ sĩ?
Hồi trước thì tôi hợp tác với tất cả nghệ sĩ, viết rất nhiều, có những nghệ sĩ họ lấy bài mà giờ vẫn chưa ra. Nhưng đến bây giờ thì tôi chọn lọc hơn, không phải vì chảnh mà do đến một giai đoạn mới thì bản thân phải thay đổi. Tôi cũng không đủ thời gian và chất xám để có thể viết nhiều như hồi trước. Ngày xưa viết được nhiều vì chưa được khán giả biết đến, giờ thời gian phải dành cho những việc khác như viết quảng cáo, đi hát nên nếu để viết nhạc thì giờ tôi tập trung cho mình hơn là nghệ sĩ. Tất nhiên, trừ khi là nghệ sĩ mình quá thích hoặc ca khúc đó hợp với họ thì tôi sẽ gửi chứ không có chủ đích viết cho người khác hát.
Vậy giờ hẳn là cát xê của bạn cho 1 ca khúc cũng tăng nhiều so với thời điểm mới vào nghề đúng không?
Tôi nghĩ cũng tăng nhiều. Hồi mới vào nghề sau Sing My Song thì tôi viết 7-10 triệu 1 bài, khá rẻ vì thời điểm đó cũng là 2017-2018. Còn giờ chắc phải nhân 10 đó vì dù gì cũng phải xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Bây giờ một khi đã nhận viết thì tôi cũng tập trung viết để tạo ra sản phẩm tốt nhất có thể.
Không biết "hậu trường" ra sao nhưng ở trước mặt, các nghệ sĩ hợp tác đều khen tôi tế nhị, dễ chịu, nhiệt tình. Không riêng gì ca sĩ mà tôi làm việc với các brand cũng rất nhiệt tình, nếu xảy ra khúc mắc trái chiều thì tôi cũng trao đổi rất vui vẻ, cũng không đăng lên MXH hay nói bất cứ điều gì về người mình không thích. Đương nhiên khi làm việc chắc chắn sẽ có những mâu thuẫn nhưng đa phần tôi sẽ chọn hướng giải quyết êm đẹp và vui vẻ. Do vậy mà tôi cũng tự tin chưa có ai ghét mình, thậm chí giận cũng không có. Các nhãn hàng cũng vậy, họ thường quay lại làm việc với tôi nên tôi nghĩ thái độ làm việc của mình tốt họ mới quay lại.
Năm nay, thị trường nhạc Tết dường như Bùi Công Nam "thống lĩnh" với đa phần là các ca khúc do những nhãn hàng đặt bài?
Bài nhạc Tết thành công nhất của tôi là Năm Qua Đã Làm Gì ra mắt hồi đầu năm 2021 - nó như một bài Tết quốc dân được nhiều khán giả yêu mến, nhắc đến bài Tết là mọi người có thể bật ngay bài đó và hầu như ai cũng biết từ con nít đến người già cũng ngồi hát theo. Tôi nghĩ từ ca khúc đó mà rất nhiều nhãn hàng họ thấy được khả năng viết nhạc Tết của tôi. Sau đó tôi ra bài Tết Này Con Sẽ Về năm ngoái cũng khá ấn tượng khiến năm nay nhiều nhãn hàng tìm đến tôi. Thường tôi cũng bận nhất vào dịp Tết, tôi với anh Huỳnh Hiền Năng vì 2 anh em đều là 2 nhạc sĩ viết Tết. Tôi với anh Năng gần như là "đối thủ cạnh tranh" trong thị trường nhạc Tết nhưng thấy anh rất dễ thương, 2 anh em cũng thường xuyên trao đổi. Thậm chí có lần tôi với anh Huỳnh Hiền Năng còn trao đổi job với nhau vì nhiều quá không viết kịp.
Làm với các nhãn hàng có lợi khi những chi phí thực hiện bài hát, MV họ sẽ cung cấp cho mình. Tuy nhiên, có nhiều bài hát ban đầu viết ra tôi rất thích và muốn nó phải đi theo hướng này nhưng khi nhận phản hồi từ nhãn hàng thì họ lại đưa bài hát theo hướng rất branding, khiến cho bài hát không được hay như ban đầu. Bài Tết Này Con Sẽ Về thực chất là viết để pitching cho 1 brand, khi tôi viết xong thì họ rất thích nhưng lại muốn đổi một vài hướng theo brand nên tôi không nhận. Cuối cùng tôi tự ra ca khúc đó và nhận được hiệu ứng tốt, tôi tin chắc nếu làm theo brand thì sẽ không đạt được hiệu ứng như vậy.
Có một sản phẩm trong năm nay cũng khiến tôi chưa hài lòng, tôi tin bản demo ban đầu sẽ viral hơn nhưng brand đổi lại quá nhiều, từ melody, lyrics, bản phối khiến tôi khá khó chịu khi làm job đó, sửa đến lần thứ 3 là tôi không đồng ý làm và đưa brand họ tự làm.
Có những bài hát thuần theo brand thì bản thân mình sẽ thấy hợp lý, như bài Điện Máy Xanh của anh Dương Khắc Linh rất viral luôn nên tôi nghĩ có những dự án cần sự branding như vậy. Còn nhiều khi nhãn hàng không đưa branding vào ngay từ đầu nên tôi sẽ tập trung viết như bình thường để tạo hiệu ứng viral nên sau khi nhãn hàng yêu cầu đưa quá nhiều yếu tố branding vào khiến tôi khá khó chịu vì mất đi hướng ban đầu tôi viết. Thật ra brand cũng có lý do vì bỏ tiền làm thì phải thể hiện những điều họ mong muốn, tuy nhiên ngay từ đầu họ cần trao đổi kỹ thì sẽ không phải tốn nhiều thời gian sửa đi sửa lại, vì chỉ cần 2 ý đồ là có thể tạo nên 2 bài hát hoàn toàn khác nhau. Mặc dù bài hát có thể vẫn lên top trending nhưng sẽ khiến hai bên cảm thấy không thoải mái.
Thị trường nhạc quảng cáo hẳn khốc liệt lắm?
Tôi nghĩ nếu xét nghệ sĩ làm nhạc quảng cáo thì không khốc liệt, chỉ có brand làm quảng cáo mới khốc liệt thôi vì nhiều nhãn hàng họ đối đầu với nhau. Ví dụ như bảo hiểm có tận 4-5 nhãn hàng book tôi làm nhạc là đã thấy độ cạnh tranh. Đối với nhạc sĩ hay làm nhạc quảng cáo thời gian gần đây thì chắc có tôi, Hứa Kim Tuyền, Huỳnh Hiền Năng, Châu Đăng Khoa và Mew Amazing. Hiện tại thì chắc chỉ có tôi với Hứa Kim Tuyền là nhiều nhất. Tôi cũng rất nể Tuyền với khả năng viết liên tục rất tốt, còn tôi bị dính nhiều thời gian cho brand nên thường viết full bài cho nghệ sĩ sẽ không được nhiều.
Đó cũng là lý do mà bên cạnh nhạc quảng cáo, tôi đặt ra mục tiêu 1 năm phải có ít nhất 1 bài hit, không quan trọng là tôi hát hay nghệ sĩ khác hát. Điều đó sẽ khiến mọi người hiểu rằng tôi không chỉ viết nhạc quảng cáo mà hoàn toàn có khả năng làm hit. Cũng trộm vía là năm nào tôi cũng có 1 bài hit.
Tết đối với bạn có lẽ mang lại rất nhiều cảm xúc để truyền tải những câu chuyện gửi đến khán giả?
Tết với tôi rất nhiều cảm xúc. Với tôi, kỷ niệm nhớ nhất trong năm là ngày Tết vì từ nhỏ đến giờ, cứ Tết là có rất nhiều điều để nói nên mỗi khi Tết đến, cảm xúc trong tôi rất nhiều. Hồi đó đi học chỉ mong đến Tết rồi qua Tết là rất buồn. Bạn có biết rằng ngày xưa nhà tôi từng bị cháy ngay mùng 2 Tết tại vì nấu bánh chưng bằng bình gas, cũng may là không ai bị gì quá nặng. Đây cũng là kỷ niệm mà tôi nhớ suốt đời. Cũng vì thế mà Tết tôi thường có nhiều ý tưởng để viết nhạc.
Nhà tôi ăn Tết thì cũng như mọi nhà thôi. Ở Đắc Lắc quê tôi mấy ngày trước Tết mọi người sẽ làm tiệc tất niên, dọn nhà rồi 30 Tết ngồi chơi với nhau, uống bia uống rượu, cùng đón giao thừa. Sáng mùng 1 mùng 2 ra thắp nhang ông bà tổ tiên, đi thăm họ hàng, mùng 3 là đi với bạn bè, mùng 4 có thể đi chơi linh tinh. Chỉ có vậy nhưng cũng vui vì mình được gặp những người lâu rồi không gặp rồi đem lại cho mình những cảm giác mà không có ở thành phố. Tôi thường cố gắng sắp xếp công việc để về quê nhiều hơn, như năm nay là đã về được 2 lần.
Khi một gia đình có nhạc sĩ nổi tiếng, được nhiều người biết đến sẽ như thế nào trong dịp Tết?
Nói chung ba mẹ cũng tự hào đấy. Nhưng những năm trước, thường cái nghề của tôi ở quê không được phổ biến nên có thời gian bị mọi người dè bỉu, rồi nói theo đuổi âm nhạc không có ổn, nhưng lúc mình thành công thì họ sẽ có cái nhìn khác. Giờ tôi thành công ba mẹ ra đường cũng được hỏi nên tôi nghĩ họ cũng vui và tự hào.
2022 là năm làng nhạc Việt khởi sắc thực sự sau dịch, bạn có thấy thế?
Tôi thấy năm trước đến năm nay nhạc Việt đã có sự chuyển giao, thế hệ gen Z ngày càng phát triển như Mono, Hieuthuhai, Grey D, tlinh, Amee… Các bạn đang dần định hướng được công chúng nghe nhạc mới lạ, hiện đại hơn. Đó là điều tốt vì âm nhạc phải luôn phát triển, có một khoảng thời gian đi đâu cũng thấy ballad, nhạc hiện đại thường hiếm. Cũng nhờ Rap Việt rồi thế hệ nghệ sĩ trẻ khiến khán giả dần nghe những thể loại âm nhạc đa dạng, sang và mới mẻ hơn. Trước đó khán giả thường ít nghe funky, hiphop, trap, r&b nhưng bây giờ nó đã trở thành trào lưu, thậm chí còn được yêu thích hơn cả ballad. Tôi nghĩ đó là điều tích cực.
Dù quá lứa Gen Z nhưng thật ra tôi nghĩ mình làm được nhưng tôi không chịu làm. Một phần cái mood thì mình làm được nhưng ca từ có thể sẽ không rõ và ra chất Tây hoá như các bạn Gen Z. Nghe các bài hát của Gen Z từ âm thanh, ca từ đều thấy rất mới, hiện đại. Còn về lyrics thì tôi nghĩ người làm tốt nhất trong Gen Z hiện tại là tlinh rồi các bạn rapper, câu chữ của họ tự nhiên như văn nói nhưng vẫn trẻ trung, thú vị mà mình nghe cũng có thể học theo để phát triển được.
2023 sẽ là một Bùi Công Nam - nhạc sĩ sáng tác cho người khác, hay Bùi Công Nam - ca sĩ hát nhạc mình sáng tác?
Tôi nghĩ chắc chắn sẽ ra 1 bài cá nhân đầu năm. Cũng có nhiều nghệ sĩ liên hệ nhưng tôi không đủ tự tin để viết tốt cho họ. Thật ra những bài hit tôi từng làm cho các nghệ sĩ trước đây cái bóng vẫn còn quá lớn để vượt qua, đó cũng là bài toán dành cho tôi. Các nghệ sĩ như anh Trúc Nhân rồi chị Tóc Tiên là thường sẽ đợi bài của tôi nhưng để gửi demo hoàn chỉnh cho họ thì tôi phải cần nhiều thời gian, còn trong năm tới tôi chưa đủ tự tin nên sẽ tập trung làm cá nhân trước. Còn nếu có demo hợp với nghệ sĩ khác thì tôi sẽ gửi chứ chưa có chủ đích viết cho họ trong năm tới.
Năm rồi cũng đặt nhiều mục tiêu nhưng chưa thực hiện được nên năm nay chắc chắn tôi sẽ hạ quyết tâm, cố gắng sẽ ra 2 bài trong năm nay vì demo là có rồi nhưng không có thời gian làm. Tôi là một nhạc sĩ thiên về quảng cáo nhờ học được những kinh nghiệm từ anh Phong. Hồi trước anh Phong cũng làm nhiều nhạc quảng cáo rồi đưa cho tôi viết rồi anh sẽ gửi phản hồi để tôi rút kinh nghiệm. Điều đó cũng giúp tôi rất nhiều trong việc viết nhạc quảng cáo với nhiều mood khác nhau. Anh Huỳnh Hiền Năng cũng nói nể phục tôi vì có thể viết những đoạn ngắn 30 giây mà vẫn hay, nếu là anh thì phải viết cả bài hoàn chỉnh. Tôi nghĩ đó cũng là yếu tố may mắn mà mình có được.