Bức tranh lợi nhuận phân hoá của nhóm ngân hàng tư nhân: Techcombank, VPBank lãi đậm, 6 ngân hàng đi lùi
Quý I/2024, loạt ngân hàng thương mại báo lãi từ vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng như VPBank, Techcombank, HDBank, LPBank, Sacombank… Song, bức tranh lợi nhuận ba tháng qua cũng phân hoá khi MB, VIB, ACB, BVBank đồng loạt ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm.
Tính đến 29/4, hơn 20 ngân hàng tư nhân đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Trong đó, 14 nhà băng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 0,003%-165%. 6 nhà băng có kết quả đi lùi.
Nhà băng tư nhân lãi đậm
Đứng đầu trong danh sách nhà băng báo lãi đậm trong quý đầu năm là Techcombank, với hơn 7.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 38,7% so với cùng kỳ. Sau thuế, ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận 6.277 tỷ đồng, tăng 38,3%. Nhờ đó, quý I/2024 vượt quý II/2022 trở thành ba tháng có lãi cao kỷ lục trong lịch sử của Techcombank.
Trong quý I, thu nhập từ lãi thuần của nhà băng tăng hơn 30%, từ 6.526 tỷ lên hơn 8.499 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán đầu tư cũng mang đến lợi nhuận "khủng" nghìn tỷ cho nhà băng so với khoản lỗ hơn 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh ngoại hối của Techcombank cũng thoát lỗ, ghi nhận lãi thuần hơn 544 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Techcombank không phải là nhà băng tư nhân duy nhất ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý I/2024. Trong quý đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 64% so với quý liền kề.
Tính riêng ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế quý I/2024 đạt hơn 4.900 tỷ đồng, gần gấp đôi so với quý liền kề. Kết quả kinh doanh cải thiện của VPBank đến từ việc ngân hàng tối ưu thu nhập từ hoạt động, chỉ số này đạt hơn 9.800 tỷ đồng, tăng 14%. Trong đó, thu nhập lãi thuần – "nồi cơm chính" của nhà băng tăng 25%.
Động lực tăng trưởng của VPBank trong quý I/2024 còn đến từ việc tiết kiệm chi phí vốn, theo CEO Nguyễn Đức Vinh tại Đại hội cổ đông hôm 29/4. Ba tháng qua, chi phí vốn của ngân hàng mẹ giảm còn 4,7% so với mức 6,2% năm ngoái.
Nhà băng bứt tốc mạnh mẽ về tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024 là BVBank. Nhờ tăng trưởng cao từ nguồn thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong ba tháng đầu năm, BVBank ghi nhận lãi trước thuế đạt 69 tỷ đồng, tăng 165% so với mức lợi nhuận 29 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính mới được LPBank công bố, lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024 của ngân hàng "bứt tốc", đạt 2.886 tỷ đồng, hơn 84% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ lãi thuần mảng dịch vụ cao đột biến, gấp gần 4 lần cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần tăng mạnh kết hợp với việc kiểm soát chi phí hoạt động là yếu tố giúp lợi nhuận LPBank tăng mạnh.
Tính đến 31/3/2024, tổng tài sản của LPBank đạt gần 409.764 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng hơn 11,7% lên gần 307.687 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,39%. Tiền gửi khách hàng đạt hơn 261.994 tỷ đồng, tăng gần 10,4%.
Một ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục trong quý vừa qua là SHB. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Tổng giám đốc Ngô Thu Hà cho biết, lợi nhuận trước thuế nhà băng đạt hơn 4.017 tỷ đồng, hoàn thành 35% kế hoạch năm. Đây là mức lợi nhuận quý I cao nhất lịch sử hoạt động của SHB.
Các ngân hàng khác như HDBank, OCB, MSB, TPBank, SeABank… cùng gia nhập vào CLB lãi nghìn tỷ giới ngân hàng.
Phần còn lại đi lùi
Trái ngược, dù vẫn đứng thứ hai về lợi nhuận trong nhóm ngân hàng tư nhân, chỉ số này tại MB lại thay đổi theo chiều hướng đi lùi. Thu nhập lãi thuần nhà băng này đạt 9.062 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.795 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.624 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, các chỉ tiêu nói trên giảm lần lượt 11,4%, 11% và 11,2%.
Tại thời điểm 31/3, MB cho vay 615.317 tỷ đồng, tăng trưởng 0,7%. Trong đó, nợ xấu ở mức 15.294 tỷ đồng, chiếm 2,49% tổng cho vay khách hàng, tăng so với hồi đầu năm. Điều này cũng khiến khoản trích lập dự phòng rủi ro của MB trong ba tháng qua tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2.700 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác có kết quả lợi nhuận đi lùi trong ba tháng đầu năm là VIB. Kết thúc quý I/2024, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó tổng thu nhập hoạt động đạt 5.320 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiện, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm 7%, đạt 2.500 tỷ đồng so với mức 2.694 tỷ đồng trong quý I/2023.
Trong khi đó, ABBank là ngân hàng có sự sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế. Hết quý I/2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận trước thuế của nhà băng đạt hơn 192 tỷ đồng, giảm hơn 68%. Các chỉ số về thu nhập lãi thuần, thu từ hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư, đều ghi nhận lãi giảm. Đặc biệt, mảng hoạt động kinh doanh ngoại hối tại nhà băng này giảm hơn 50% kéo theo kết quả kinh doanh sụt giảm của ABBank trong ba tháng đầu năm. Trước đó, tại Đại hội cổ đông, nhà băng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 1.000 tỷ đồng, gần gấp đôi mức thực hiện năm 2023.
Năm nay, giới phân tích kỳ vọng vào sự tăng trưởng của ngành ngân hàng. Theo báo cáo về ngành ngân hàng của MBS, kết quả kém khả quan trong năm 2023 tạo ra một nền so sánh thấp cho tăng trưởng 2024. Bên cạnh đó, MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan cùng với NIM được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì.
Ở chiều thận trọng hơn, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận các nhà băng tiếp tục phân hóa mạnh trong 2024, với mức tăng trưởng trung bình ngành khoảng 10%. Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.