Bữa trưa đặc biệt giữa hai “bố già” AI thế giới và nhà sáng lập công ty công nghệ tỷ USD của Việt Nam
Cũng giống như rượu vang, AI cần thời gian và sự chăm chút để đạt được điều tuyệt vời trong tương lai nhưng cũng cần phải cần phải thiết thực và được “tận hưởng” trong hiện tại.
Hai vĩ nhân có tầm ảnh hưởng toàn cầu về AI là Giáo sư Yoshua Bengio và Giáo sư Yann LeCun lần đầu tiên đến Việt Nam, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình ngay lập tức kết nối. Buổi gặp mặt đặc biệt giữa những con người ở hai nửa bán cầu, giữa những nhà khoa học cùng đau đáu về tương lai của nhân loại trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã diễn ra ngay tại tư gia của ông Bình trong cái nắng đầu đông và khung cảnh đậm chất văn hóa Việt Nam. Nét văn hóa Việt Nam ấy toát lên từ chính căn biệt thự theo kiến trúc nhà vườn cùng các món ăn của người Hà Nội xưa do đích thân phu nhân ông Bình chuẩn bị.
Trong bữa trưa với những món ăn truyền thống của Việt Nam, bún chả, nem rán…. Giáo sư Yoshua Bengio đã gợi mở câu chuyện trách nhiệm AI bằng Bộ phim truyền hình yêu thích nhất của ông “Years an Years’ (PV- Series phim truyền hình viễn tưởng về sự thay đổi của cuộc sống con người trong một thế giới không ngừng thay đổi với sự phát triển của công nghệ, trong đó có công nghệ AI).
“Đây là một bộ phim rất thú vị ,” Giáo sư Yoshua Bengio nói với vẻ mặt đầy hào hứng. “ Bộ phim khắc họa một tương lai bị ảnh hưởng sâu sắc bởi AI, AI đã thay đổi cuộc sống và xã hội. Ví dụ, có một nhân vật làm nghề kế toán bị mất việc vì tự động hóa, một cô gái trẻ mơ ước tải ý thức của mình lên đám mây, và cả thế giới phải đối mặt với những vấn đề đạo đức.”
Câu chuyện của Giáo sư Yoshua Bengio đã khiến Giáo sư Yann LeCun bật cười . “À, lại thêm một kịch bản AI ‘hủy diệt việc làm’. Để tôi đoán AGI (Siêu trí tuệ nhân tạo - Artificial General Intelligence) sẽ chiếm lấy thế giới?”.
Đáp lời Yann LeCun, Giáo sư Yoshua Bengio, với tinh thần lạc quan, mỉm cười. “Không hẳn. Nhưng đó là lời nhắc nhở về sự hai mặt của AI, vừa có tiềm năng to lớn, vừa tiềm ẩn những rủi ro.”
Ở góc bàn đối diện, ông Bình thêm vào một câu bông đùa: “ Nếu AI có thể giúp tôi nhớ mình để kính ở đâu, thì tôi hoàn toàn ủng hộ!” Tiếng cười một lần nữa lan tỏa khắp bàn ăn.
Cuộc trò chuyện trở nên sâu sắc hơn khi "ông tổ" trong lĩnh vực học sâu và mạng nơ ron nhân tạo, Yoshua Bengio lập luận về sự cần thiết phải đảm bảo AI luôn an toàn và phù hợp với giá trị con người. Theo ông cho dù AI chưa đạt đến trí thông minh nhân loại nhưng cũng cần bắt đầu nghĩ về rủi ro từ bây giờ, cũng giống như rượu vang, AI cần thời gian và sự chăm chút để đạt được điều tuyệt vời.
Giáo sư Yann LeCun, với quan điểm thực tế, đáp lại, cũng giống như rượu vang, AI cần phải thiết thực và được tận hưởng trong hiện tại. AI sẽ không sớm mất kiểm soát vì khoảng cách giữa khả năng của AI và não người còn rất lớn.
Là một trong những nhà nghiên cứu quan tâm đến tác động xã hội và mục tiêu AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, Giáo sư Yoshua Bengio cho rằng, “đạo đức, trách nhiệm xã hội giúp AI có thể "hòa nhập" cuộc sống”.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Giáo sư Yoshua Bengio cũng đã cùng ông Bình đối thoại về “AI có trách nhiệm và tầm quan trọng của AI trong giáo dục” và chứng kiến việc thành lập Ủy ban Đạo đức AI trực thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA). Nhà sáng lập Viện nghiên cứu AI Mila đánh giá, việc thành lập Ủy ban Đạo Đức AI là một bước đi quan trọng để dẫn dắt Việt Nam đến một tương lai phát triển AI phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu về minh bạch, trách nhiệm và lợi ích xã hội.
Cùng chung quan điểm, ông Bình cho rằng, khi thế giới còn có những bất đồng về địa chính trị, chiến tranh thì AI có thể sẽ trở thành một vũ khí bí mật. Và đó sẽ là đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, nhất là khi kết hợp với chiến tranh hạt nhân, với chiến tranh sinh học. Vì thế Ủy ban Đạo đức AI là bước đầu tiên của Việt Nam cho một thế giới phát triển bền vững . “Là công ty công nghệ toàn cầu, FPT mong muốn hợp lực trí tuệ AI đỉnh cao vì một thế giới an toàn hơn, tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn”, ông Bình nhấn mạnh. Đồng thời ông cũng đề xuất, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, các nhà khoa học, người nghiên cứu công nghệ cần có những thỏa thuận mang tính chấp thuận toàn cầu về trách nhiệm sử dụng AI.
Ông Bình đưa ra dẫn chứng, năm 1968, cả thế giới đã khởi đầu tiến trình ký kết Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân với 3 nguyên tắc trụ cột là không phổ biến, giải giới và quyền sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hòa bình. Với AI cũng cần một thỏa thuận tương tự để AI có thể là người bạn đồng hành, mang lại hạnh phúc cho mỗi con người.