'Bữa tiệc mang mầm bệnh' biến viện dưỡng lão thành ổ dịch lớn nhất nước Mỹ, nơi 16 người đã thiệt mạng vì nhiễm virus corona

10/03/2020 02:18 AM | Sống

Vài ngày trước khi viện dưỡng lão Life Care trở thành ổ dịch nghiêm trọng nhất nước Mỹ, có rất ít dấu hiệu cho thấy nơi này đã chuẩn bị ứng phó với dịch Covid-19, thậm chí một bữa tiệc tập trung đông người còn diễn ra như thường.

Trong nửa cuối tháng 2, viện dưỡng lão Life Care ở thành phố Kirkland, hạt King, bang Washington đã trở thành ổ dịch lớn nhất nước Mỹ. Theo CNN, đến sáng ngày 8/3 (giờ địa phương), đã có 54 trong tổng số 120 người cao tuổi ở viện được chuyển đến các trung tâm y tế, hầu hết họ đang chờ nhận kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, 70 trong số 180 nhân viên của Life Care cũng có triệu chứng bệnh.

Đáng chú ý, trong số 19 người tử vong vì nhiễm Covid-19 ở hạt King, có đến 16 ca liên quan tới viện dưỡng lão Life Care, theo đài KOMO cập nhật đến ngày 8/3. Tổng số ca tử vong trên toàn nước Mỹ đến giờ là 22 người.

Bữa tiệc mang mầm bệnh biến viện dưỡng lão thành ổ dịch lớn nhất nước Mỹ, nơi 16 người đã thiệt mạng vì nhiễm virus corona - Ảnh 1.

Viện dưỡng lão Life Care (Ảnh: AP)

Chưa rõ vì sao viện dưỡng lão này lại trở thành ổ dịch nghiêm trọng ở Mỹ. Tuy nhiên, trước khi ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Life Care thiếu sự chuẩn bị "để chiến đấu với một dịch bệnh đang càn quét toàn cầu", theo AP. Thậm chí, nơi này còn tổ chức một bữa tiệc tập trung đông người và có thể gây truyền nhiễm cao.

"Bữa tiệc mang mầm bệnh"

Đến giữa tháng 2 vừa qua, các vị khách vẫn ra vào viện Life Care thường xuyên, nhiều người không hẹn trước. Các nhân viên cũng mới đeo khẩu trang dạo gần đây, nhưng các cư dân lớn tuổi và người thăm viếng thì không làm vậy. Các sự kiện vẫn diễn ra theo lịch trình, bao gồm bữa tiệc Mardi Gras (một ngày lễ của Kitô Giáo). Những ông bà cụ và bạn bè, con cháu của họ đã quây quẩn trong hội trường, ca hát và truyền tay những đĩa cơm, xúc xích với bánh vua truyền thống.

Lori Spencer, có người mẹ 81 tuổi ở Life Care, đã đến tham dự bữa tiệc. Cô đã cảm thấy bất an khi thấy các nhân viên đeo khẩu trang, còn khắp viện dưỡng lão đều đông nghẹt. "Cả hội trường toàn người với người. Khá hỗn loạn. Lúc đó tôi cứ nghĩ mãi là tại sao mọi người có thể luồn lách được" - Lori nói.

Bữa tiệc mang mầm bệnh biến viện dưỡng lão thành ổ dịch lớn nhất nước Mỹ, nơi 16 người đã thiệt mạng vì nhiễm virus corona - Ảnh 2.

Một bữa tiệc Mardi Gras ở viện dưỡng lão (Ảnh minh họa)

"Tất cả chúng tôi đều ăn uống, ca hát rồi vỗ tay theo nhạc. Bây giờ nghĩ lại, đó thật sự là một bữa tiệc lan truyền mầm bệnh" - Pat McCauley, đến thăm một người bạn ở viện dưỡng lão vào hôm đó (26/2), nói với phóng viên AP.

Ngoài ra, bà Pat nhớ rằng dù các nhân viên đã đeo khẩu trang, họ không tỏ ra khẩn trương phòng chống dịch bệnh. Mọi sinh hoạt đều diễn ra như bình thường.

"Khi khách tập trung đông hơn, chúng tôi còn giúp bế các ông bà cụ lên xe lăn và đẩy họ đến bàn ăn. Ai nấy đều nhiệt tình mở cửa, dọn dẹp bàn ghế cho xe lăn dễ lách qua. Chúng tôi đã tiếp xúc gần gũi với rất nhiều cư dân viện dưỡng lão, giờ là bệnh nhân Covid-19" - Pat nhớ lại.

Hai ngày sau bữa tiệc (28/2), Pat và chồng mình lại đến thăm người bạn ở viện dưỡng lão nhưng các nhân viên đã tỏ ra khác thường. Họ yêu cầu hai vợ chồng đeo khẩu trang vì "virus gây bệnh hô hấp" đang lan truyền. Bà Pat và chồng lập tức rời khỏi viện dưỡng lão sau thông báo đó.

Bữa tiệc mang mầm bệnh biến viện dưỡng lão thành ổ dịch lớn nhất nước Mỹ, nơi 16 người đã thiệt mạng vì nhiễm virus corona - Ảnh 3.

Vợ chồng Pat và Bob McCauley lo mình đã tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 trong "bữa tiệc mang mầm bệnh" ở Life Care (Ảnh: AP)

Ngày hôm sau (29/2), cơ quan y tế địa phương chính thức thông báo một nhân viên Life Care ngoài 40 tuổi và một cư dân ngoài 70 tuổi đã nhiễm virus corona chủng mới. Trong vài ngày tiếp theo, tin tức chấn động lại ập tới: đã có những nạn nhân đầu tiên thiệt mạng, bao gồm 2 ông cụ và 3 bà cụ, tất cả đều trên 70 tuổi.

Những lỗ hổng cho virus corona xâm nhập

"Chúng tôi đều nấu nướng và ăn uống cùng nhau, bây giờ rất khó để truy tìm những ai từng tiếp xúc với bệnh nhân" - một vị khách khác tên Evan Hurley cho biết.

Betsy McCaughey - chủ tịch Ủy ban Giảm thiểu tử vong vì bệnh truyền nhiễm (tổ chức phi lợi nhuận) - nêu ý kiến, đáng lẽ Life Care cần tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn để bảo vệ sức khỏe các cư dân của mình.

"Tất cả viện dưỡng lão đều tổ chức tiệc. Nhưng vấn đề là phải tra vấn khách tham dự: sức khỏe của bạn như thế nào, bạn và gia đình có từng đến vùng dịch hay không, xung quanh bạn có ai nhiễm bệnh hay không..." - bà Betsy nói.

Ngoài ra, nữ chuyên gia ước tính khoảng 380.000 người cao tuổi ở các viện dưỡng lão Mỹ đã thiệt mạng vì nhiều bệnh truyền nhiễm mỗi năm, một nửa trong số đó có thể phòng tránh được. Betsy McCaughey cho rằng chính quyền liên bang cần đưa ra quy định mới, theo đó yêu cầu điều hành viện dưỡng lão như một bệnh viện. Mặc dù người cao tuổi ở viện dưỡng lão cần có những kết nối xã hội bền chặt hơn so với ở bệnh viện, "họ không cần thiết phải đánh đổi cả tính mạng cho việc đó" - Betsy bày tỏ.

Bữa tiệc mang mầm bệnh biến viện dưỡng lão thành ổ dịch lớn nhất nước Mỹ, nơi 16 người đã thiệt mạng vì nhiễm virus corona - Ảnh 4.

Người mẹ và con trai trở về nhà, người bố nhìn theo qua lớp kính. Ông có triệu chứng Covid-19, đang bị cách ly và sắp nhập viện (Ảnh: AP)

Đến hiện tại, con đường để virus corona xâm nhập vào viện dưỡng lão Life Care vẫn còn là bí ẩn. Một giả thiết cho rằng ai đó đã nhiễm Covid-19 từ nước ngoài, sau đó trở về bang Washington và lan truyền cho cộng đồng. Tiếp theo, có thể nhân viên hay người thân đến thăm viếng đã mang mầm bệnh vào viện dưỡng lão, vô tình truyền cho các ông bà cụ ở đây. Viện dưỡng lão - nơi người cao tuổi trú ngụ - chính là nơi dễ tổn thương nhất trước dịch bệnh khi hệ miễn dịch của người già suy yếu và thường có bệnh lý nền.

Trước đó vào tháng 4/2019, viện dưỡng lão Life Care còn bị phạt hành chính 67.000 USD (gần 1,6 tỷ đồng) do vi phạm quy định phòng chống bệnh truyền nhiễm khiến 17 người mắc bệnh cúm. Một đợt kiểm tra sau đó cho biết Life Care đã sửa sai, và viện này cũng luôn được đánh giá tốt bởi CMS (Trung tâm Dịch vụ chăm sóc và trợ cấp y tế của liên bang).

Cho đến ngày 6/3, vẫn còn 69 cư dân viện dưỡng lão trú lại Life Care. Chính quyền hạt King cho biết sẽ hỗ trợ các gia đình đưa người thân về chăm sóc tại nhà nếu họ có nguyện vọng.

Bữa tiệc mang mầm bệnh biến viện dưỡng lão thành ổ dịch lớn nhất nước Mỹ, nơi 16 người đã thiệt mạng vì nhiễm virus corona - Ảnh 5.

Một bệnh nhân được chuyển đi từ viện Life Care (Ảnh: AP)

Trước đó, ngày 5/3, người mẹ 89 tuổi của Patricia Herrick đã mất tại viện Life Care. Cô cho biết mình rất khổ sở khi mẹ qua đời giữa ổ dịch nhưng không có cách nào để ngăn chặn. "Biết mẹ ở trong môi trường nguy hiểm như vậy mà không thể làm gì... thật kinh khủng"

Patricia đề nghị người đã khuất sẽ được làm xét nghiệm Covid-19 để biết rõ nguyên nhân cái chết. Ngoài ra, cô nghĩ nên có quy định nghiêm khắc hơn ở các viện dưỡng lão: "Không thể tổ chức tiệc tùng nữa. Và bất kỳ ai có vấn đề hô hấp đều phải được cách ly. Đây là lời cảnh tỉnh đến tất cả chúng ta, rằng hệ thống viện dưỡng lão ở Mỹ đang tồn tại những lỗ hổng".

(Theo AP)

Bữa tiệc mang mầm bệnh biến viện dưỡng lão thành ổ dịch lớn nhất nước Mỹ, nơi 16 người đã thiệt mạng vì nhiễm virus corona - Ảnh 6.

Theo Jayden

Cùng chuyên mục
XEM