BS Nguyễn Trung Cấp: "Hai ca Covid-19 trở nặng và hàng trăm bệnh nhân sắp về nước đều nằm trong kế hoạch đã chuẩn bị"
BS Nguyễn Trung Cấp cho rằng, diễn biến sức khỏe của bệnh nhân trở nặng là điều đã được Bộ Y tế dự tính từ trước đó.
Trước tình huống Việt Nam tái lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng sau hơn 100 ngày khống chế thành công, có 2 ca trở nặng, và chuẩn bị đón hơn 200 người bệnh từ nước ngoài trở về, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), cho biết, để ứng phó với dịch bệnh Covid -19 trong tình hình mới, hiện tại, Bệnh viện ở cơ sở Đông Anh, Hà Nội đã giải phóng khoảng 500 giường bệnh, sẵn sàng đón bệnh nhân Covid-19 tới điều trị.
Khoa Cấp cứu – nơi chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 trở nặng – cũng đã "giải phóng xong mặt bằng", chuyển hết bệnh nhân thường đi nơi khác.
Đối với trường hợp 200 bệnh nhân từ nước ngoài sắp về nước, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sẽ có sự phân bổ hợp lý. Nhóm âm tính và dương tính sẽ được sắp xếp ở hai khu vực riêng biệt, cử ra một số khoa trong viện phụ trách.
Những người dương tính thường, không có diễn tiến nặng, nếu điều trị một thời gian mà âm tính, sẽ được chuyển sang nơi khác để tiếp tục cách ly.
Đối với những trường hợp nặng sẽ được chuyển xuống khoa Cấp cứu. Nếu tại đó, bệnh nhân vẫn diễn tiến nguy kịch thì sẽ được chuyển sang điều trị Hồi sức tích cực.
Hiện tại, toàn bộ các y, bác sĩ của Bệnh viện đã sẵn sàng tinh thần trực chiến. Tuy nhiên, số lượng y, bác sĩ túc trực tại viện sẽ tùy theo tình hình thực tế và dựa trên nguyên tắc: giữ ít nhất số người phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm.
Điều này có nghĩa là, nếu có ít bệnh nhân nguy hiểm, số nhân viên y tế túc trực ở vòng trong sẽ ít hơn. Khi bệnh nhân nặng nhiều lên, số lượng y bác sĩ túc trực sẽ tăng thêm. Điều này hoàn toàn mềm dẻo theo tình hình thực tế và số lượng bệnh nhân.
Về trường hợp 2 ca bệnh trở nặng tại Đà Nẵng, BS Cấp cho biết, Bộ Y tế đang giao cho Bệnh viện Chợ rẫy TP.HCM hỗ trợ.
Về phía người dân, trong tình hình mới, BS Cấp khuyên mọi người nâng cao cảnh giác, không được chủ quan và phải chủ động làm theo tất cả khuyến cáo của Bộ y tế, Cục Y tế dự phòng.
"Trước đây, trong một lần họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng nói đại ý rằng: Xung quanh thế giới đang ngập lụt hết cả, nên kiểu gì cũng sẽ có chỗ bị nứt và rò rỉ vào nước ta, thôi thì tình hình phát sinh đến đâu, ta giải quyết tới đấy.
Nói tóm lại, việc tái lây nhiễm trong cộng đồng là một thực tế mà chúng ta sẽ không thể nào tránh khỏi.
Có điều là nó xảy ra lúc nào và chúng ta đáp ứng với nó như thế nào mà thôi. Còn trong tình hình hiện tại thì mọi thú vẫn đang trong dự tính của Bộ Y tế".
Về mặt phương pháp điều trị, BS Cấp cho biết, hiện nay, rất nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện kết quả.
Vì thế, có rất ít nghiên cứu lớn đi đến giai đoạn cuối cùng để rút ra được kết luận.
Hiện tại, các thông tin về các nghiên cứu mới, các phương pháp, kinh nghiệm điều trị vẫn được WHO và các cơ quan, tạp chí khoa học cập nhật liên tục. Các y bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn không ngừng theo dõi các thông tin này, cũng như liên tục tổng kết kinh nghiệm điều trị của mình để chia sẻ lại với WHO và các tạp chí khoa học thế giới.
"Hôm nay Mỹ đã thử nghiệm vắc xin mới trên 30.000 tình nguyện viên, đây là thông tin tốt. Thế giới đang có hàng trăm vắc xin đang trong quá trình phát triển. Việc có được càng nhiều loại vắc xin thành công, nhất là vắc xin giá rẻ, sản xuất dễ dàng thì chúng ta càng có hy vọng kiểm soát dịch bệnh sớm hơn", BS Cấp nói thêm.