Brexit sẽ phá hủy Premier League?

27/06/2016 21:10 PM | Xã hội

Một khi nước Anh không còn là một phần của Euro (Brexit), Premier League sẽ bị phá hủy. Ngoại hạng Anh chắc chắn sẽ không giữ được vị trí độc tôn của mình do những tác động xấu của Brexit và rơi tới vực sâu nào thì chẳng ai biết.

Kết quả bỏ phiếu hôm thứ 5 tuần trước để trưng cầu dân ý việc nước Anh có nên tách hay không khỏi Liên minh châu Âu (EU) giống như một vụ nổ Bigbang không chỉ với người Anh mà cả châu Âu, nhất là ngành nghề bóng đá. Các ông lớn tại Anh choáng váng, còn các ngôi sao đang thi đấu tại Euro 2016 cảm thấy hoang mang lo lắng. Nếu kết quả của đợt bỏ phiếu đó tiếp tục có hiệu lực: nước Anh sẽ không còn là một phần của Euro (Brexit), Premier League sẽ bị phá hủy. Ngoại hạng Anh chắc chắn sẽ không giữ được vị trí độc tôn của mình do những tác động xấu của Brexit và rơi tới vực sâu nào thì chẳng ai biết.

Mùa hè 2016 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với nhiều ông lớn ở Anh. Sau hàng loạt thất bại ở đấu trường châu Âu ở các mùa bóng gần đây, cả Manchester City, Manchester United, Chelsea lẫn Liverpool đang cố gắng tái thiết lại CLB. Manchester City đã nhanh chân giành được “kiến trúc sư” tài ba Pep Guardiola trước mũi các đại kình địch. Manchester United quyết tâm sửa sai cùng Jose Mourinho còn Chelsea thể hiện ý niệm thay đổi mạnh mẽ của mình khi mời HLV đầy cá tính Antonio Conte. Jurgen Klopp đến Liverpool từ giữa mùa và ông vẫn chưa có cơ hội mua sắm theo ý thích của mình.

HLV mới cũng đồng nghĩa sẽ có thay máu nhân sự, nhiều ngôi sao đi cũng như đến. Tức, các “đại gia” kể trên sẽ phải thực hiện rất nhiều giao dịch trên thị trường chuyển nhượng hè 2016. Nhưng, với sự kiện Brexit, 4 ông lớn trên đang cực kỳ rối rắm. Họ không dám làm gì vì rõ ràng là mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Không biết phe “đi” hay “ở” giành thắng lợi cuối cùng?! Nếu Brexit vẫn thắng thế, thì liệu điều luật về hành chính, nhân sự và tổ chức của Premier League có quay trở lại như trước khi Anh gia nhập EU hay sẽ khác?!

Số cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng bởi Brexit ở mỗi đội tại PL.

Chưa nói, cho dù có ưng bất cứ ngôi sao nào đi nữa, họ cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Nếu tin chuyện Brexit, họ sẽ gặp bất lợi trong giao dịch với đối tác, vì đồng bảng Anh đang rớt giá nghiêm trọng. Ngoài ra, chắc chắn những mục tiêu đó cũng không tự tin ký vào bảng hợp đồng, trong khi chẳng biết người Anh sẽ đối xử với dân lao động nhập cư như thế nào. Làm thế nào để có giấy phép lao động? Mức thuế sẽ giữ nguyên 45% hay sẽ cao hơn?

Và, không chỉ Premier League, mà cả Euro 2016 cũng đang lo sốt vó. Rất nhiều ngôi sao thi đấu tại vòng knock-out đang phục vụ cho các đội bóng ở Premier League. 11/23 cầu thủ tuyển Bỉ và Pháp chơi bóng ở Anh, Tây Ban Nha có 6 người….Tất cả đều đang lo lắng thắc thỏm, không biết mình sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Brexit chính thức được thông qua. “Đó là một kết quả cực kỳ gây thất vọng. Tôi nghĩ nó sẽ tác động tiêu cực đến nhiều người. Với quan điểm cá nhân, tôi thấy đó là một sai lầm. Tôi không hề mong đợi nó, tôi thật sự bị giật mình với thông tin đó”, Cesc Fabregas bình luận trên Telegraph.


Fabregas – ngoại binh của Chelsea cực lực phản đối Brexit.

Fabregas – ngoại binh của Chelsea cực lực phản đối Brexit.

Là một ngoại binh có kinh nghiệm dày dạng ở Premier League, tuyển thủ Tây Ban Nha phân tích: “Tôi đoán, Brexit có thể phá hủy giải Ngoại hạng. Nó sẽ khiến việc mua cầu thủ khó khăn hơn, quỹ lương cũng sẽ thay đổi nếu đồng Bảng tiếp tục rớt giá so với đồng Euro. Quyết định đó không chỉ tạo thêm nhiều sự phức tạp cho lĩnh vực bóng đá, mà còn cho nhiều ngành nghề khác”. Đồng quan điểm cùng Fabregas còn có ông thầy cũ Arsene Wenger.

HLV Arsenal kể về việc hụt Di Maria, do những quy định ngặt nghèo của nước Anh trước khi gia nhập EU: “Tôi từng rất ấn tượng với Di Maria lúc anh ấy 17 tuổi. Chúng tôi muốn cậu ấy đến Anh, nhưng cuối cùng cậu ấy chọn Bồ Đào Nhà, rồi từ Bồ đến Tây Ban Nha. Vì sao? Vì cậu ấy không thể có giấy phép lao động ở đây. Điều đó còn có nghĩa, nếu bạn muốn mang anh ấy về lần nữa, bạn sẽ phải trả một cái giá cực cao”.


Wenger từng hụt Di Maria vì những điều luật khó khăn của nước Anh trước khi vào EU.

Wenger từng hụt Di Maria vì những điều luật khó khăn của nước Anh trước khi vào EU.

Luật cũ của xứ sở xương mù không cho phép các CLB đá bóng của mình ký hợp đồng với các cầu thủ nước ngoài dưới 18 tuổi. Và, để được coi như là cầu thủ mà các đội bóng Anh đào tạo được, họ phải có thời lượng ra sân bằng số trận trong 3 mùa, trước sinh nhật 21. Với các cầu thủ ngoài EU, để có giấy phép lao động tại Anh, điều kiện còn khắc nghiệt hơn. Nếu cầu thủ thuộc top 10 tuyển quốc gia trong BXH của FIFA, họ phải chơi hơn 30% số trận của tuyển trong 2 năm gần nhất. Tất nhiên, cầu thủ thuộc các tuyển quốc gia yếu hơn thì số lần ra sân càng phải nhiều hơn.

Theo đó, sẽ có khoảng 332 cầu thủ đang thuộc biên chế các CLB ở Ngoài hạng Anh và Scottish không đủ các điều kiện kể trên. Nếu Brexit đạt được thắng lợi sau cùng, họ có thể bị trục xuất khỏi Vương quốc Anh hoặc được các CLB Anh gửi sang ở nhờ các đồng nghiệp khác tại châu Âu. Arsenal sẽ không thể có Cesc Fabregas và Hector Ballerin mới. Trong khi N’Golo Kante, Anthony Martial, Romelu Lukaku và Dimitri Payet; những cầu thủ thi đấu ấn tượng ở Premier League mùa 2015-2016 và Euro 2016, sẽ không thể đến Anh chơi bóng.


Với Brexit, có thể Manchester United sẽ không thể mua 1 Martial khác.

Với Brexit, có thể Manchester United sẽ không thể mua 1 Martial khác.

Còn một điều đáng sợ hơn mà không ai đủ can đảm để nhắc đến: mức thuế cho người có thu nhập cao. Một trong những lý do quan trọng khiến Premier League không ngừng thu hút nhiều ngôi sao trên khắp thế giới đến trình diễn, ngoài danh tiếng, còn là mức thuế thu nhập hấp dẫn: 45%, bằng với Ligue 1 và thấp hơn La Liga, Serie A lẫn Bundesliga. Nếu chính phủ mới “vui tính” muốn tăng mức thuế cộng với đồng bảng Anh đang trượt giá, ai sẽ muốn đến cống hiến cho nền bóng đá của đảo quốc đầy sương mù này?

Theo Sa Mộc

Cùng chuyên mục
XEM